Năm 2017, Hà Tĩnh ra Quyết định số 3753 về việc ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp còn hàng tồn kho mới được phép xuất khẩu, các doanh nghiệp không được mở rộng khai thác để bán đá ra nước ngoài. Trước quy định thắt chặt của tỉnh, các doanh nghiệp khai thác và kinh doanh đá xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Đá xây dựng xuất khẩu qua cảng Vũng Áng
Mới đây, ngày 29/6/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 05/2018 nhằm hướng dẫn việc xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Theo đó, mặt hàng đá xây dựng nằm trong danh mục các loại khoáng sản được xuất khẩu. Trên cơ sở các quy định của Thông tư 05, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đã tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhờ vậy, từ tháng 9/2018, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tìm được lối ra, hoạt động khai thác và xuất khẩu đá xây dựng "hồi sinh". "Nút thắt" được gỡ, cảng Vũng Áng lại tiếp nhận nhiều chuyến hàng đá dăm xuất đi Banglades. Trong tuần qua, nhiều bạn hàng từ Singapore cũng đã đề cập vấn đề hợp tác.
Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa tại cảng Vũng Áng
Ông Phan Xuân Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TX Kỳ Anh, cho biết: “Trước đây, kỳ vọng từ Formosa, các doanh nghiệp xuất khẩu đá đầu tư với quy mô lớn nhưng thực tế nhu cầu không nhiều nên các doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, thời điểm đó lại vướng quy định của tỉnh. Sau khi đơn vị hải quan tham mưu bằng văn bản, 4 doanh nghiệp trên địa bàn đã tháo gỡ được vướng mắc và xuất khẩu thuận lợi, qua đó nộp ngân sách đáng kể cho địa phương”.
Gỗ dăm tập kết tại cảng Vũng Áng
Không chỉ kịp thời tháo gỡ khó khăn bằng tham mưu cơ chế, chính sách, thời gian qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đã không ngừng cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng, chia sẻ: "Riêng các thủ tục hành chính của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, nhiều thủ tục lần đầu tiên phát sinh ở Việt Nam nên chưa có cơ sở để phân loại, áp mã, xác định thuế. Nhất là việc dịch thuật từ tiếng Trung, tiếng Đài sang tiếng Việt chưa thống nhất được nên cán bộ nghiệp vụ rất lúng túng. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Tổng cục nên hầu hết các thủ tục đều được xử lý trong ngày, chậm nhất là 3 ngày".
Doanh nghiệp mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng
Bên cạnh đó, với những vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp, đơn vị sẵn sàng giải đáp và xử lý trong ngày chứ không phải bằng văn bản hay giấy tờ. Với những ngày lễ, đơn vị bố trí cán bố trực 24/24h để đảm bảo mở tờ khai cho doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đã mở hơn 2.000 tờ khai hải quan; qua đó đã thu nộp ngân sách nhà nước 3.679 tỷ đồng (chiếm 87% số thu toàn cục). Số thu ngân sách chủ yếu đến từ các mặt hàng: Thiết bị máy móc nhập khẩu, than nhập khẩu, quặng sắt, phế liệu, gỗ dăm, đá xây dựng, các mặt hàng quá cảnh đi Lào (muối kali, quặng…).
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đã mở hơn 2.000 tờ khai hải quan, thu nộp ngân sách nhà nước 3.679 tỷ đồng
Trong nỗ lực cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng đang triển khai hệ thống hải quan tự động tại cảng biển - VASSCM. Theo đó, đơn vị đã chọn 3 doanh nghiệp là: Công ty CP Cảng quốc tế Lào - Việt; Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Chi nhánh xăng dầu, dầu khí Vũng Áng để tiến hành triển khai VASSCM.
Theo ông Cao Đức Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng: “Dự kiến 30/9, đơn vị sẽ hoàn thành hệ thống hải quan tự động tại cảng bến VASSCM. Qua đó sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hàng hóa ra, vào, tồn đọng tại cảng, kho, bãi chặt chẽ và khoa học. Ngoài ra, hệ thống VASSCM cũng góp phần giảm thời gian giải phóng hàng, chi phí, giấy tờ, thời gian đi lại cho doanh nghiệp nhằm thu thuế đạt hiệu quả cao nhất”.