10 gương mặt xuất sắc của đội tuyển Lịch sử và cô giáo chủ nhiệm đội tuyển Lê Thị Hoài (người đứng giữa hàng phía sau)
Niềm tự hào về quê hương và 2 giải nhất quốc gia đầy ấn tượng
Tham gia Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia lần thứ 2, Lê Thị Hiếu Ngân, lớp 12 Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã giành giải nhất lần thứ 2 môn Lịch sử.
Đây là lần thứ 2 Hiếu Ngân giành giải nhất quốc gia môn Lịch sử
Để có được thành công, Hiếu Ngân đã nỗ lực miệt mài với phương pháp học theo sơ đồ tư duy dễ nhớ và những sáng kiến trong việc nhớ các mốc sự kiện.
Hiếu Ngân chia sẻ: “Từ nhỏ, trong những câu chuyện kể của ông bà, bố mẹ và sau này qua những trải nghiệm thực tế từ những di tích ngay trên quê hương thị trấn Nghèn và những bài giảng hấp dẫn của thầy cô giáo đã bồi đắp tâm hồn em về tình yêu, tự hào truyền thống quê hương. Đó cũng là yếu tố để em gắn bó với bộ môn Lịch sử” .
Ngay sau kỳ thi kết thúc, cùng với các bạn, Hiếu Ngân đang chạy đua với thời gian chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Mục tiêu lớn mà em ấp ủ là trở thành sinh viên Học viện Cảnh sát.
“Chị gái em đã từng là cựu sinh viên trường cảnh sát. Những câu chuyện kể của chị về việc học tập, nếp sinh hoạt trong ngôi trường này đã hấp dẫn em. Từ đó, em ước mơ một ngày được trở thành sinh viên của trường. Em đang cố gắng thực hiện ước mơ của mình bằng việc dành thời gian ôn luyện, củng cố kiến thức cho kỳ thi quan trọng sắp tới”.
Lịch sử là bộ môn hướng con người về với cội nguồn
Tin vui về thành tích tại Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia đã mang mùa xuân về sớm với căn nhà nhỏ ở phường Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh) - nơi gia đình Thanh Trâm ở trọ.
Lịch sử cho Trâm thêm yêu, thêm tự hào về quê hương
Thanh Trâm chia sẻ: “Em bắt đầu chú ý đến môn Lịch sử từ lớp 9, nhưng ban đầu cũng chỉ đơn giản là thích mà thôi. Niềm đam mê, sự cuốn hút của môn học này với em mới thực sự bắt đầu từ lớp 10 - khi em được vào lớp Sử - Địa Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Bằng phương pháp giảng dạy linh hoạt, mở rộng cho chúng em thêm nhiều kiến thức, các cô đã thực sự truyền lửa say mê cho học sinh. Lịch sử đã đưa em về với cội nguồn, bồi đắp cho em lòng tự hào về truyền thống của đất nước. Cũng từ đó em thấy mình càng phải trau dồi, học tập và rèn luyện tốt hơn để sau này góp sức xây dựng quê hương”.
Lịch sử là môn học khó bởi có quá nhiều kiến thức, nhiều sự kiện, nhưng theo Thanh Trâm, để học tốt môn này thì không nhất thiết phải học thuộc lòng mà quan trọng là phải có tư duy tốt, biết hệ thống kiến thức. Thanh Trâm đã thành công với phương pháp của mình với giải ba quốc gia vào năm lớp 11 và giải nhất trong năm học lớp 12.
Yêu môn học, cảm phục những người “truyền lửa” nên ước mơ sau này của Thanh Trâm là trở thành sinh viên khoa Sử của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Mỗi trang sử, mỗi bài học đều thấm đẫm xương máu cha ông
Mở đầu câu chuyện với cô nữ sinh đến từ lớp 12A6 Trường THPT Hương Khê - Nguyễn Thị Quỳnh Trang là sự chia sẻ về môn học mà em đã dành nhiều thời gian, tâm huyết từ hồi học THCS.
Để giành được giải cao nhất, so với bạn bè trong đội tuyển, Trang đã nỗ lực rất nhiều
Quỳnh Trang cho biết: “Từ lớp 7 em đã yêu thích môn học này bởi những mẩu chuyện về sự hy sinh anh dũng của những anh hùng liệt sỹ qua lời kể của cô giáo bộ môn. Mỗi trang sử, mỗi bài học đều thấm đẫm xương máu thế hệ cha ông đã khiến em khóc vì xúc động và tự hào. Đó cũng là lý do thôi thúc em muốn tìm hiểu nhiều hơn để rồi ngày càng gắn bó với bộ môn Lịch sử”.
Càng học lên càng khó, bởi Lịch sử có kiến thức rộng và nhiều sự kiện nên rất khó để nhớ thời gian chính xác. “Em ghi các sự kiện dán lên tường để có thể học mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, em thường hệ thống lại kiến thức đã học theo từng tuần, từng tháng để xâu chuỗi theo theo hệ thống, nhờ thế em nhớ được lâu hơn. Ngoài ra, em còn tìm đọc thêm nhiều sách tham khảo và xem các các bộ phim về lịch sử ” - Trang chia sẻ bí quyết học tập.
Sự động viên giúp đỡ của cô giáo và các bạn trong đội tuyển đã giúp trang tự tin hơn khi bước vào kỳ thi
Khác với nhiều bạn trong đội tuyển, hành trang đến với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của Quỳnh Trang là cả một chặng đường nỗ lực không mệt mỏi. Cố gắng vượt qua hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, cố gắng rút ngắn khoảng cách về kiến thức, hiểu biết của một học sinh đến từ vùng sâu, vùng xa để hòa nhập với các bạn trong đội tuyển. Những nỗ lực miệt mài của Trang và sự giúp đỡ tận tình của các cô giáo, bạn bè trong đội tuyển đã giúp em vượt qua với thành quả giải nhất quốc gia.
“Niềm vinh dự và tự hào em này xin được giành cho bố - người đã chịu thương chịu khó với cảnh gà trống nuôi con suốt nhiều năm ròng để nuôi em ăn học. Đây cũng là động lực, là niềm tin cho em vững bước thực hiện ước mơ vào khoa Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội” - Quỳnh Trang chia sẻ.
Để khắc phục sự khô khan của môn Lịch sử, đội ngũ giáo viên chúng tôi đã có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, đó là truyền thụ kiến thức bằng tư liệu, hình ảnh và cả những thước phim. Ngoài ra, giáo viên cũng thường phải học hỏi trau dồi để có kiến thức chuyên sâu kích thích khả năng tư duy logic của học sinh thay vì phương pháp học thuộc lòng. Ngoài ra, giáo viên cũng phải hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài, cách viết, cách diễn đạt
Cô Lê Thị Hoài - Chủ nhiệm đội tuyển Lịch sử