Ung thư là căn bệnh phổ biến, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, khiến hơn 10 triệu người qua đời vào năm 2022. Tuy nhiên, không ít người vẫn có những suy nghĩ chưa chính xác về bệnh này.
Các chuyên gia giải thích 4 hiểu lầm thường thấy về ung thư, như sau:
Để điện thoại trong túi gây ung thư
Nhiều thập kỷ, người ta tin rằng bức xạ điện từ hoặc sóng điện thoại có thể gây ung thư. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết đây là tuyên bố không có bằng chứng xác thực. Điện thoại hoạt động bằng cách gửi, nhận sóng điện từ đến và đi. Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh, bức xạ năng lượng cao có thể gây ung thư, bởi nó làm tổn hại DNA. Bức xạ từ điện thoại rất yếu, không thể gây ra tác động này.
Tổ chức này cho biết thêm, mạng 4G và 5G dựa vào sóng vô tuyến tần số cao hơn so với loại điện thoại được sản xuất cách đây một thập kỷ, nó vẫn không đủ năng lượng để làm tổn hại DNA của con người. Vì công nghệ này còn tương đối mới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi để tìm hiểu mọi tác động lâu dài tiềm ẩn.
Bánh mì cháy gây ung thư
Bánh mì nướng cháy, rau củ cháy đều chứa một chất hóa học gọi là acrylamide. Chất này xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm khi được nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Một số nghiên cứu cho thấy chất này có liên quan đến bệnh ung thư.
Tuy nhiên, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Anh nhận định các bằng chứng không đủ mạnh để kết luận thực phẩm nướng, chiên hoặc quay làm tăng nguy cơ ung thư. Cụ thể, các công trình trên đã không thể đo lường chính xác lượng acrylamide trong chế độ ăn của người dân.
Thống kê của Đại học Cambridge cho thấy con người chỉ mắc ung thư nếu tiêu thụ 320 lát bánh mì nướng cháy mỗi ngày.
Trong khi đó, các loại thực phẩm quen thuộc hơn như thịt xông khói, xúc xích có nguy cơ gây ung thư cao hơn. Thịt xông khói chứa nitrat và nitrit, những hóa chất giữ thịt tươi lâu hơn, có thể gây tổn thương tế bào lót ruột và tăng nguy cơ ung thư ruột.
Chế độ ăn uống cân bằng, nhiều rau, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ, như bánh mì nâu, gạo và mì ống có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
Một số người cho rằng ăn bánh mì cháy có thể gây ung thư. Ảnh: Pexel
Phụ nữ bị stress dễ ung thư vú
Năm 2014, một nghiên cứu trên 858 phụ nữ ở Ba Lan đã đánh giá tác động lâu dài của căng thẳng với tỷ lệ mắc ung thư vú, cho rằng có sự liên quan giữa hai yếu tố này.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên hơn 100.000 phụ nữ ở Anh năm 2016 không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng và căn bệnh. Phân tích khác năm 2013, xem xét 12 nghiên cứu với hơn 100.000 tình nguyện viên cho kết quả tương tự. Căng thẳng cũng không gây bệnh ung thư trực tràng, phổi, vú hoặc tuyến tiền liệt.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), căng thẳng không liên quan trực tiếp đến ung thư, nhưng stress kéo dài có thể dẫn đến cao huyết áp và trầm cảm.
Chất làm ngọt nhân tạo gây ung thư
Đồ uống có ga dành cho người ăn kiêng, kẹo cao su và kem đánh răng đều chứa các chất làm ngọt nhân tạo, có tên aspartame. Một số bằng chứng cho thấy aspartame có thể gây ung thư. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng xếp chất làm ngọt nhân tạo vào nhóm “có thể gây ung thư cho con người” vào tháng 6/2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết một người cần tiêu thụ số lượng aspartame cực lớn, hơn 10 lon nước ngọt mỗi ngày, mới phát triển nguy cơ ung thư.
Cụ thể, lượng tiêu thụ quy ước hàng ngày đối với chất tạo ngọt này (0-40 mg aspartame trên mỗi kg trọng lượng cơ thể) là hợp lý. Hiện nay, mỗi lon nước ngọt không đường chứa 200-300 mg aspartame. Như vậy, một người nặng từ 60 đến 79 kg, uống hơn 9 đến 14 lon nước ngọt mỗi ngày mới gây nguy hiểm, trong trường hợp họ không tiêu thụ chất này từ các nguồn khác.