4 kịch bản với Triều Tiên sau khi Trump hủy họp thượng đỉnh

Hai bên có thể nỗ lực để tái tổ chức cuộc gặp Trump - Kim, nhưng tình hình cũng có nguy cơ leo thang thành chiến tranh hủy diệt.

4 kịch bản với Triều Tiên sau khi Trump hủy họp thượng đỉnh

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 24/5. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 bất ngờ gửi thư cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Nhiều chuyên gia bày tỏ tiếc nuối với quyết định này của Trump, bởi một cơ hội ngoại giao quý báu như vậy rất khó gặp lại, theo NPR.

Jeol Wit, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson, cho rằng Triều Tiên từ lâu đã rất mong muốn gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ. Một hội nghị thượng đỉnh như vậy là cơ hội thực sự để giải quyết những bất đồng, khác biệt nguy hiểm giữa hai nước, nhưng chính quyền Trump đã đánh mất cơ hội đó.

Tuy nhiên, Scott Horsley, nhà báo Mỹ kỳ cựu chuyên theo dõi thông tin tại Nhà Trắng, cho rằng cánh cửa đàm phán Mỹ - Triều vẫn chưa hoàn toàn đóng sập, bởi lá thư của Trump tuy chứa đựng những lời lẽ đe dọa về vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn mở ra một lối thoát khi nói rằng Kim Jong-un "đừng do dự gọi hoặc viết cho tôi" nếu Triều Tiên thay đổi quan điểm.

Vipin Narang, giáo sư chuyên ngành hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts, vạch ra 4 kịch bản có thể xảy ra với Mỹ và Triều Tiên sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Singapore bị hủy, theo Vox.

Thứ nhất, Mỹ và Triều Tiên sẽ nỗ lực tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh khác. Việc rút khỏi hội nghị lần này sẽ giúp cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ Ngoại giao Triều Tiên có thêm thời gian để nghiên cứu và tìm cách thu hẹp bất đồng giữa hai bên nhằm đạt được một đồng thuận nhất định để hai lãnh đạo có thể đi tới thỏa thuận có ý nghĩa trong một cuộc gặp thượng đỉnh khác.

Narang cho rằng khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Triều Tiên hiện nay là khái niệm "phi hạt nhân hóa". Washington muốn Bình Nhưỡng phá hủy hoàn toàn kho đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo, vận chuyển chúng ra nước ngoài theo quy trình được giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, Kim Jong-un nhiều khả năng coi "phi hạt nhân hóa" nghĩa là Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ thử, nhưng vẫn được quyền giữ lại những vũ khí hạt nhân đã chế tạo.

Đây là khác biệt rất khó khỏa lấp và bất cứ sự nhượng bộ nào cũng có thể bị hai bên coi là "không thể chấp nhận được". Nhưng nếu giới chức Mỹ và Triều Tiên tìm được tiếng nói chung, đó sẽ là sự thắng thế của chính sách ngoại giao và là kịch bản tốt đẹp nhất cho hòa bình khu vực Đông Á và thế giới.

Trong kịch bản thứ hai, giới chức ngoại giao hai nước sau nhiều nỗ lực đã tổ chức lại được cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim, nhưng hai lãnh đạo không thể thu hẹp được bất đồng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và không đi đến được thỏa thuận nào.

Khi đó, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ được giữ nguyên trạng như hiện nay, nhưng quan hệ hai nước trở nên tốt hơn rất nhiều so với trước đây, bởi lãnh đạo hai nước đã ngồi đàm phán trực tiếp với nhau.

Nhưng với sự cứng rắn trong các phát ngôn gần đây của Triều Tiên và tính cách khó lường của Tổng thống Trump, "tình hình có thể leo thang nhanh như quá trình nó hạ nhiệt và chúng ta quay lại thời kỳ 2017", Narang nói. Trong kịch bản thứ ba này, lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ lại tiếp tục đấu khẩu và tung ra những lời đe dọa "hủy diệt lẫn nhau".

Khi đó, Triều Tiên có thể tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ra Thái Bình Dương hoặc gần đảo Guam, như những gì Kim Jong-un đe dọa hồi năm ngoái. Mỹ phản ứng bằng cách gia tăng các lệnh trừng phạt và tiếp tục đe dọa sử dụng biện pháp quân sự để đánh phủ đầu Triều Tiên.

Hàn Quốc lúc này sẽ bị mắc kẹt giữa lập trường cứng rắn của đồng minh Mỹ với mong muốn thiện chí, hòa giải với Triều Tiên vốn được thể hiện trong Tuyên bố chung Panmonjum. Seoul nhiều khả năng sẽ phản đối kịch liệt bất cứ kế hoạch nào của Washington sử dụng vũ lực chống lại Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Narang cho rằng không ai có thể đảm bảo sự phản đối của Hàn Quốc có thể ngăn Mỹ và Triều Tiên sa vào một cuộc chiến tranh trong kịch bản thứ tư và cũng là kịch bản tồi tệ nhất. Theo chuyên gia này, chính quyền Trump có thể coi sự đổ vỡ của kế hoạch họp thượng đỉnh là minh chứng cho thất bại của nỗ lực ngoại giao và theo đuổi mục tiêu "phi hạt nhân hóa bằng vũ lực".

Nếu Nhà Trắng dưới thời Trump thực hiện kịch bản này, quân đội Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu chính xác nhằm vào các cơ sở vũ khí hạt nhân và ban lãnh đạo Triều Tiên. Đây có thể là kịch bản hủy diệt đối với Mỹ và Triều Tiên, bởi nó có thể châm ngòi cho đòn đáp trả hạt nhân của Bình Nhưỡng nhắm vào lục địa Mỹ.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ ước tính nếu chiến tranh nổ ra, Triều Tiên có thể trút khoảng 10.000 rocket và đạn pháo xuống thủ đô Seoul mỗi phút, khiến hơn 3.000 người Hàn Quốc thiệt mạng trong những ngày đầu của xung đột, đó là chưa kể hậu quả do các loại vũ khí hóa học có thể gây ra.

Yochi Dreazen, chuyên gia về quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ, cho rằng một cuộc chiến mới nổ ra trên bán đảo Triều Tiên sẽ tồi tệ hơn sức tưởng tượng của bất cứ người nào và có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Hầu hết chuyên gia hy vọng Trump và Kim vẫn theo đuổi con đường ngoại giao càng lâu càng tốt, với kịch bản thứ hai được mong chờ nhất.

"Lãnh đạo các nước trong khu vực và trên thế giới nên thúc giục Mỹ và Triều Tiên đối thoại một cách thực chất", Alexandra Bell, chuyên gia hạt nhân tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, nói. "Đó là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng này".

Theo VnExpress

Đọc thêm

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ

Ngày 5/11/2024, cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn tổng thống, người lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 4 năm tới.
Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Chân dung tân thủ lĩnh của Hezbollah

Ông Sheikh Naim Qassem, người được bầu làm thủ lĩnh mới của Hezbollah ngày 29/10, là nhân vật đã gắn bó, cống hiến cho với lực lượng này trong hơn 30 năm.
Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Cuộc khủng hoảng bị lãng quên

Quốc gia Ðông Phi đang bị đẩy đến bờ vực nạn đói, khiến Liên hợp quốc phải kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn đến "cuộc khủng hoảng bị lãng quên" này.
Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Philippines: 85 người chết, 41 người mất tích do bão Trà Mi

Được đánh giá là một trong những cơn bão nguy hiểm và tàn khốc nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay, cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia cho biết cơn bão đã khiến ít nhất 85 người thiệt mạng và 41 người khác mất tích.
Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Nhiều trẻ em tử vong do không thể rời khỏi Gaza

Các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trẻ em tại Dải Gaza đang chết trong đau đớn vì thiếu các hoạt động cấp cứu trong bối cảnh chính quyền Israel ngày càng ít chấp thuận sơ tán y tế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này này sau khi đóng cửa khẩu Rafah.