40 hộ dân ở Đức Thọ sống trong nỗi lo sạt lở đất

(Baohatinh.vn) - Cứ vào mùa mưa lũ, 40 hộ dân sống dưới các chân núi, ngọn đồi ở xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) lại nơm nớp nỗi lo sạt lở đất.

Đức Lạng nằm ở vùng thượng của huyện Đức Thọ, phần lớn diện tích tự nhiên là đồi núi. Địa phương còn có sông Ngàn Sâu đi qua. Vì vậy, hàng năm vào mùa mưa, địa bàn thường xảy ra mưa lũ và sạt lở đất, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhà ở và tài sản của Nhân dân.

B6.jpg
Nhiều hộ dân thôn Hà Cát, xã Đức Lạng đang phải sống bất an mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Hộ chị Cù Thị Huyền (thôn Hà Cát, xã Đức Lạng) sống ngay sát chân núi Lành, hằng năm, cứ vào mùa mưa là cả gia đình lại nơm nớp lo sợ vì chỉ cần một đợt mưa lớn là lại xảy ra sạt lở đất.

Như năm ngoái, đêm 16/9/2023, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng lở đất ầm ầm, tỉnh dậy thì thấy đất đá và bùn nhão đã tràn vào trong khu vực nhà bếp. Hai vợ chồng chỉ kịp ôm 3 đứa con nhỏ chạy sang nhà ông bà nội trong đêm.

B6.jpg
Thôn Hà cát có 12 hộ dân nằm dưới các quả đồi, vách núi dựng đứng.

Chị Huyền cho biết: "Ngay sau sự cố đó, vì sự an toàn của gia đình, cuối năm 2023, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình mạnh dạn vay mượn để làm nhà tại nơi ở mới, cách chỗ cũ khoảng 1 cây số, trên phần đất của cha ông để lại".

Tại thôn Hà Cát có 12 hộ dân nằm dưới các quả đồi, có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở cao. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để di dời đến nơi ở mới. Phần lớn các hộ này phải bám trụ và sống trong nơm nớp lo âu. Ông Phan Ngọc Thành (SN 1953), thôn Hà Cát cho biết: "Nhà tôi nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, cứ mùa mưa lũ lại phải di cư sang nhà con cái để tránh trú. Chúng tôi rất mong được Nhà nước tạo điều kiện cấp đất ở để di dời đến nơi an toàn hơn".

B1.jpg
Gia đình ông Phan Ngọc Thành sống ngay sát chân núi, nguy cơ sạt lở đất bất cứ lúc nào.

Xã Đức Lạng có 2 thôn là Hà Cát và Vĩnh Yên với trên 40 hộ dân, 132 nhân khẩu hiện đang ở các vị trí sát chân núi và dọc sông Ngàn Sâu, nguy cơ sạt lở cao. Hằng năm, xã Đức Lạng thường xuyên chủ động các phương án ứng phó với sạt lở đất, sẵn sàng di dời và sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Ông Nguyễn Đình Chiểu - Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết: "Bước vào mùa mưa, địa phương đều sẵn sàng phương án "4 tại chỗ", rà soát, kiểm tra và xác định vị trí xung yếu, nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hợp đồng chặt chẽ với chủ các phương tiện, phân công lực lượng để di dời, sơ tán dân khi cần thiết. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở Nhân dân theo dõi tình hình thời tiết, cảnh giác cao độ với mọi tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, về giải pháp bền vững thì cần di dời các hộ này ra khỏi các vị trí nguy hiểm".

B3.jpg
b2-6684.jpg
Những vết tích cũ vụ sạt lở đất năm 2023 tại chân núi Lành.

Theo ông Nguyễn Đình Chiểu, xã đã có phương án tổ chức họp dân để nghe nguyện vọng của những hộ nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở đất; theo đó, sẽ làm văn bản trình lên huyện và tỉnh để xin quy hoạch đất tái định cư hoặc xen kẽ để di dời người dân đến nơi ở an toàn, an cư lạc nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: "Hiện, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ di dời nhà ở đối với những hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất. Trong trường hợp xã đề xuất vùng quy hoạch để tái định cư, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân. Theo đó, người dân sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ đất đai với Nhà nước theo quy định".

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.