5 điều cha mẹ không nên nói trước mặt trẻ

Theo các chuyên gia nuôi dạy con, trẻ tiếp thu nhiều hơn người lớn nghĩ, không chỉ thứ cha mẹ trực tiếp nói với chúng, mà cả những điều nói với người khác.

Dưới đây là những điều mà chuyên gia khuyên người lớn không nên thảo luận trước mặt trẻ.

Cơ thể con người

Chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình Brianne Billups Hughes ở California (Mỹ) cho biết khi người lớn nói xấu cơ thể mình hoặc cơ thể người khác, trẻ sẽ thấy và có thể tiếp thu thông điệp tiêu cực đó.

"Trẻ giống miếng bọt biển, hấp thụ mọi thứ chúng nghe được. Nếu chứng kiến người lớn chỉ trích bản thân, có thể dẫn đến các vấn đề về lòng tự trọng và hình ảnh cơ thể khi trẻ lớn lên", cô nói.

Không chỉ những bình luận tiêu cực mới gây tổn hại. Khi người lớn thường xuyên đưa ra nhận xét về hình dáng cơ thể hoặc cân nặng, dù khen ngợi, có thể khiến trẻ quá quan tâm đến ngoại hình.

Nhận xét phê phán về cha mẹ hoặc người chăm sóc

Người lớn nên tránh nói xấu cha mẹ hoặc người chăm sóc khác của trẻ, dù nói chuyện trực tiếp hay trò chuyện khi trẻ đang trong tầm nghe.

Markham cho biết, việc nghe những bình luận tiêu cực về cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy như thể chúng phải chọn phe hoặc có trách nhiệm giải quyết tình hình, tạo cảm giác mất an toàn.

Nó cũng có thể làm xấu đi mối quan hệ của trẻ với cha (mẹ) hoặc khiến con thấy tội lỗi khi nghĩ xấu về họ.

Bình luận so sánh đứa trẻ với anh chị em

Markham khuyên phụ huynh tránh bình luận so sánh anh chị em này với anh chị em khác. Bà cho biết những so sánh như vậy có thể gây cạnh tranh và dẫn đến xung đột.

Markham cho rằng đó là cách nuôi dưỡng sự oán giận, ghen tị và bất an. Ví dụ, bạn có thể nói với con mình: "Con là đứa con trai ngoan của mẹ. Con không bao giờ làm khó mẹ như anh trai con đâu".

Nghe vậy, trẻ không chỉ cảm thấy áp lực phải giữ vị trí là đứa trẻ "tốt" mà còn "cố giữ cho anh chị em mình là đứa trẻ "xấu" trong mắt người khác". "Nếu không. làm sao con có thể duy trì được vị trí đặc biệt của mình trong mắt bạn?".

Áp lực tiền bạc của người lớn

Như nhà tâm lý học nhi khoa và huấn luyện viên phụ huynh Ann-Louise Lockhart, dịch vụ tâm lý học nhi khoa A New Day Pediatric Psychology giải thích, trẻ chưa đủ công cụ nhận thức để hiều đầy đủ về tài chính của người lớn.

Vì vậy, khi nghe lỏm được cuộc trò chuyện về căng thẳng liên quan đến tiền bạc trong cuộc sống của người lớn, trẻ tự rút kết luận. "Chúng tưởng tượng đó là điều tồi tệ nhất", cô nói.

Ví dụ, trẻ có thể nghĩ gia đình mình mất nhà hoặc không thể mua thức ăn, dù tình hình không quá nghiêm trọng. Nỗi sợ này khiến lo lắng gia tăng. Thậm chí, một số trẻ có cảm giác tội lỗi khi là gánh nặng, nếu cần những thứ như giày mới hoặc đồ dùng mới.

Nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải hoàn toàn giữ bí mật với con nếu tài chính thay đổi. Cha mẹ cần giải thích rõ và súc tích, giọng điệu phải bình tĩnh. Nếu tiền bạc eo hẹp, Lockhart gợi ý hãy nói điều gì như: "Chúng ta phải xem xét kỹ để đưa ra lựa chọn tốt", giúp con an tâm.

Bình luận ca ngợi việc sử dụng chất kích thích

Hughes cảnh báo rằng những cuộc trò chuyện "bình thường hóa hoặc tôn vinh" việc sử dụng các loại chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, trà, cà phê... khi có trẻ có thể dẫn đến "thái độ không lành mạnh đối với những chất này".

"Nói đùa thôi cũng có thể gây tò mò hoặc hành vi nguy hiểm sau này trong cuộc sống", cô giải thích.

Ảnh minh họa: Huffpost

Mặt khác, có những chủ đề mà người lớn nghĩ gây hại cho trẻ, lại nên để chúng tiếp cận theo cách phù hợp với lứa tuổi, như sau:

Bất đồng lành mạnh

Nhiều cha mẹ nghĩ nên tránh để con chứng kiến xung đột vợ chồng, nhưng không hẳn đúng. Theo Markham, trên thực tế, trẻ có thể hưởng lợi khi quan sát cha mẹ giải quyết bất đồng một cách tôn trọng nhau.

"Điều đó giúp trẻ hiểu không phải vợ chồng lúc nào cũng cùng quan điểm, nhưng chúng ta luôn yêu thương nhau. Trẻ cần thấy chúng ta được đòi hỏi thứ chúng ta muốn mà không cần tấn công người khác", Markham nói. Quan trọng hơn, trẻ thấy có thể làm lành bằng tình yêu và sự tha thứ.

Tuy nhiên, những tranh cãi như la hét, chửi tục hoặc hình thức thiếu tôn trọng khác không nên diễn ra trước mặt trẻ.

Cảm xúc chân thật

Nhiều người lớn cố gắng tránh thể hiện hoặc nói về cảm xúc của mình trước mặt trẻ, nhưng theo Hughes, thực ra, điều quan trọng là trẻ em phải thấy người lớn xử lý cảm xúc của mình theo cách lành mạnh.

Chia sẻ bạn đang thấy buồn bã, lo lắng hoặc thất vọng theo cách phù hợp với lứa tuổi của con là điều bình thường. Làm như vậy giúp bình thường hóa nhiều loại cảm xúc, giúp trẻ học cách thể hiện và điều chỉnh cảm xúc của chính mình.

Đây cũng là cách nâng cao trí tuệ cảm xúc của trẻ.

Những sai lầm mắc phải

Người lớn không nên cảm thấy áp lực phải giữ vẻ ngoài hoàn hảo trước mặt trẻ.

"Nói về những sai lầm của chính mình và cách bạn xử lý chúng giúp trẻ học cách sửa sai và trách nhiệm", Lockhart nói.

"Khi nghe, 'Mẹ phạm sai lầm ở nơi làm việc, nhưng chịu trách nhiệm và đang tìm cách giải quyết', chúng thấy rằng sai lầm là điều tự nhiên và chúng có thể xử lý một cách tích cực", chuyên gia nói.

Tiền nói chung

Hughes cho biết thảo luận về các khái niệm tài chính theo cách phù hợp với lứa tuổi là cơ hội học tập có giá trị. Những đứa trẻ hiểu biết về lập ngân sách, tiết kiệm, đầu tư, vay nợ và chi tiêu có trách nhiệm phát triển thói quen tài chính tốt khi chúng lớn lên.

"Điều quan trọng là tránh gây áp lực cho trẻ về vấn đề tiền bạc như người lớn", Hughes nói.

Giới tính, sự đồng thuận và những thay đổi về cơ thể

Là cha mẹ, bạn có thể tránh hoàn toàn các cuộc trò chuyện xung quanh những chủ đề này với con vì chúng quá khó chịu hoặc chưa đủ lớn. Nhưng giới thiệu những chủ đề này theo cách phù hợp với sự phát triển thực sự quan trọng.

Dạy trẻ em về sự đồng thuận, quyền tự chủ của cơ thể và những kiến thức cơ bản về giải phẫu, sinh sản hoặc tuổi dậy thì giúp trẻ phát triển sự hiểu biết lành mạnh về cơ thể và các mối quan hệ.

"Những cuộc thảo luận này trao quyền cho trẻ em đặt câu hỏi, đặt ra ranh giới và cảm thấy thoải mái về sự phát triển thể chất của chính mình. Nó cũng giúp ngăn ngừa thông tin sai lệch từ các nguồn khác.

Theo Huffpost

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói