5 thách thức của tân Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường

Hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi, hướng dẫn cấp phép mỏ vật liệu xây cao tốc, khắc phục ô nhiễm không khí... là những vấn đề lớn chờ tân Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giải quyết.

Chiều 22/5, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026, trở thành một trong hai thành viên Chính phủ đương nhiệm trẻ nhất (47 tuổi).

Là tiến sĩ Quản lý đô thị và công trình, kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, ông Khánh có nhiều lợi thế khi làm lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường, nhưng cũng có hàng loạt thách thức đang chờ đợi ông.

Hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Sau khi lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được Chính phủ hoàn thiện để trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp đang diễn ra. GS Hoàng Văn Cường (Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, ba vấn đề lớn nhất trong dự thảo đang chờ tân Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, là thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tài chính đất đai.

Dự thảo mới nhất nêu chi tiết các dự án được phép thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhưng đại biểu và người dân còn quan điểm trái chiều. Nhiều người cho rằng Nhà nước nên hạn chế thu hồi đất, thay bằng cơ chế thỏa thuận. Tuy nhiên, có ý kiến nói nếu thỏa thuận sẽ phát sinh mâu thuẫn, có thể gây thiệt hại cho người có đất bị thu hồi.

“Tân Bộ trưởng lựa chọn phương án nào để trình Quốc hội, dựa trên cơ sở và tác động ra sao, là thách thức rất lớn”, ông Cường nói.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Hoàng Phong

Theo dự thảo, người dân có đất bị thu hồi sẽ được Nhà nước đảm bảo có chỗ ở, thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Tuy nhiên, theo ông Cường, ban soạn thảo cần xem xét tính khả thi của quy định khi áp dụng trong thực tiễn.

Quy định địa phương sẽ công bố bảng giá đất hằng năm, sát với giá thị trường cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nếu công bố bảng giá đất nhiều năm trong khi thị trường biến động liên tục thì không phù hợp, nhưng nếu công bố hằng năm thì nguồn lực của địa phương là vấn đề cần xem xét. Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã nhiều lần đề xuất nên công bố bảng giá đất định kỳ 2-3 năm.

“Bộ trưởng cần đưa ra cơ sở vững chắc để bảo vệ đề xuất như dự thảo hoặc tiếp thu chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn”, ông Cường góp ý.

PGS Nguyễn Quang Tuyến (Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) cũng cho rằng, tân Bộ trưởng tiếp thu được các quyết sách đúng đắn trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ góp phần khơi thông điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng đất, phát huy nguồn lực to lớn phát triển đất nước.

“Vấn đề thu hồi đất, tài chính đất đai cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, người sử dụng đất, nhà đầu tư. Dự luật cũng cần đưa ra cơ chế kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng lĩnh vực đất đai”, ông Tuyến nói.

Hướng dẫn cấp phép mỏ vật liệu xây cao tốc

Toàn quốc đang triển khai 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai với chiều dài hơn 700 km. Nhiều dự án khác như Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội cũng chuẩn bị khởi công. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vật liệu đắp nền đang xảy ra tại nhiều công trình.

Ở miền Tây, riêng hai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 40 triệu m3 cát nhưng nguồn vật liệu trong vùng không thể đáp ứng. Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công tháng 6, nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu 7 triệu m3 cát. TP Hồ Chí Minh đã đề nghị các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp hỗ trợ cát san lấp.

Đầu tháng 4, Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu địa phương phối hợp với chủ đầu tư rà soát, nâng công suất mỏ đá, cát, đất đã cấp phép, đáp ứng tiến độ thi công cao tốc.

Mỏ đất Hàm Trí phục vụ thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: Việt Quốc

Với các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai, đến giữa tháng 5, các nhà thầu đã trình địa phương hồ sơ 48 trong tổng số 82 mỏ đất cần được cấp phép; trình 25 trong 31 hồ sơ mỏ cát. Nhưng địa phương mới cấp phép được 2 mỏ đất cho nhà thầu.

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ các dự án đối với hai loại mỏ đất đắp và cát xây dựng. Trong đó có đầy đủ các bước phải thực hiện từ thành phần hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xác nhận đăng ký khối lượng khai thác để các địa phương thực hiện thống nhất.

Cải thiện ô nhiễm không khí đô thị

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam ngày càng nghiêm trọng trong thập kỷ qua. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng 60.000 người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí như ung thư phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phổi. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2022 nêu giai đoạn 2016-2021, môi trường các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các đô thị phát triển công nghiệp như Bắc Ninh, Phú Thọ có nhiều thời điểm ô nhiễm, chủ yếu là bụi.

Mức độ ô nhiễm tại các đô thị miền Bắc cao hơn miền Trung và Nam. Tại Hà Nội, trung bình bốn năm qua, chỉ có 28% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) tốt; 47% số ngày trung bình; 6% số ngày xấu và rất xấu.

Các đô thị lớn Việt Nam cũng đang đối mặt với ô nhiễm bụi PM 2.5. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và những nơi công nghiệp phát triển, chỉ số bụi PM 2.5 liên tục vượt ngưỡng quy chuẩn 2-3 lần. Ở nông thôn, dù chất lượng không khí tốt hơn đô thị nhưng gần đây có xu hướng xấu hơn. Nhiều nguyên nhân được nêu ra như từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nhưng đến nay các cơ quan vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

“Giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí là thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực và phối hợp của ngành tài nguyên môi trường cùng nhiều đơn vị, địa phương”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), chia sẻ.

Phục hồi những dòng sông "chết"

Việt Nam có gần 700 sông, suối, kênh rạch và nguồn nước liên tỉnh thuộc 16 lưu vực sông chính; hơn 3.000 sông, suối thuộc các lưu vực nội tỉnh. Nhiều sông đang ô nhiễm nghiêm trọng. Đơn cử, sông Nhuệ - Đáy dài 74 km chảy qua địa phận Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định với chất lượng nước lưu vực sông thường xuyên ở mức kém, 62% điểm quan trắc cho kết quả xấu trở xuống; 31% điểm cho kết quả ô nhiễm nặng, cần biện pháp xử lý.

Lưu vực sông Hồng cũng có tình trạng ô nhiễm với điểm nóng là hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải với chiều dài 200 km qua Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Những năm gần đây hệ thống thủy lợi này ô nhiễm nghiêm trọng về chất hữu cơ. Năm 2019, có 90% vị trí quan trắc cho kết quả chất hữu cơ, vi sinh vượt quy chuẩn.

Ô nhiễm ở điểm cuối sông Tô Lịch giao với sông Nhuệ, tháng 8/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Tại phía Nam, lưu vực sông Đồng Nai chịu ảnh hưởng lớn của hoạt động công nghiệp và nước thải sinh hoạt đô thị. Sông Thị Vải chất lượng nước được cải thiện nhưng một số đoạn có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm chất hữu cơ. Sông Sài Gòn đoạn qua nội đô TP Hồ Chí Minh chất lượng nước thường xuyên ô nhiễm. Nhiều vị trí quan trắc cho thấy các chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn 8-14 lần.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, ngoài bài toán phục hồi những dòng sông “chết”, tân Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường còn cần có giải pháp căn cơ bảo vệ tài nguyên nguồn nước. Yêu cầu này ngày càng cấp bách bởi nguy cơ khô hạn, thiếu nước ngọt có thể xảy ra năm nay, khi ảnh hưởng của El Nino ngày càng lớn. “Việc điều phối tài nguyên nước liên vùng và với các nước trong khu vực đòi hỏi năng lực, bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược của tân Bộ trưởng”, ông Đồng nói.

Xử lý rác thải sinh hoạt

Mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 81.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mỗi ngày phát sinh 12.000 tấn rác. Ngoài đốt trong lò xử lý, phương pháp chôn lấp rác vẫn phổ biến. Toàn quốc có 900 bãi chôn lấp rác, với tổng diện tích 4.900 ha.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 80% các bãi rác không hợp vệ sinh. Nhiều bãi chôn rác ở các thành phố lớn đang quá tải gây ô nhiễm môi trường, bị người dân phản đối. Trong khi đó, các lò đốt rác chủ yếu công suất nhỏ, không có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm không khí.

Khu tập kết rác sau bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) hôm 30/12/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Xử lý rác thải sinh hoạt không tốt khiến Việt Nam đứng thứ 4 thế giới gây ô nhiễm đại dương, sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Ước tính mỗi năm cả nước thải khoảng 2,8-3,2 triệu tấn nhựa, trong đó 0,28-0,73 triệu tấn trôi dạt ra biển. Tại một số vùng biển, khi ngư dân kéo lưới, cứ ba tấn cá lại có một tấn rác. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng 3 tỷ USD do không tái chế nhựa.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định người dân buộc phải phân loại rác tại nguồn, nếu vi phạm sẽ bị từ chối thu gom hoặc phạt hành chính. Dù vậy đến nay, các địa phương vẫn loay hoay với phương pháp thu gom, xử lý rác, vì chờ hướng dẫn chi tiết từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Viết Tuân - Gia Chính/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói