Cụ thể, tính đến ngày 20/9/2017 cả nước có 1.844 dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 14,56 tỷ USD. Bên cạnh đó có 878 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm, đạt 6,75 tỷ USD; vốn mua cổ phần 4,16 tỷ USD.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của khối ngoại trong 9 tháng đầu năm với tổng số vốn đăng ký đạt 12,64 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 5,37 tỷ USD, chiếm 21%; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với 1,58 tỷ USD, chiếm 6,2%.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 9 tháng qua, Hàn Quốc đang giữ vị trí đứng đầu với tổng vốn đăng ký đạt 6,31 tỷ USD. Đứng thứ hai là Nhật với 5,91 tỷ USD; Singapore xếp thứ ba với 4,14 tỷ USD.
Về hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, giá trị xuất khẩu của khối này (kể cả dầu thô) trong 9 tháng qua đạt 110,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ và chiếm 71,9% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu của khối này trong 9 tháng qua (xuất khẩu không kể dầu thô đạt 108,5 tỷ USD, tăng 20,8% và chiếm 70,5% kim ngạch.
Trong khi nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 93,2 tỷ USD, tăng 26,1% và chiếm 60,3% kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy trong 9 tháng, nếu tính cả dầu thô thì khối ngoại xuất siêu 17,63 tỷ USD; còn nếu không tính dầu thô thì xuất siêu 15,36 tỷ USD.