Á khoa khối C00 Hà Tĩnh với khát khao được đến giảng đường, giúp bố mẹ thoát nghèo

(Baohatinh.vn) - Trong căn nhà rộng chừng 40 m2 với bốn bức vách được dựng lên từ những tấm ván, nụ cười và ánh mắt đầy niềm hy vọng của Lê Thị Oanh (lớp 12A2, Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh) làm bừng sáng cả không gian. Bởi giờ đây, với số điểm xét tuyển khối C00 là 29 điểm, ước mơ vào đại học, giúp bố mẹ thoát nghèo của Oanh đã đến gần hơn bao giờ hết.

"Đã có lúc em sợ mình sẽ trượt đại học..."

Video: Hoàn cảnh của gia đình em Lê Thị Oanh

Sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mẹ quanh năm vất vả ruộng đồng nên từ nhỏ, Lê Thị Oanh (SN 2004, trú xóm 10, xã Hương Giang, huyện Hương Khê) đã luôn tâm niệm phải cố gắng học thật giỏi để báo đáp công ơn của đấng sinh thành cũng như giúp đỡ bố mẹ thoát khỏi cảnh cơ cực.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Oanh đạt tổng 29 điểm với 3 môn Ngữ Văn: 9,5; Lịch sử: 9,75; Địa lý: 9,75, là á khoa toàn tỉnh khối xét tuyển C00 và nằm trong nhóm thí sinh có điểm cao thứ 4 cả nước ở khối thi này.

Á khoa khối C00 Hà Tĩnh với khát khao được đến giảng đường, giúp bố mẹ thoát nghèo

Em Lê Thị Oanh - thí sinh có điểm cao thứ 2 khối C00 toàn tỉnh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Oanh là chị cả trong gia đình có ba chị em. Hai tuần trước ngày thi tốt nghiệp THPT, mẹ em đổ bệnh hiểm nghèo, phải ra Hà Nội chữa trị. Vắng bố mẹ, một mình Oanh phải quán xuyến mọi việc, từ lo chuyện đồng áng đến chăm sóc cho hai em, lại tăng tốc ôn thi trong những ngày “nước rút” căng thẳng.

“Không có bố mẹ ở bên nên em gái út chỉ mới hơn 2 tuổi thường hay quấy khóc. Có những đêm em phải thức đến 2, 3h sáng để ru em ngủ xong mới ôn thi. Thời gian để em tự học ở nhà rất ít vì ngoài trông nom hai em thì còn phải đi chăn trâu, chăm sóc vườn tược... Tâm lý trước ngày thi của em không được tốt vì luôn lo lắng cho bệnh tình của mẹ. Đã có lúc em sợ rằng mình sẽ trượt đại học” - Oanh tâm sự.

Á khoa khối C00 Hà Tĩnh với khát khao được đến giảng đường, giúp bố mẹ thoát nghèo

2 tuần trước khi Oanh bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT mẹ em phải ra Hà Nội để điều trị bệnh.

Mỗi ngày, nữ sinh chỉ có vài tiếng đồng hồ ôn tập ít ỏi trên trường cũng như lúc rảnh rỗi, khi công việc gia đình đã xong. Không có tiền đi học thêm cũng như mua máy tính, trang thiết bị ôn thi hiện đại nhất của Oanh là chiếc điện thoại di động mà em tự mình tích cóp tiền để mua sau những lần đi cắt măng thuê.

Thế nhưng, vượt lên trên mọi khó khăn, Oanh nỗ lực tự học, tìm các giáo trình, tư liệu miễn phí trên internet rồi cố gắng đọc hiểu, luyện đề.

Á khoa khối C00 Hà Tĩnh với khát khao được đến giảng đường, giúp bố mẹ thoát nghèo

Vừa ôn thi vừa chăm sóc cho các em, chăm nom nhà cửa nhưng Lê Thị Oanh vẫn không ngừng cố gắng

Chị Phan Thị Vân (mẹ em Lê Thị Oanh) chia sẻ: “Những ngày ở Hà Nội chữa trị, hai vợ chồng tôi luôn lo lắng và thường xuyên gọi điện động viên tinh thần con. Cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo bộ môn, anh chị em, bạn bè, con đã cố gắng để ôn thi thật tốt. Ngày con thông báo điểm, tôi hạnh phúc đến không ngủ được...”

Cháy bỏng ước mơ thoát nghèo

Á khoa khối C00 Hà Tĩnh với khát khao được đến giảng đường, giúp bố mẹ thoát nghèo

Căn nhà đơn sơ của gia đình em Lê Thị Oanh

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng chưa bao giờ trong Oanh có ý định từ bỏ việc học. Những năm học THPT, dù cách nhà hơn 10 km nhưng em vẫn luôn chăm chỉ, đều đặn đến trường. 12 năm liền, Oanh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi (HSG).

Oanh tham gia các kỳ thi HSG cấp huyện, tỉnh và giành nhiều giải cao như: giải nhì HSG tỉnh môn Lịch sử năm lớp 11; giải ba HSG tỉnh môn Lịch sử năm lớp 12...

Á khoa khối C00 Hà Tĩnh với khát khao được đến giảng đường, giúp bố mẹ thoát nghèo

Ngoài những giờ học, chị em Oanh phụ giúp bố mẹ chăn trâu, làm vườn...

Oanh vẫn luôn nuôi ước mơ được trở thành sinh viên của Học viện Ngoại giao (Hà Nội) dù biết điều này không hề dễ dàng. “Em luôn tâm niệm rằng học đại học là con đường ngắn nhất để giúp bản thân và gia đình thoát nghèo. Từ đó, em có thể kiếm tiền báo đáp bố mẹ, xây lại nhà cửa và chăm sóc cho hai em sau này.

Dù biết điều kiện gia đình còn quá nhiều khó khăn nhưng nếu có cơ hội được đến với giảng đường, em chắc chắn sẽ nỗ lực hết sức mình. Đó là ước mơ và quyết tâm mà em luôn cố gắng để thực hiện” - Oanh tâm sự.

Á khoa khối C00 Hà Tĩnh với khát khao được đến giảng đường, giúp bố mẹ thoát nghèo

Góc học tập đơn sơ - nơi gắn liền với 12 năm đèn sách, nuôi ước mơ được đến giảng đường đại học của Lê Thị Oanh.

Nhắc đến cô học trò nhỏ của mình, cô Lưu Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, Trường THPT Hương Khê) cho biết: “Oanh là một học sinh giỏi, năng động, có ý chí vươn lên không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống.

Với kết quả mà Oanh đạt được, chúng tôi không hề bất ngờ mà luôn tự hào về em. Tuy nhiên với hoàn cảnh gia đình khó khăn như hiện tại, chúng tôi cũng mong em Oanh sẽ nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các nhà hảo tâm để có thể tiếp tục vững bước trên con đường chinh phục tri thức”.

Chủ đề Học sinh giỏi Hà Tĩnh

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.
Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Mỗi năm, Hà Tĩnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây mới trường học

Thực hiện Đề án Xây dựng trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện gắn với phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Mỗi năm các trường học đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để củng cố, nâng cấp, xây mới.