Chi nhánh Agribank Can Lộc thường xuyên tạo cơ chế thông thoáng giúp người sản xuất tiệm cận được nguồn vốn hiệu quả nhất
HTX Đường Gia Trang, thôn Tây Bắc, xã Thường Nga (Can Lộc) trước đây vốn chỉ là một mô hình sản xuất nhỏ của vợ chồng ông Đường Công Ngụ và bà Trần Thị Thúy. Những ý tưởng làm kinh tế nhạy bén, cộng với cơ chế “mở cửa” chính sách về phát triển vườn đồi, trang trại của địa phương đã giúp ông bà “với” đến nguồn tín dụng lớn.
“Ban đầu chỉ dám vay vài chục triệu đồng thôi, làm vốn “dắt lưng” là chính. Thế rồi, lúc thì mở rộng diện tích, lúc thì mua thêm giống cây, giống vật nuôi, có năm lại mở thị trường tiêu thụ…, đồng vốn của Agribank cũng gắn bó, quay vòng với chúng tôi từ đó đến bây giờ. Lần này, vận dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, chúng tôi mạnh dạn mở rộng vốn vay lớn nhất từ trước tới nay với 800 triệu đồng từ Agribank Can Lộc (Agribank tỉnh Hà Tĩnh - PV) để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm”, bà Trần Thị Thúy cho biết.
HTX Đường Gia Trang là mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, đạt doanh thu 500- 700 triệu đồng/năm
Hôm chúng tôi đến, trang trại như một công trường lớn, máy đào ủi đất để cải tạo hồ nuôi cá, khu vực chăn nuôi cũng chuẩn bị được sửa chữa, nâng cấp lại chuồng trại, chuyển đổi một số cơ cấu sản xuất… Đường Gia Trang còn có diện tích cây ăn quả với 250 cây bưởi, cam; 1100 cây ổi lê Đài Loan; 200 cây táo; 300 trụ thanh long; 4.000 con gà; 250 cặp bồ câu sinh sản… Theo tính toán, doanh thu của HTX mỗi năm đạt 500 - 700 triệu đồng.
“Cán bộ ngân hàng Agribank Can Lộc thường xuyên đồng hành và hỗ trợ chúng tôi tiếp cận sớm nhất các cơ chế chính sách. Vốn ngân hàng “chảy” về, đồi hoang, đất cằn đều được sinh sôi, nảy nở”, bà Thúy cho biết thêm.
Phải nói rằng, những năm gần đây, Nghị quyết 123/NQ- HĐND về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn (NQ 123); Nghị quyết 40/NQ - HĐND ngày 08/7/2019 của Hội đồng nhân dân huyện Can Lộc (NQ 40) đã có tác động quan trọng trong việc giúp Can Lộc định hình 3 vùng sinh thái rõ rệt (vùng thượng với phát triển cây ăn quả, vùng giữa với thế mạnh của lúa chất lượng cao và nuôi trồng thủy sản; vùng ven đô với sản xuất rau màu). Hàng trăm mô hình sản xuất mới ra đời, bà con nông dân vì thế cũng hào hứng để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Đó là điều kiện để Agribank Can Lộc “dẫn dòng” vốn giúp “khơi thông” các cơ chế chính sách.
Đến hết tháng 6/2020, tổng dư nợ của Agribank Can Lộc đạt trên 1.023 tỷ đồng, tăng 27,66 tỷ đồng so với 31/12/2019 và tăng 2,2 lần so với dư nợ năm 2014. Dư nợ tăng mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Trần Đình Chiến - Giám đốc Agribank Can Lộc cho biết: “Đưa chính sách vào cuộc sống, cũng chính là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chi nhánh đã vận dụng linh hoạt các cơ chế cho vay, cải cách thủ tục hành chính và đồng hành cùng người vay vốn trong việc lập phương án trả nợ an toàn, hiệu quả cao, đặc biệt là giải ngân hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 123 của HĐND tỉnh; NQ 40 của HĐND huyện Can Lộc… Hiện nay, chi nhánh đang tập trung đầu tư cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cho vay phát triển chuỗi giá trị nông sản…”.
Ông Võ Thúc Đồng ở thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc là một điển hình. Dù chỉ mới làm quen với đầu tư mô hình sản xuất dưa lưới chưa lâu ông vẫn được Agribank Can Lộc tin tưởng đầu tư số vốn 2 tỷ đồng để tiếp sức cho ông thực hiện ước mơ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Dù mới ở mùa thứ 3, mô hình dưa lưới trong nhà màng của ông Võ Thúc Đồng đã cho bội thu
Ông Đồng cho biết: “Có chính sách thì mới khuyến khích được nông dân thử sức với mô hình kinh tế mới, nhưng quan trọng là ngân hàng luôn đồng hành và tin tưởng. Vụ thu hoạch vừa rồi, tôi thu được 6 tấn dưa, thu về khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này, tôi tiếp tục quay vòng, tái tạo đầu tư thêm 1 nhà màng tại thành phố Hà Tĩnh với diện tích 550 m2”.
...đây là một trong những mô hình ứng dụng công nghệ cao được Agribank Can Lộc tin tưởng “tiếp” vốn
Mạnh dạn trao niềm tin, sát cánh cùng người nông dân để phát triển sản xuất, Agribank Can Lộc trở thành điểm kết nối vững vàng giữa cơ chế chính sách và người sản xuất, góp phần “khơi thông” nguồn vốn chính sách đến với bà con nông dân.