Mai Phụ là địa phương có truyền thống cách mạng. Nhiều thế hệ người dân Mai Phụ đã đóng góp công sức, máu xương cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Xã có 108 người con đã anh dũng hy sinh ở các chiến trường; 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 61 thương bệnh binh…
Các cấp, ngành thường xuyên quan tâm, động viên thăm hỏi gia đình chính sách trên địa bàn.
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết: “Để tri ân các thế hệ cha ông, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Mai Phụ luôn chú trọng thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa. Bên cạnh tập trung huy động nguồn lực để xây dựng, trùng tu các công trình lịch sử - văn hóa, chăm sóc, hỗ trợ gia đình có công với cách mạng, chính quyền và người dân còn đặc biệt quan tâm, động viên tinh thần, chia sẻ với các đối tượng chính sách trong cuộc sống hằng ngày”.
Từ năm 2017 đến nay, chính quyền địa phương và các dòng họ đã kêu gọi nguồn xã hội hóa xây dựng 5 công trình di tích lịch sử, văn hóa thờ các bậc tiền nhân và lưu giữ các nét đẹp truyền thống văn hóa như: đền thờ Vua Mai Hắc Đế, đền thờ Mai Lâm (thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi), nhà thờ Nguyễn Xứng, nhà thờ Phạm Tôn Tuyển, chùa Triều Sơn với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Đền thờ Vua Mai Hắc Đế được đầu tư xây dựng khang trang; chính quyền và người dân thường xuyên hương khói, thờ phụng.
Năm 2021, từ nguồn kinh phí 7 tỷ đồng của tỉnh và hơn 500 triệu đồng do con em địa phương đóng góp, đài tưởng niệm liệt sỹ của xã đã được triển khai xây dựng và đầu năm 2022, công trình được hoàn thành, trở thành địa điểm văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, công tác tri ân, chăm sóc những gia đình chính sách, người có công với cách mạng cũng đặc biệt được chú trọng. Mỗi năm, địa phương huy động trên 200 triệu đồng tặng quà gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Tính riêng năm 2021, 11 gia đình chính sách, người có công được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Đài tưởng niệm liệt sỹ được đầu tư xây dựng thể hiện lòng thành kính, tri ân của chính quyền, người dân địa phương với những thế hệ cha ông đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến.
Có nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, từng vào sinh ra tử trên các chiến trường miền Nam, ông Nguyễn Đức Điếm (SN 1947 - thôn Đồng Sơn) may mắn sống sót trở về nhưng lại mang trên mình di chứng nặng nề của chiến tranh. Ông Điếm là nạn nhân chất độc da cam 81%, thương binh hạng 3/4. Gia cảnh vợ chồng ông Điếm khó khăn. Nhiều năm sống trong căn nhà nhỏ lụp xụp, ông Điếm vẫn đau đáu khi nơi thờ cúng em trai là liệt sỹ Nguyễn Đức Cơn (SN 1951) chưa được đàng hoàng.
Tháng 5/2021, gia đình ông bà đã được xét hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Từ nguồn hỗ trợ này và vay mượn thêm anh em họ hàng, người dân đóng góp ngày công, căn nhà mới của ông bà đã được hoàn thành trong niềm vui ấm áp.
Ông Điếm xúc động chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, tâm nguyện có nơi thờ cúng em trai của vợ chồng tôi đã được thực hiện. Không chỉ được hỗ trợ xây nhà, chúng tôi còn thường xuyên nhận được sự quan tâm của cán bộ, người dân địa phương. Đó là niềm động viên lớn lao đối với những mất mát, hy sinh của gia đình tôi”.
Vợ chồng ông Nguyễn Đức Điếm đón niềm vui trong căn nhà mới.
Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều hoạt động tri ân đang được địa phương lên kế hoạch triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã thông tin: “Ngoài nguồn quà theo quy định của Nhà nước, xã đang tập trung kêu gọi, huy động kinh phí từ các nhà hảo tâm, con em xa quê để tổ chức lễ gặp mặt, tặng quà các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn thanh niên cũng đã xây dựng kế hoạch cho lễ thắp nến tri ân vào dịp lễ 27/7; vệ sinh, chỉnh trang lại các công trình thờ tự, di tích lịch sử -văn hóa trên địa bàn...”.
Sự động viên, chia sẻ của chính quyền, người dân giúp các gia đình thương binh, liệt sỹ vơi bớt nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại.
Những nỗ lực, kết quả mà xã Mai Phụ đạt được trong công tác đền ơn, đáp nghĩa những năm qua đã góp phần xoa dịu đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại cho người dân. Đó cũng là những việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, qua đó, giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.