Áp Thông tư 02, sẽ có ngân hàng đổ vỡ?

Một loạt lãnh đạo các ngân hàng cùng lên tiếng đề nghị tiếp tục hoãn áp dụng Thông tư 02 sau mốc hẹn 1/6/2014...

Áp Thông tư 02, sẽ có ngân hàng đổ vỡ? ảnh 1

Hiện nhiều doanh nghiệp cùng lúc có dăm bảy khoản vay tại nhiều ngân hàng khác nhau. Theo Thông tư 02, chỉ cần một khoản là nợ xấu, tất cả các khoản còn lại đều thành nợ xấu. Hay nói một cách hình ảnh, một người bị đau mắt đỏ, cả nhà sẽ phải nhỏ thuốc.

Có cả một năm rưỡi để chuẩn bị, vẫn còn 6 tháng nữa mới áp dụng, song một loạt lãnh đạo các ngân hàng cùng lên tiếng đề nghị tiếp tục hoãn áp dụng Thông tư 02 sau mốc hẹn 1/6/2014. Vì sao thông tư này “đáng sợ” đến vậy?

Tuần rồi, trên một chuyến bay, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành trò chuyện với một lãnh đạo trong giới tài chính ngân hàng. Thông tư 02 là một chủ đề chính.

Tại một hội thảo ngày 19/12, ông Thành cho biết, phía ngân hàng lo ngại rằng, nếu áp dụng thông tư trên thì sẽ có đổ vỡ.

Đồng loạt kiến nghị

Thông tư 02 quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các tổ chức tín dụng được ban hành đầu năm 2013, thời điểm áp dụng ban đầu là 1/6/2013.

Tuy nhiên, do điều kiện sức khỏe của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp chưa đủ để đỡ sức nặng tác động của những quy định mới, Ngân hàng Nhà nước đã xin ý kiến Chính phủ và hoãn áp dụng trong 1 năm, đến 1/6/2014.

Hiện vẫn còn 6 tháng nữa, song nhiều lãnh đạo ngân hàng cùng lúc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tiếp tục hoãn áp dụng Thông tư 02 thêm một thời gian, thậm chí đến 2015 và 2016.

Phát biểu tại hội nghị toàn ngành ngày 18/12 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cùng quan điểm: Thông tư 02 là một bước đi đúng và cần thiết, nhưng điều kiện hiện nay và triển vọng trong 6 tháng tới, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp vẫn rất yếu, việc áp dụng sẽ càng thêm khó khăn. Hay có nhiều tồn tại vẫn chưa thể xử lý nhanh để đủ sức đón áp lực mới…

Song song với hội nghị trên, phát biểu trên báo chí, nhiều lãnh đạo ngân hàng khác cũng bày tỏ lo lắng, khi mở rộng thực tế là cả nền kinh tế chưa đủ sức để “phơi bày” và xử lý được những tồn tại mà Thông tư 02 vạch ra.

Trong khi đó, tại buổi họp báo về định hướng 2014, đại diện cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm là không thể trì hoãn thêm nữa và “sẽ áp dụng triệt để”.

Trả lời luôn kiến nghị của lãnh đạo MB và VietinBank ngay tại hội nghị ngành nói trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu định hướng: “Thông tư 02 là tiếp cận dần các chuẩn mực quốc tế, nếu chậm lại thì kéo dài tiếp tình trạng chưa mạnh”.

Định hướng đó đặt trong nội dung Thủ tướng chỉ đạo toàn hệ thống phải đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch, lành mạnh trong hoạt động, quản trị và điều hành; tiếp cận các chuẩn mực quốc tế để từng bước mạnh hơn, vững chắc hơn…

Thông tư 02 “đáng sợ” thế nào?

Thủ tướng đã định hướng. Đại diện cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng đã nêu quan điểm. Nhưng sẽ cẩn trọng hơn nếu một lần nữa nhà điều hành và các chuyên gia, lãnh đạo các ngân hàng ngồi lại để cân nhắc trước khi có quyết định cuối cùng trước loạt kiến nghị trên.

Một lần nữa, bởi vài ngày trước thềm thời điểm Thông tư 02 áp dụng (1/6/2013), Ngân hàng Nhà nước cũng đã mời nhiều chuyên gia, đại diện ngân hàng đến thảo luận và tiếp thu các ý kiến.

Tại cuộc thảo luận trên, tác động của Thông tư 02 đối với các ngân hàng và doanh nghiệp thực sự là “đáng sợ”, nhất là khi các bên đều đã sa sút sức lực sau những năm chống chọi với khủng hoảng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu gần như là ý kiến duy nhất ban đầu không đồng ý hoãn, dù ông thừa nhận tác động là ghê gớm. Ông dự tính, nợ xấu tại nhiều ngân hàng theo báo cáo chỉ khoảng 3-4%, nhưng áp Thông tư 02 có thể lên 10%, 20%, thậm chí cao hơn.

“Tôi cho rằng không nên hoãn lại với bất cứ lý do nào. Thông tư 02 là một cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng. Nếu hoãn, cứ cho rằng nợ xấu trong vòng kiểm soát, 6 tháng nữa, một năm nữa chúng ta sống trong ảo tưởng đang tốt. Cái giá phải trả khi áp dụng lớn, nhưng không thấm vào đâu nếu áp dụng sẽ giúp lành mạnh hóa hệ thống, hội nhập với thế giới”, ông Hiếu nói tại cuộc trao đổi đó.

Tuy nhiên, sau khi nhận các ý kiến, phân tích ngược lại, ông Hiếu cũng “xuôi” với hướng tạm hoãn.

Như nhận định trên, áp Thông tư 02, nợ xấu nhiều ngân hàng có thể tăng lên 10%, 20%, thậm chí cao hơn. Ngân hàng phải dồn một nguồn dự phòng lớn, có thể thua lỗ và thiếu lực để xử lý nợ xấu, tăng chi phí và gây sức ép đối với lãi suất…

Các doanh nghiệp vay vốn theo đó cũng bị ảnh hưởng. Lớn nhất, hạng mức tín nhiệm nhiều doanh nghiệp sẽ bị hạ, đồng nghĩa chi phí vay đắt hơn, thậm chí không thể vay được vốn, sản xuất kinh doanh sẽ càng đình đốn, khó khăn…

Một quy định có sức nặng ảnh hưởng lớn nhất trong Thông tư 02 là các ngân hàng phải lấy thông tin từ Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) làm cơ sở phân loại nợ. Nếu doanh nghiệp có nhiều khoản vay tại nhiều ngân hàng, một khoản bị xếp vào nhóm nợ rủi ro cao, tất cả các khoản còn lại cũng đều bị chung nhóm đó.

Điều “đáng sợ” nằm ở quy định trên, khi thực tế có rất nhiều doanh nghiệp cùng lúc có dăm bảy khoản vay tại nhiều ngân hàng khác nhau. Chỉ cần một khoản rơi vào diện nợ xấu ở ngân hàng này, tất cả các khoản vay còn lại tại những ngân hàng khác đều trở thành nợ xấu, theo phân loại quy định tại Thông tư 02.

Hay nói một cách hình ảnh, một người bị đau mắt đỏ, cả nhà sẽ phải nhỏ thuốc.

Một chuyên gia từng lo ngại, tính chất dây chuyền này có thể đẩy nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên gấp đôi, tín dụng sẽ càng đóng băng, lãi suất và nhiều vấn đề xoay quanh sẽ biến động…; rộng hơn, nền kinh tế sẽ càng khó phục hồi, nếu không nói là xấu đi.

Và như ý kiến của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, điều “đáng sợ” là “chúng ta sống trong ảo tưởng đang tốt” khi hoãn.

Giải pháp dung hòa?

Tình huống của Thông tư 02 đang đan kết nhiều chiều khác nhau, thậm chí đối nghịch.

Một mặt là quan ngại dồn tích những rủi ro, mặt khác lại khó phơi bày tất cả mà dễ tạo nên hốt hoảng. Nếu tiếp tục trì hoãn, niềm tin công chúng và cái nhìn của cộng đồng quốc tế dễ bị tổn thương; nhưng phơi bày ra hết với những tác động lớn khiến nền kinh tế càng xấu đi thì niềm tin có thể càng bị tổn thương hơn.

Vậy thì có nên tìm đến một giải pháp dung hòa? Một người đang ốm yếu không thể một lúc vác kiện hàng 50kg, thì san thành nhiều chuyến, chấp nhận mất thời gian và có thể cả chi phí, nhưng đổi lại tránh tổn thương cột sống, thậm chí gục ngã?

Vẫn áp dụng Thông tư 02 để cho thấy hệ thống ngân hàng có thiện chí tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, không che giấu những tồn tại của mình, nhưng không máy móc mà mềm mại, phù hợp với đặc thù của Việt Nam? Cũng lưu ý rằng, nền kinh tế thị trường Việt Nam chưa được hoàn hảo như các thị trường đã áp dụng những chuẩn mực đó.

Cũng như những ngày giá rét này ở Hà Nội, người ốm mà cần tắm thì cũng phải làm quen dần với nước. Áp dụng Thông tư 02, nhưng có nên tìm cách từng bước làm quen dần như vậy không?

Theo Minh Đức/VnEconomy

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.