Gắn với nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Hà Tĩnh, chặng đường 5 năm (2019-2024) của MTTQ các cấp lan tỏa hoạt động vì người nghèo và an sinh xã hội. Tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo trong kết nối nguồn lực cũng như trong thực hiện các chương trình, MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên đã tạo điểm tựa và động lực thúc đẩy người nghèo nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Chồng mất sớm, gần 15 năm nay, một mình bà Nguyễn Thị Châu (SN 1965, trú tại thôn Cao Thắng, xã Thạch Thắng, Thạch Hà) tần tảo sớm hôm để chăm lo cho 2 con gái ăn học. Cuộc sống chật vật, lại thường xuyên đau ốm nên mẹ con bà Châu luôn trong cảnh túng bấn, thiếu trước hụt sau. Ngôi nhà nhỏ ba mẹ con sinh sống theo thời gian đã xuống cấp, dột nát, chẳng đủ che nắng, tránh mưa…
Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình bà Châu, cuối năm 2022, MTTQ tỉnh đã trích Quỹ “Vì người nghèo” 50 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng căn nhà mới. Với sự kết nối của MTTQ huyện Thạch Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã hỗ trợ bà Châu 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, Hội LHPN huyện Thạch Hà, xã Thạch Thắng cùng tham gia ủng hộ để xây dựng ngôi nhà đại đoàn kết cho gia đình bà Châu. Giữa năm 2021, ngôi nhà rộng 70m2 đã được hoàn thiện với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Có nhà mới, bà Châu yên tâm chăm lo cuộc sống, thoát nghèo vào năm 2022.
Bà Châu chia sẻ: “Tôi luôn ghi tạc sự quan tâm, giúp đỡ về kinh phí và sự sẻ chia quý giá từ rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân để gia đình tôi hoàn thành ngôi nhà mơ ước. Ngôi nhà được gắn biển “Nhà đại đoàn kết” đã thực sự tiếp thêm động lực để gia đình tôi tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.
Cùng chung niềm vui với gia đình bà Châu, cuối năm 2023, gia đình bà Dương Thị Dính (SN 1954, trú thôn Phú Lợi, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, thuộc diện hộ nghèo) cũng đã được sống trong căn nhà đại đoàn kết khang trang, sạch đẹp. Trong niềm vui ấy, bà luôn nhắc tới sự đồng hành, hỗ trợ của các đoàn thể địa phương, họ hàng, làng xóm: “Với sự đồng hành của Ủy ban MTTQ huyện, xã cùng các nhà hảo tâm, bà con lối xóm, căn nhà rộng hơn 50m2 với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng đã được hoàn thiện trong hơn 3 tháng. Không thể kể hết ân tình của xóm làng, các tổ chức đoàn thể dành cho gia đình tôi. Đoàn thanh niên hỗ trợ đào móng nhà, chị em phụ nữ, hội cựu chiến binh giúp sức san lấp nền; anh em họ hàng, bà con lối xóm tranh thủ thời gian giúp gia đình tôi làm những công trình phụ trợ để giảm bớt tiền công…”.
Để tạo điểm tựa cho người nghèo “an cư”, từ năm 2019 đến nay, cùng với các nguồn lực hỗ trợ của MTTQ tỉnh, Ban Chỉ đạo 22 và Bộ Công an, Ủy ban MTTQ các huyện Thạch Hà, Kỳ Anh cùng các tổ chức thành viên đã có nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo trong huy động nguồn lực cũng như sự tham gia của cộng đồng dân cư. Nhờ đó, huyện Thạch Hà đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 726 ngôi nhà với tổng số tiền hỗ trợ hơn 48 tỷ đồng; huyện Kỳ Anh hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.003 ngôi nhà với tổng số tiền hỗ trợ hơn 69,3 tỷ đồng.
Chia sẻ về cách thức vận động các nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn, ông Hồ Văn Khánh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà cho biết: “Hằng năm, căn cứ vào số lượng nhà ở xuống cấp của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn do các địa phương đề xuất, MTTQ huyện huy động, lồng ghép các nguồn lực để tập trung hỗ trợ làm nhà ở. Đồng thời, chúng tôi tích cực tham vấn, vận động chính quyền, các đoàn thể hỗ trợ tối đa về nguyên vật liệu, ngày công, tư vấn phương án xây dựng nhà ở phù hợp với điều kiện từng gia đình để tránh lãng phí, phát huy tối đa giá trị, ý nghĩa của ngôi nhà đại đoàn kết…”.
5 năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh, ủy ban MTTQ và đoàn thể các cấp đã kêu gọi, vận động, kết nối các nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa 9.042 nhà ở với trị giá hơn 547 tỷ đồng. Trong đó, MTTQ và các đoàn thể kêu gọi 5.567 nhà trị giá hơn 305 tỷ đồng; Ban Chỉ đạo 22 tỉnh hỗ trợ xây dựng 2.475 nhà trị giá hơn 172 tỷ đồng và Bộ Công an hỗ trợ 1.000 nhà trị giá 70 tỷ đồng.
Điểm đặc biệt là sau khi Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, Hà Tĩnh là tỉnh mạnh dạn tham mưu triển khai thí điểm việc sử dụng nguồn quỹ cứu trợ còn dư, từ đó có thêm kinh phí để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cũng từ việc vận dụng nguồn quỹ này, MTTQ đã trích hỗ trợ bổ sung cho chương trình 1.000 nhà ở của Bộ Công an trị giá 20 tỷ đồng, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất thay đổi về thiết kế để phù hợp với điều kiện thời tiết trên địa bàn. Qua đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã góp phần quan trọng cùng với tỉnh tranh thủ các nguồn lực để có thêm nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn được xây dựng nhà ở kiên cố.
Những căn nhà đại đoàn kết được xây dựng trong thời gian qua ở Hà Tĩnh là minh chứng rõ nét cho chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền; khơi dậy truyền thống “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện giảm nghèo bền vững.
Năm 2021, gia đình ông Nguyễn Đình Khang (SN 1968, trú thôn Hoàng Nam, xã Sơn Tây, Hương Sơn) được hỗ trợ 1 cặp dê giống từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của MTTQ huyện. Là hộ nghèo lâu năm vì sản xuất thuần nông, trong khi vợ và con gái út lại ốm đau triền miên nên nhận được sự hỗ trợ về con giống mới với ông Khang là cơ hội tốt để thoát nghèo. Dành thời gian chăm sóc và thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y xã để được hướng dẫn cách phòng trị bệnh cho vật nuôi, sau 3 năm, ông Khang đã phát triển đàn dê lên 14 con, giúp gia đình tăng thu nhập, có điều kiện trang trải các chi phí chữa bệnh cho vợ con. Đầu năm 2023, gia đình ông Khang chính thức thoát nghèo.
Không chỉ gia đình ông Khang mà nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Hương Sơn cũng đã thoát nghèo nhờ được trao “cần câu” là những mô hình sinh kế như bò, dê, cây giống… Ông Nguyễn Thành Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn thông tin: “Trong 5 năm, từ các nguồn kêu gọi, hỗ trợ, MTTQ từ huyện đến cơ sở đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo cây giống, con giống để phát triển sản xuất với số tiền khoảng 3,1 tỷ đồng. Trong đó, cấp huyện hỗ trợ 1.137 mô hình với số tiền gần 1,6 tỷ đồng, cấp xã hỗ trợ 927 mô hình với số tiền gần 1,5 tỷ đồng”.
Từ thực tế phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo do thiếu nguồn vốn, tư liệu sản xuất nên đời sống kinh tế khó khăn, khó thoát nghèo, cho thấy việc MTTQ các cấp hỗ trợ mô hình sinh kế là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.300 mô hình sinh kế với tổng trị giá gần 18 tỷ đồng được trao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn. Từ đó, tạo động lực cho họ vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Chăm lo toàn diện đời sống người dân, một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực được MTTQ các cấp quan tâm thực hiện thời gian qua là việc hỗ trợ thẻ BHYT cho những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp trong toàn tỉnh đã trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ trên 600 thẻ BHYT, trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã trao tặng 288 thẻ, trị giá 158 triệu đồng.
Khoe với chúng tôi chiếc thẻ BHYT được cấp vào tháng 6 vừa qua, anh Nguyễn Đức Cương (SN 1990, trú thôn Tây Hương, xã Tùng Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Cuối tháng 4/2024, nhận thấy sức khỏe ngày một suy giảm, tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám thì được chẩn đoán bị dị dạng mạch não. Bác sĩ tư vấn làm thêm các xét nghiệm cần thiết và hướng điều trị bệnh nhưng vì không có tiền nên tôi đành buông xuôi. May mắn thay, tới đầu tháng 6/2024, tôi được Ủy ban MTTQ xã trao tặng thẻ BHYT. Nhờ có thẻ BHYT, các chi phí khám chữa bệnh của tôi đã được hỗ trợ khá nhiều, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình”.
Hỗ trợ tiếp sức cho học sinh nghèo cũng là một trong những chương trình nhân văn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở Hà Tĩnh triển khai sâu rộng và hiệu quả trong những năm qua. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực phối hợp kêu gọi các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh chung tay xây dựng “Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học”, góp phần cùng tỉnh đỡ đầu 319 sinh viên trong 3 năm học gần đây (2021-2023).
Mới đây, cuối tháng 7/2024, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng lãnh đạo Quỹ Khuyến học tỉnh đã đến chúc mừng, động viên và quyết định trích nguồn quỹ này để hỗ trợ 2 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn đã bứt phá với thành tích nổi bật là em Đỗ Nam Khánh (trú phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh, là học sinh khiếm thị vừa trúng tuyển 6 trường đại học năm học 2024-2025) và em Trần Thế Hóa (trú thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc, là học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vừa đạt 27,55 điểm và là thủ khoa khối A00 của Trường THPT Đồng Lộc).
Bên cạnh đó, thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ học tập, tiếp sức cho học sinh nghèo tới trường cũng đã được các tổ chức thành viên MTTQ các cấp quan tâm thực hiện như chương trình “Mẹ đỡ đầu” của hội LHPN các cấp nhận chăm sóc, hỗ trợ 792 trẻ mồ côi; mô hình “Em nuôi của Đoàn” tiếp sức đến trường cho gần 300 học sinh… Những chương trình hỗ trợ, mô hình tiếp sức cho học sinh nghèo hiếu học nói trên đã nhận được sự tham gia tích cực của các hội viên, đoàn viên cùng chăm lo, tạo điểm tựa cho các em nhỏ thiệt thòi vượt lên hoàn cảnh, đồng thời kết nối tình cảm, tăng cường sự đồng thuận của người dân với các chương trình, hoạt động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể.
Nhìn lại nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đã nỗ lực đổi mới công tác vận động, triển khai hỗ trợ người nghèo, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” một cách thiết thực, hiệu quả. Từ năm 2019 đến nay, MTTQ từ tỉnh tới cơ sở đã vận động thực hiện tốt các chương trình: hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ mô hình sinh kế, tặng quà tết, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi… Đặc biệt, trong bối cảnh bão lũ, dịch bệnh COVID-19 xảy ra khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, MTTQ và đoàn thể các cấp đã luôn đồng hành, kề vai sát cánh cùng Nhân dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Theo đó, đã kịp thời vận động hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả của cơn lũ lịch sử, sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất; tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 và đồng hành cùng người dân vượt qua gian khó… Những hoạt động hỗ trợ toàn diện đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh từ 4,53% hộ nghèo, 5,06% hộ cận nghèo (năm 2019) xuống còn 3,01% hộ nghèo, 3,37% hộ cận nghèo (cuối năm 2023).
Ông Trần Văn Lượng - Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào (Ủy ban MTTQ tỉnh) cho biết: “Nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong thực hiện các chương trình hành động. Trong đó, triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện các chương trình hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hình thức thiết thực và đã đạt kết quả cao. Nhiều địa phương đã linh hoạt trong việc vận dụng quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ nhà ở, sinh kế… cho người nghèo, qua đó, tình đoàn kết, yêu thương, “lá lành đùm lá rách” của con người Hà Tĩnh được phát huy và lan tỏa. Người nghèo đã được tiếp sức, có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo. Những kết quả đó là động lực để MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong thời gian tới”.
BÀI, ẢNH: NHÓM P.V CT-XH
THIẾT KẾ: THẢO LINH
(Còn nữa)