Bản “hòa tấu” của các di sản văn hóa

(Baohatinh.vn) - Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” được Hà Tĩnh phối hợp tổ chức cuối năm 2024 đã để lại trong lòng các nghệ nhân mọi miền những ấn tượng mạnh mẽ về "bản hòa tấu" di sản văn hóa dân tộc.

Tiết mục dân ca ví, giặm của đoàn Hà Tĩnh chào mừng Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO ghi danh, trong khuôn khổ Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản" năm 2024,

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - trùm phường hát xoan làng An Thái (Phú Thọ): Dân ca ví, giặm cho tôi hiểu hơn về văn hóa Hà Tĩnh

Tôi may mắn được sinh ra ở vùng quê đất Tổ, gia đình có truyền thống 5 đời thực hành hát xoan, trong đó có 3 thế hệ làm trùm phường hát. Đến nay, tôi là nữ trùm phường hát xoan duy nhất trong 4 phường xoan cổ của Phú Thọ. Phường xoan của chúng tôi có 117 thành viên, nhỏ tuổi nhất mới 4 tuổi và cao tuổi nhất là 94.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - Trưởng phường hát xoan Phú Thọ.

Chúng tôi luôn tự hào được đóng góp sức mình trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản văn nghệ dân gian đặc sắc hát xoan. Di sản chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của người Việt cổ gắn liền với tục thờ cúng Hùng Vương của quê hương Phú Thọ, đã được UNESCO ghi danh.

Đến Hà Tĩnh tham gia các hoạt động giao lưu trình diễn tại festival dân ca ví, giặm dịp cuối năm 2024, chúng tôi cảm thấy rất thú vị. Từ dân ca ví, giặm, tôi đã được hiểu thêm về các di sản văn hóa Hà Tĩnh. Điều đặc biệt, bây giờ tôi được biết, Hà Tĩnh là vùng đất khởi thủy của nền văn hóa Hùng Vương sau này. Tương truyền, Kinh Dương Vương từng lập đô trên núi Hồng Lĩnh, sau đó dời về Phú Thọ và sinh ra các đời Vua Hùng như chúng ta biết ngày nay.

Ở Hà Tĩnh cũng có đền thờ Hùng Vương trên núi Hồng Lĩnh và lễ hội truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào mùa xuân hằng năm. Điều đó cho thấy quê hương Hà Tĩnh và đất Tổ Phú Thọ có sự gắn kết trong truyền thống văn hóa, có chung tín ngưỡng thờ cúng Tổ Hùng Vương từ hàng nghìn năm lịch sử.

Người dân Hà Tĩnh và du khách cùng hòa mình vào điệu hát xoan Phú Thọ tại Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản".

Tôi cảm nhận được sự gần gũi về mặt văn hóa giữa 2 quê hương, nhất là sự giao thoa giữa 2 di sản hát xoan và dân ca ví, giặm. Đó là sự mộc mạc, chân tình trong câu hát, không gian diễn xướng của hát xoan và ví, giặm mỗi dịp đầu xuân.

Nghệ sỹ Nhân dân Đỗ Minh Thùy - Nhà hát quan họ Bắc Ninh: Câu ví, giặm đượm tình quan họ

Từ lâu, Bắc Ninh và Hà Tĩnh là 2 quê hương có mối thâm tình gắn kết. Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh vừa qua không phải là lần đầu tiên chúng tôi mang quan họ đến quê hương ví, giặm. Trong nhiều sự kiện quan trọng của Bắc Ninh, các đoàn Hà Tĩnh cũng đã đưa câu ví, điệu hò ngọt ngào của núi Hồng - sông La trình diễn trên đất Kinh Bắc.

Nghệ sỹ Nhân dân Đỗ Minh Thùy - Nhà hát quan họ Bắc Ninh

Trình diễn quan họ và nghiên cứu về ví, giặm, tôi càng mến yêu di sản của ông cha để lại. Tôi nhận thấy sự tương đồng của ví, giặm và quan họ trong không gian diễn xướng, nhất là cách bày tỏ tình cảm con người, lối hát giao duyên nam nữ. Qua những câu hát quan họ và ví, giặm cho thấy 2 di sản đều là phương thức chuyển tải tâm tư, tình cảm chân thành, mộc mạc nhưng cũng đầy ẩn dụ tinh tế của con người ở mỗi vùng quê. Ví, giặm và quan họ dù hình thức giai điệu khác nhau nhưng hòa quyện vào nhau bởi sự trữ tình đồng điệu tâm hồn, tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi, sự chân thành, mộc mạc, thủy chung, son sắt và đắm say lòng người.

Tiết mục quan họ "Vui bốn mùa" của đoàn Bắc Ninh.

Nghệ sỹ Ưu tú Huỳnh Quang Việt - Đoàn ca kịch Quảng Nam: Nên đưa ví, giặm thành sản phẩm du lịch

Năm 2017, sau khi được UNESCO ghi danh, hát bài chòi càng được các cấp chính quyền và địa phương cùng Nhân dân Quảng Nam gìn giữ và phát huy trong đời sống. Đặc biệt, chúng tôi đã đưa di sản hát bài chòi trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Qua đó, không chỉ mang lại nhiều giá trị về kinh tế mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa quê hương một cách rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế.

NSƯT Huỳnh Quang Việt - Đoàn ca kịch Quảng Nam

Tại Hội An, mỗi ngày, di sản bài chòi lại vang lên trên phố cổ, thu hút hàng chục đoàn khách trong và ngoài nước thưởng thức. Nhiều du khách chia sẻ, đến Quảng Nam, đến phố cổ Hội An mà chưa được hòa mình vào trò chơi hát bài chòi thì chưa đủ. Chính điều đó đã tạo động lực cho chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ di sản quê hương mình.

Không gian trình diễn hát bài chòi của đoàn Quảng Nam tại Festival "Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản".

Khi đến Hà Tĩnh, được chứng kiến các màn trình diễn và tìm hiểu về dân ca ví, giặm, tôi cảm thấy rất yêu thích loại hình di sản này. Tôi nghĩ, Hà Tĩnh có nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Khu di tích Nguyễn Du, Hải Thượng Lãn Ông, Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích… nếu như ở đó có không gian trình diễn dân ca ví, giặm thì sẽ thu hút du khách.

Với hình thức diễn xướng hấp dẫn, độc đáo, Hà Tĩnh cần đưa dân ca ví, giặm trở thành một sản phẩm du lịch như cách Quảng Nam đã làm với hát bài chòi. Qua đó, Hà Tĩnh có thêm một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đặc trưng mà nơi khác không có; đồng thời giúp di sản đã được UNESCO ghi danh lan tỏa hơn nữa đến bạn bè gần xa.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói