Ban Kinh tế - Ngân sách làm việc với một số sở, ngành về nội dung trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh

(Baohatinh.vn) - Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, rà soát lại số liệu trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu để phục vụ tốt cho kỳ họp sắp tới.

Chiều 2/12, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với Sở KH&ĐT, Kho bạc Nhà nước và một số sở, ngành liên quan về các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga chủ trì. Cùng dự có thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm tập trung triển khai các nghị quyết, chính sách giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn; nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động của cấp ủy, chính quyền các cấp, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng của Nhân dân và doanh nghiệp tỉnh nhà, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 vẫn đạt được đạt được tích cực trên các ngành, lĩnh vực.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trần Việt Hà trình bày báo cáo và giải trình một số nội dung liên quan đến tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Theo báo cáo, có 19/26 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch năm 2022, 6 chỉ tiêu ước không đạt kế hoạch, 1 chỉ tiêu chưa hoàn thành điều tra tại thời điểm báo cáo. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 ước đạt 3,98; tổng thu ngân sách ước đạt 16.900 tỷ đồng, đạt 103,68% dự toán; giải ngân đầu tư công ước đạt trên 8.500 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch…

Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá. Công tác đỡ đầu, tài trợ các thôn, xã xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến; giáo dục đạt nhiều thành tích; an sinh xã hội đạt kết quả tốt. Quốc phòng, an ninh đảm bảo.

Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Dũng trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Về tình hình thực hiện chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước (KBNN), trong 11 tháng năm 2022, KBNN đã kiểm soát thanh toán cho hơn 1.300 đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh với doanh số kiểm soát chi ngân sách qua KBNN của 4 cấp ngân sách là tỉnh 9.858 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết ngày 30/11/2022, KBNN Hà Tĩnh nhận được thông báo kế hoạch vốn đầu tư 10.342,7 tỷ đồng, đã giải ngân 6.482,7 tỷ đồng, đạt 62,7% so với kế hoạch và đạt 64,5% so với kế hoạch đã phân bổ chi tiết đến dự án (6.482,7 tỷ đồng/10.048,8 tỷ đồng).

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Cần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy và đảm bảo cơ sở vật chất cho công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026.

Đại biểu cũng đã nghe các tờ trình, dự thảo nghị quyết về: Cơ chế huy động, lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025;

Điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ: Cần đánh giá cụ thể những tồn tại, hạn chế trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022. Thường xuyên kiểm tra tình hình triển khai các dự án đầu tư, kịp thời xử lý các vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án trên địa bàn.

Thảo luận tại buổi làm việc, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách và các đại biểu tham dự cơ bản đồng tình với những đánh giá về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: việc giải quyết một số tồn đọng sau sáp nhập xã còn chậm; thực hiện thủ tục đầu tư các dự án lớn còn chậm; tiến độ và khối lượng thực hiện các chỉ tiêu cấp huyện ở một số huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM chưa đạt yêu cầu; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư một số dự án còn chậm, nhất là tại Khu kinh tế Vũng Áng còn nhiều vướng mắc, tồn đọng; công tác lập, trình phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 cấp huyện còn chậm…

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Thị Thúy Nga ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo, tờ trình, đề án của các sở, ngành.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách kết luận cuộc làm việc.

Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị các ngành thống nhất số liệu đảm bảo chính xác; trong báo cáo cần đánh giá kỹ việc ước chỉ tiêu nước sạch nông thôn và kết quả thực hiện các chính sách HĐND tỉnh đã ban hành. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đề nghị cân đối, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách đã ban hành; sớm ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; triển khai lập các quy hoạch đô thị, nông thôn và quy hoạch ngành…

Liên quan đến kế hoạch đầu tư công năm 2022, cần đánh giá kỹ hơn tình hình phân bổ, giao kế hoạch; lý do giải ngân 3 chương trình MTQG chậm; tập trung đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn kéo dài sang năm 2022 theo Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND tỉnh. Yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, rà soát lại số liệu trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, sớm hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết để phục vụ tốt cho kỳ họp HĐND sắp tới.

Chủ đề Họp HĐND tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói