Bàn phương án tái cơ cấu các công ty cao su ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh thống nhất cao và ủng hộ việc sáp nhập; đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm triển khai, phấn đấu hoàn thành trước đại hội đại biểu đảng bộ các công ty

Sáng nay (5/3), Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bàn về phương án tái cơ cấu các công ty cao su trên địa bàn tỉnh.

Bàn phương án tái cơ cấu các công ty cao su ở Hà Tĩnh

Dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận.

Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 2 đơn vị thành viên Tập đoàn là Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê.

Tổng diện tích cao su toàn tỉnh là 7.868,74 ha, trong đó diện tích khai thác 2.786,54 ha, sản lượng khai thác năm 2019 đạt 2.011,57 tấn; tổng doanh thu đạt 83.415,73 triệu đồng, nộp ngân sách 3.938 triệu đồng.

Bàn phương án tái cơ cấu các công ty cao su ở Hà Tĩnh

Ông Phạm Văn Thành - Trưởng ban Kế hoạch đầu tư Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và phương án tái cơ cấu hoạt động các đơn vị thành viên.

Về phương án tái cơ cấu ngành cao su Hà Tĩnh, đại diện Tập đoàn nêu quan điểm: Đối tượng cần tái cơ cấu là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, mục tiêu tái cơ cấu là sử dụng hiệu quả nhất quỹ đất đang có và hợp nhất trên địa bàn còn 1 công ty với quy mô phù hợp để tăng hiệu quả hoạt động, thuận tiện trong việc quản lý của Tập đoàn cũng như địa phương.

Bàn phương án tái cơ cấu các công ty cao su ở Hà Tĩnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Việc xây dựng dự án mới về nông nghiệp, trồng cây ăn quả có múi phục vụ xuất khẩu của Tập đoàn là một hướng đi mới phù hợp với địa phương.

Theo đó, sáp nhập Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê vào Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh theo quy định của Luật Doanh nghiệp (do hai đơn vị đều 100% vốn của Tập đoàn nên việc sáp nhập sẽ có nhiều thuận lợi).

Về nội dung quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, Tập đoàn Công nghiệp Cao su cho rằng, để tăng hiệu quả sử dụng đất, tập đoàn ủng hộ chủ trương chuyển đổi một phần diện tích cao su, đất rừng trồng của các công ty sang cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn và chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bàn phương án tái cơ cấu các công ty cao su ở Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: Tập đoàn nên cân nhắc và cho xây dựng nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn nếu triển khai phương án trồng rừng nguyên liệu.

Thời gian qua, các công ty đã tiếp xúc với một số đơn vị như Tập đoàn NAFOODS, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Tập đoàn Trường Thành, Tập đoàn Vinamilk về các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phục vụ xuất khẩu, trồng cây dược liệu, xây dựng dự án điện mặt trời, điện gió, xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa… để khảo sát, bàn phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Bàn phương án tái cơ cấu các công ty cao su ở Hà Tĩnh

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Tập đoàn cần quan tâm chỉ đạo các đơn vị thực hiện chỉ thị về tổ chức phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận thông tin thêm một số kết quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn thời gian qua; đề xuất một số phương án tổ chức Đại hội Đảng bộ Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê.

Đồng thời, bày tỏ mong muốn có quy chế phối hợp, hợp tác cụ thể giữa tập đoàn với địa phương.

Bàn phương án tái cơ cấu các công ty cao su ở Hà Tĩnh

Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam mong muốn có quy chế phối hợp, hợp tác cụ thể giữa tập đoàn với địa phương.

“Tập đoàn cũng hi vọng nhận được ủng hộ của địa phương về phương án phát triển rừng, phương án của Tập đoàn là chuyển một phần diện tích đất cao su có chất lượng kém và diện tích có khả năng trồng rừng (khoảng hơn 3.000 ha) để thành dự án vùng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy MDF của Tập đoàn, diện tích này sẽ giao cho Công ty MDF Quảng trị của Tập đoàn quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, Tập đoàn sẵn sàng thương lượng với các doanh nghiệp gỗ khác để có phương án tốt hơn” – ông Trần Ngọc Thuận đề nghị thêm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cảm ơn sự quan tâm, đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đối với các công ty thành viên trên địa bàn trong thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, buổi làm việc đã cho thấy sự thống nhất cao về việc cần cơ cấu lại các công ty cao su ở Hà Tĩnh. Do đó, đề nghị Tập đoàn sớm xây dựng đề án tái cơ cấu; trong đó đề án cần đánh giá kết quả thời gian qua và nêu rõ sự cần thiết của việc tái cơ cấu.

Bàn phương án tái cơ cấu các công ty cao su ở Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn thống nhất cao với phương án sáp nhập các công ty cao su trên địa bàn Hà Tĩnh.

Về mặt quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Hà Tĩnh ủng hộ quan điểm “cây nào có hiệu quả hơn thì trồng cây đó”. Tuy nhiên, phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định đầu tư. Riêng về việc trồng cây nguyên liệu, phục vụ nguyên liệu cho chế biến phải đảm bảo không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và nhà máy chế biến nên đặt trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất cao và ủng hộ việc sáp nhập, đề nghị Tập đoàn và các công ty sớm triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành trước đại hội đại biểu đảng bộ các công ty. Hà Tĩnh cũng ủng hộ quan điểm cần có văn bản ký kết phối hợp giữa Tập đoàn với địa phương để công tác hợp tác được triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xem xét, bàn giao một phần diện tích để Công ty Vinamilk đầu tư dự án tại huyện Hương Khê. Đề nghị Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và các địa phương liên quan sớm làm thủ tục thu hồi diện tích đất đã bàn giao cho dự án khác đúng quy định.

Tin liên quan:

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.