Bão tan

(Baohatinh.vn) - Mấy bữa trước, nghe tin đài báo rằng, có bão số 10 to lắm sắp đổ bộ vào Hà Tĩnh, lòng tôi thấp thỏm. Lo nhà mình ở thành phố thì ít mà lo ở quê thì nhiều. Quê tôi, miệt Đỉnh Hòe, ba bề sông nước, nói đến triều cường còn hoảng huống chi bão tố. Mà bão này những cấp 11-12, giật cấp 15, sóng biển dâng cao 5m. Chỉ nghe cũng hoảng lắm rồi.

Suốt ngày 15/9, cầm cự với cơn bão ở thành phố, rạng ngày 16/9, cha con vội vàng về quê. Dọc đường, khung cảnh ngổn ngang, cảnh tượng mà tôi chứng kiến đầu tiên ngay giữa thành phố là sự đổ nát tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức. Hàng trăm mét hàng rào bị quật đổ, bao nhiêu là cây xanh có trên 10 năm tuổi gục ngổn ngang. Những dãy nhà bị tốc mái trống hoác. Vậy là công chăm bẵm khuôn viên, thiết kế cả năm bỗng chốc bị phá hủy. Lác đác dăm ba bóng người thu dọn sau bão và việc khắc phục chắc chưa phải ngày một ngày hai khi hậu quả là khá nặng nề. Cây cầu Lạch Sót dẫn tôi về quê. Bên đường, cây lá đổ rạp, ruộng đồng đầy nước.

bao tan

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn kiểm tra quá trình khắc phục hậu quả mưa bão số 10 tại huyện Kỳ Anh

May thay, chừng mấy năm nay, khi quê hương đổi mới, dân có của ăn của để nên nhà xây khá kiên cố, thiệt hại về nhà cửa không đáng kể. Chỉ vài nóc nhà bị tốc mái. Vả lại, nhờ có dự báo tốt, công tác tuyên truyền phòng chống kịp thời, dân chủ động kè nhà cửa, gia cố công trình nên dù ở vùng sông nước, gió bão mà thiệt hại không đáng kể.

Ông chú tôi cho hay rằng: “Biết là có bão mà lo phòng chống. Nhưng ngặt nỗi, cơn bão này kéo dai dẳng suốt từ sáng sớm đến chiều tối nên hậu quả là không thể tránh khỏi”. Tôi biết cả xóm tôi có gần 50 nóc nhà, nằm cạnh ngã ba Hộ Độ nơi ngả sóng đón gió nên mỗi lần nhắc đến bão tố là người ta lo lắm.

Theo bà Chắt - Trưởng thôn: “Từ ngày 14/9 đã cho di dời trẻ em, người già đến nơi an toàn, các thôn xóm đều dự phòng bao cát để ngăn sóng vì nghe nói sóng biển cao tới 5m. Các cửa đê chắn sóng đều đã bịt kín. Anh thấy, chưa khi nào bão tố mà nước dâng đến tận mạn đê cả. Được cái nhờ dự báo sớm, bà con chung nhau gia cố nhà cửa nên cả thôn không có thiệt hại về công trình gia dụng. Duy chỉ có điều đáng nói ở thôn ta là chừng mươi hộ nuôi trồng thủy sản coi như trắng tay”.

Hỏi thêm dân tình, tôi biết người ta đã lo dùng nhợ giằng bè cá, nhưng do bão kéo dài, nước thủy triều dâng tận mặt đê, chảy cuồn cuộn, thành ra sức người có hạn khó mà giữ nổi. Bè trôi, mảng cuốn là điều khó tránh khỏi. Chị Lan Đạo - một người nuôi cá cho hay: “Nhà em có gần ngàn con cá đã đến kỳ thu hoạch khi mỗi con hơn 1 kg, cố neo giữ nhưng nước to, sóng cả kéo cả ngày nên đành buông xuôi. Tính sơ sơ cũng mất vài chục triệu, tiếc lắm bác ạ”.

bao tan

Công nhân đô thị dọn dẹp cây xanh gãy đổ trên đường phố Hà Tĩnh

Nhìn ánh mắt, tôi biết người ta đang tiếc của, ngậm ngùi nhìn tài sản chăm bẵm hàng năm trời trôi theo dòng nước. “Của đau con xót”, mấy hộ nuôi tôm, cua cũng không tránh khỏi xót xa khi bất lực đứng nhìn bao nhiêu công sức, tiền bạc chìm trong biển nước mênh mông. Ông Hương bùi ngùi: “Nhà em có mấy ha nuôi tôm quảng canh, thả giống hôm tháng 4, tính cuối tháng này thu hoạch. Con tôm bằng ngón tay lớn, tính cân chừng 150-200.000 đồng. Trước ngày 15/9, mấy lần em tính gọi khách đến thu bán. Xui xẻo gặp phải 2 ngày mất điện nên khách tạm dừng. Chưa kịp đón miếng ăn thì gặp bão, ông trời cướp không của em hàng trăm triệu bạc. Xót quá bác ạ!”.

Nhìn dáng người lam lũ và ánh mắt ngân ngấn của con người cần lao đánh vật miếng ăn với trời, tôi chạnh lòng rằng, người quê chưa hết gian nan với miếng cơm, manh áo. Mở mang sản xuất cũng đi liền với rủi ro. Nhìn cơ ngơi bề thế của xóm làng cho đến hôm nay càng thấm hiểu sự vươn lên mạnh mẽ của người dân quê. Đi một vòng thăm hỏi quanh xóm, tôi yên tâm khi thấy nhà nào cũng ít hư hỏng. Tôi hỏi chú tôi: “May mà nhà cửa, con người không việc gì”. Chú tôi chậm rãi: “Nói vậy chứ dân mình cũng còn không ít chủ quan vì mấy năm nay bão tránh mình. Nói để anh hay, nó kéo dài thêm khoảng tiếng đồng hồ nữa là coi chừng. Đê biển Thạch Bàn sau lưng ta, có đoạn đã sắp vỡ tường chắn sóng. Nếu bão kéo dài, thêm mưa lớn hơn là có thể vỡ đê như bão năm 1989 đấy anh ạ”.

bao tan

Sau bão, ngư dân Thạch Kim (Lộc Hà) lại chuẩn bị tàu thuyền, ngư cụ chuẩn bị ra khơi

Tôi vẫn đi những bước trên đường quê khi bão tan. Dù còn ngổn ngang nhưng dân tình đã trở lại bình thường sau cơn mưa gió dữ dằn. Tôi mừng vì quê hương đổi mới, nhà cửa kiên cố nên không bị tàn phá. Mừng vì con người biết chung lưng đấu cật, hoạn nạn có nhau. Thế mà, tôi lại lo vì hiếm khi thấy mực nước biển dâng ngang mặt đê. Hiếm khi bão tố kéo dai dẳng lên 8 tiếng đồng hồ.

Bão tan trở lại quê nhà thêm yêu thương miền quê ruột thịt. Bao lớp người nối nhau vẫn trường tồn nơi quê cha đất tổ. Qua thử thách mới biết sức người, sức của để quê tôi vượt qua bão tố mà vươn tới. Sau bão giông, trời tĩnh lặng, nắng vàng. Dẫu cây lá có xác xơ nhưng gốc rễ vẫn hút nhựa sống muôn thuở từ ruột đất. Tôi tin con người quê tôi như tin sự sống luôn thơm thảo những màu xanh.

Chủ đề Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão

Đọc thêm

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.