Bảo vệ động vật hoang dã ở Hà Tĩnh, chuyện không của riêng ai

(Baohatinh.vn) - Động vật hoang dã (ĐVHD) ngày càng bị tận diệt là một trong những yếu tố làm mất cân bằng hệ sinh thái trái đất, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của nhân loại. Chung tay cùng thế giới, nhiều năm qua, Việt Nam nói chung và các cấp chính quyền Hà Tĩnh đã có nhiều biện pháp tích cực bảo vệ ĐVHD.

Từ đầu năm đến nay, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiến hành thả hàng trăm cá thể ĐVHD về môi trường tự nhiên. Ảnh: Chung Hoàn

Câu chuyện ký ức

Tôi còn nhớ những năm 1990, hồi đó, trong làng tôi có khá nhiều người lên vùng Truông Bát (xã Hà Linh, Hương Khê ngày nay) khai hoang lập nghiệp. Mỗi lần về quê, họ đều mang theo những câu chuyện về đàn khỉ, đàn voi vì đói, tràn vào vườn của những người dân ở đây để tìm kiếm thức ăn, phá rẫy sắn, ngô, chuối...

Xa hơn nữa, ngay trên làng tôi, vùng quê nằm phía Nam ven chân núi Hồng Lĩnh, những câu chuyện của các già làng về những năm đầu thế kỷ trước cũng đầy ắp những giai thoại về hổ, khỉ, nai, mang... Những câu chuyện khiến thế hệ trẻ chúng tôi hết sức ngạc nhiên, khi không thể ngờ rằng, thời đó trên vùng quê Truông Gió, núi Động Hàn (thuộc xã Hồng Lộc, Lộc Hà ngày nay) đã từng có dấu chân của hổ. Và những năm 1987, 1988, chúng tôi còn chứng kiến cảnh người dân vùng ven chân núi Hồng thường xuyên săn được khỉ, hoẵng, nai... mang về bán hoặc giết thịt.

Rừng trên núi Hồng Lĩnh, nơi từng có sự xuất hiện của nhiều loài thú quý hiếm, như: hổ, hoẵng, nai, khỉ...

Thế hệ 8X chúng tôi lớn lên, rừng mỗi ngày bị đốn hạ để lại những vùng đất trống, đồi trọc và các loài thú, chim muông hoang dã dưới sự săn bắn tận diệt của con người cũng dần biến mất. Câu chuyện về quê hương với một thời rừng núi thâm u, muôn loài muông thú cùng quây quần sinh sống đã đi vào cổ tích. Những mùa xuân chim én bay liệng trên cánh đồng, những mùa cò, mùa cói, chàng làng, vàng anh… tránh rét tháng 9, 10 về đậu đầy vườn cây, sân nhà cũng không còn bao nhiêu. Tất cả đều do bàn tay con người gây ra.

Cánh đồng ngày càng vắng những cánh chim do nạn săn bắt chim trời.

Tôi còn nhớ, một thời cách đây chưa lâu, từ thành thị tới nông thôn, đi đâu cũng bắt gặp những nhà hàng, quán xá treo biển quảng cáo và bán các loài thịt thú rừng. Nhiều người xem đó là đặc sản, hào hứng săn bắt, bán mua, tiêu thụ. Thậm chí, những gia đình giàu có xem việc chưng trong nhà những bộ ngà voi, sừng tê giác, đầu hươu rừng… là niềm kiêu hãnh, tự hào. Các loại thực phẩm từ động vật hoang dã như: cao hổ, khỉ, trăn, mật gấu… được nhiều người sùng tín là “tiên dược” trị bách bệnh.

Hết thú đến chim hoang dã, không một loài nào thoát khỏi sự tận diệt của con người. Trái đất ngày một “trần trụi”, môi trường sống ngày càng biến đổi tiêu cực với nhiều hơn thiên tai, hạn hán, lũ lụt… đe dọa đến cuộc sống con người. Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Tích cực bảo vệ động vật hoang dã

Để bảo vệ ĐVHD, từ nhiều năm trước, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Trong đó các nội dung cụ thể đã được quy định tại Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 1985.

Từ năm 2022, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã trở thành Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, theo Quyết định số 102/2002/QĐ-TTg, ngày 30/7/2022 của Thủ tướng chính phủ. Ảnh: Huy Tùng

Năm 1994, sau khi trở thành thành viên Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ ĐVHD, nhất là đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm. Các nội dung cụ thể và gia tăng các mức hình phạt đối với người vi phạm về bảo vệ ĐVHD cũng được bổ sung vào BLHS qua các năm 1999, 2009. Năm 2015, BLHS được ban hành mới và thêm một lần được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017 (đang hiện hành), trong đó quy định 2 điều (Điều 234 và Điều 244) liên quan đến tội phạm ĐVHD với mức phạt tù tối đa lên tới 15 năm hoặc phạt tiền tối đa 5 tỷ đồng đối với cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân. Với những quy định nghiêm khắc này, BLHS được cho là công cụ pháp lý vững chắc để xử lý các vụ việc về bảo vệ ĐVHD.

Sao la còn được gọi là “Kỳ lân châu Á” được biết đến như một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống được phát hiện và bảo vệ tại Vườn Quốc gia Vũ Quang. (Ảnh WWF)

Tại Hà Tĩnh, cùng với thực thi BLHS, nhiều năm qua, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành liên quan đã tích cực triển khai các văn bản của Chính phủ trong tăng cường phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã, như: Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019, Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi.

Gần đây nhất, thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản 5426/UBND-NL4 ngày 28/9/2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên.

Cùng với ra văn bản, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài ĐVHD, chim tự nhiên trái pháp luật; chủ động đấu tranh tố giác đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD, chim tự nhiên. Đồng thời tích cực thực hiện các biện pháp kiểm tra, tịch thu, tháo dỡ, tiêu hủy các dụng cụ, phương tiện săn bắt chim tự nhiên, ĐVHD trái phép; kiểm tra và xử lý các cá nhân, đơn vị vi phạm…

Công an Cẩm Xuyên đội mưa ra quân phá dỡ các điểm bẫy chim trời tại địa phương dịp cuối tháng 9/2022.

Kết quả, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2.786 cuộc tuyên truyền, 550 cuộc kiểm tra, tịch thu và thả về môi trường tự nhiên 675 cá thể chim mồi còn sống; tiêu hủy 10.719 các loại chim mồi giả, 622 lùm cây lán tạm bẫy chim, 103 loa, ắc quy phát tín hiệu gọi chim và hàng nghìn phương tiện bẫy chim khác…

Đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng tiếp nhận chăm sóc, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên 327 cá thể ĐVHD, như: khỉ mặt vàng, khỉ mặt đỏ, trăn, rùa, cầy, rắn, mèo rừng… từ người dân và các tổ chức giao nộp.

Lượng chức năng xã Xuân Thành (Nghi Xuân) thả chim trời về với tự nhiên, dịp cuối tháng 9/2022

Cùng với các cơ quan chức năng, việc bảo vệ ĐVHD và chim trời, chim di cư đang ngày được nhiều người dân ủng hộ. Trong hàng trăm sự việc người dân tự giác giao nộp các cá thể cho cơ quan chức năng, nhiều người vẫn còn ấn tượng với hành động bàn giao con khỉ lông vàng của anh Bùi Văn Hướng (thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) cho chính quyền trong thời gian gần đây.

Anh Bùi Văn Hướng (thôn Đông Thịnh, Hồng Lộc, Lộc Hà)

Anh Hướng cho biết: “Khi bắt được con khỉ lông vàng tại trang trại của mình, có người gọi điện đề nghị tôi bán với giá rất cao nhưng tôi đã không đồng ý. Bởi, ngoài việc không đồng tình với săn bắt, giết thịt động vật hoang dã, tôi hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, tôi đã báo cáo với chính quyền tự nguyện giao nộp. Thật may, Công an xã Hồng Lộc đã giúp tôi thực hiện được tâm nguyện khi liên lạc với cơ quan chức năng tiếp nhận con khỉ”.

Hạt kiểm lâm Lộc Hà tiếp nhận bàn giao cá thể khỉ lông vàng từ anh Bùi Văn Hướng

Cá thể khỉ vàng anh Hướng giao nộp có tên khoa học Macaca mulata, thuộc động vật nguy cấp quý, hiếm II B. Được biết, sau khi nhận được thông báo và xác minh, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Vũ Quang tiến hành tiếp nhận, cứu hộ và thực hiện thành công việc thả cá thể khỉ lông vàng về với môi trường tự nhiên.

Ít ai biết rằng, nhiều năm nay tại Khu sinh thái Green nằm gần trung tâm TP Hà Tĩnh lại là nơi lưu trú của hàng ngàn con chim cò, cói, diệc… Có được điều đó là nhờ người đứng chủ khu sinh thái đã hết lòng tạo không gian tự nhiên và tăng cường công tác bảo vệ đàn chim trời.

Chị Hà Thị Thuận - chủ Khu sinh thái Green cho biết: “Điều chúng tôi đặc biệt quan tâm sau khi tiếp nhận khu sinh thái từ năm 2018 là làm thế nào để tạo ra một môi trường tự nhiên không chỉ có không gian xanh mát mà còn là nơi sinh sống của các loài động vật, chim hoang dã. Vì vậy, bên cạnh trồng thêm cây xanh, giữ lại những lùm cây tự nhiên giữa lòng hồ, chúng tôi thuê người làm nhiệm vụ bảo vệ khu sinh thái, nghiêm cấm các hành vi săn bắt chim trời và các loài động vật trong khu vực của mình”.

Đàn cò, cói bay về trú ngụ mỗi chiều ở khu sinh thái Green (TP Hà Tĩnh).

Không chỉ anh Hướng, chị Thuận mà còn có nhiều cá nhân khác trong những năm qua đã tích cực chung tay cùng chính quyền các cấp ra sức bảo vệ ĐVHD và chim trời…Trong đó phải kể đến trường hợp của 2 chị em dâu là bà Bùi Thị Miện (SN 1942) và bà Đinh Thị Trí (SN 1944) ở xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên). Bằng tình yêu thiên nhiên, ĐVHD, 2 bà đã giữ lại vườn cây cổ thụ rộng 1.000 m2 để làm nơi trú ngụ cho các loài chim hàng chục năm nay. Ông Nguyễn Văn Duẩn - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc cho biết: “Hành động đẹp của bà Miện và bà Trí đã lan tỏa ý thức giữ gìn, bảo vệ chim trời cũng như môi trường tự nhiên đến người dân tại địa phương chúng tôi. Nhiều năm nay, bên cạnh việc dừng săn bắt, nhiều người dân cũng luôn ra sức bảo vệ chim trời, tránh người vùng khác đến đánh bắt trên địa bàn”.

Bảo vệ động vật hoang dã - “cuộc chiến” lâu dài

Tuy nhiên, việc bảo vệ các loài ĐVHD vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết là ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn chưa chấp hành chủ trương, pháp luật, ham lợi nhuận, lén lút săn bắt, giết mổ, tiêu thụ ĐVHD. Điều này xuất phát từ một bộ phận người dân có thói quen ăn uống các loại thịt từ ĐVHD, niềm tin vào các loại sản phẩm từ ĐVHD có thể chữa được bách bệnh, thói khoa trương thích sưu tầm những thứ độc lạ từ các bộ phận của các loài thú quý hiếm… Bên cạnh đó, các chế tài quy định xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe, tinh thần giám sát, tố giác trong quần chúng nhân dân chưa cao…

Một số cá thể khỉ mặt đỏ được thả về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Vũ Quang thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Cự Duẩn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho biết: “Các văn bản pháp luật quy định về tăng cường, nâng cao mức độ, hình thức xử phạt và chỉ đạo thực hiện là cơ sở để chúng tôi quyết liệt hơn đối với việc bảo vệ ĐVHD, chim trời. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực phối hợp cùng với các sở, ngành, đơn vị liên quan như: công an, bộ đội biên phòng, dân quân các địa phương… triển khai sớm và mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử lý các đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD, chim trời…”.

Bảo vệ ĐVHD, chim trời, “cuộc chiến” dài lâu đòi hỏi cả xã hội chung tay, cùng ra sức bảo vệ môi trường của chính chúng ta.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói