Bất an vì đường cứu nạn cứu hộ thi công dang dở

(Baohatinh.vn) - Hơn 10 năm nay, 117 hộ dân thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây (Hương Sơn, Hà Tĩnh) lâm vào cảnh sống chung với ngập úng trong mùa mưa lũ do tuyến đường cứu nạn cứu hộ thi công dang dở.

Bất an vì đường cứu nạn cứu hộ thi công dang dở

Để chống ngập úng, nhiều hộ gia đình ở đây đã phải nâng cốt nền lên từ 5 - 7m

Tuyến đường cứu nạn cứu hộ đoạn qua xã Sơn Tây dài khoảng 8 km. Điểm khởi đầu từ khu tái định cư Hà Tân, thuộc thôn Tân Thuỷ, xã Sơn Tây, kết nối với điểm cuối tại cầu Chi Lời (thôn Tiền Phong, xã Sơn Kim 2). Dọc theo tuyến dài 8km men theo vách núi (người dân địa phương quen gọi là rú Mục Đầu), có 2,5km chạy qua thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây - là nơi sinh sống của 117 hộ dân.

Bất an vì đường cứu nạn cứu hộ thi công dang dở

Đường cứu nạn cứu hộ trông chẳng khác một con đê cao hơn mặt ruộng khoảng 10m

Khi dự án được triển khai thi công vào đầu năm 2011, người dân Sơn Tây và các địa phương khác như, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2... khấp khởi mừng vui bởi công trình hoàn thành không chỉ giao thông đi lại thuận tiện mà quan trọng hơn là bà con không phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm khi mưa lũ tràn về.

Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sau khi thi công đắp đất phần nền đường cao hơn mặt ruộng khoảng 10m, rộng hơn 20m, giữa năm 2012 đơn vị thi công bỗng dưng dừng lại. Sau khoảng thời gian chờ đợi, cuối cùng người dân cũng nhận được câu trả lời từ phía những người có trách nhiệm là dự án phải dừng vì không còn vốn.

Đáng nói, dự án ngừng thi công các hạng mục tiếp theo cũng đồng nghĩa với việc nhiều hộ dân thuộc thôn Trung Lưu bị “kẹt” ở giữa, bởi phía sau là vách núi và trước mặt là “con đê” cao hơn 10m mới được dựng lên. Công trình thi công dang dở không chỉ khiến việc đi lại khó khăn mà còn thường xuyên bị ngập úng, bởi hệ thống thoát nước rất kém.

“Dọc tuyến đường đang thi công qua khu vực thôn Trung Lưu có 4 cống thoát nước đường kính rộng khoảng 80cm nên mưa lớn, mực nước dâng cao khiến nhiều hộ dân bị ngập úng - một người dân địa phương cho hay”.

Bất an vì đường cứu nạn cứu hộ thi công dang dở

Đường cứu nạn cứu hộ cao 10m, rộng 20m nhưng miệng cống thoát nước chỉ khoảng 80cm

Hơn 10 năm lại nay vườn nhà thường xuyên bị ngập úng khiến cuộc sống của gia đình bà Lương Thị Lành (SN 1966) như bị đảo lộn. Bà Lành bức xúc cho biết, đường cứu hộ, cứu nạn đâu chẳng biết, chỉ biết là từ năm 2012 đến nay mỗi lần mưa lớn là nhà cửa, vườn tược ngập sâu trong nước lũ. Mưa lớn trút xuống, rồi ứ đọng trong vườn, sau khi rút đi, hoa màu hư hỏng hết. Năm 2022, gia đình phải vay mượn 50 triệu đồng để dỡ nhà, rồi thuê người đổ hàng trăm m3 đất để nâng nền nhà lên 5m, tránh bị ngập nước.

"Trong thôn có nhiều hộ đã làm nhà kiên cố nhưng đều phải dỡ xuống để nâng cốt nền lên, rất tốn kém. Gia đình anh em ruột Vương Quốc Hưng (SN 1972), Vương Trung Thành (SN 1975) sống cạnh nhau phải đập đi làm lại nhà, nâng cốt nền lên từ 5 - 7m mới không bị ngập lụt " - Trưởng thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây Nguyễn Sỹ Hùng cho biết.

Bất an vì đường cứu nạn cứu hộ thi công dang dở

Đường dở dang khiến các phương tiện qua lại rất khó khăn

Ông Phan Duy Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho rằng: "Cuộc sống của bà con thôn Trung Lưu bị đảo lộn khi dự án đường cứu nạn cứu hộ dừng thi công. Đặc biệt, việc nâng cấp các tuyến giao thông liên thôn, liên xã chính quyền xã Sơn Tây cũng không thể triển khai vì sợ chồng chéo với đường cứu nạn cứu hộ.

Hơn 10 năm lại nay, tại rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, ĐBQH, bà con đều đề đạt nguyện vọng, hoặc làm dứt điểm hoặc phá bỏ con đường này để hệ thống thoát nước được dễ dàng nhưng cho mọi việc vẫn chưa được quan tâm xem xét.

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.