Lốp xe bị châm kim, mất khả năng làm kín
Nếu bị những chiếc đinh hoặc các miếng kim loại nhỏ đâm vào thì lốp xe sẽ không hết hơi hoàn toàn, mà xuất hiện tình trạng xuống hơi chậm trong một vài ngày hoặc có thể hàng tuần. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng xuống hơi chậm của lốp xe.
Nếu bị các dị vật nhỏ có xu hướng đâm sâu vào lốp xe và bị bề mặt lốp che kín, khiến việc phát hiện bằng mắt thường khá khó khăn. Để kiểm tra cần dùng nước xà phòng quết đều lên bề mặt lốp, lúc này hơi xì ra tại các vị trí có dị vật sẽ tạo bọt khí, giúp việc đánh dấu và lấy dị vật dễ dàng hơn.
Lốp xe mất khả năng làm kín cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới việc xuống hơi chậm, khi mà các tài xế thường có xu hướng tiết kiệm nên sử dụng lốp xe lâu hơn niên hạn nhà sản xuất khuyến cáo.
Lốp xe quá niên hạn sẽ xuất hiện các vết nứt dẫn tới tình trạng xuống hơi chậm.
Khi lốp xe quá niên hạn, các bố lốp xuất hiện tình trạng mất đàn hồi và không còn liên kết với nhau, tạo ra những khe hở nhỏ thường được gọi là châm kim. Các đường mép lốp cũng không còn khả năng bám sát và mặt la-zăng để tạo kín.
Tình trạng này không chỉ khiến tài xế phải thường xuyên bơm áp suất cho lốp mà còn có thể gây rách, nổ lốp. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi đang di chuyển ở tốc độ cao.
Ngoài tình trạng của lốp, van lốp cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng xuống hơi chậm. Van lốp có thể bị hư hại do va chạm hoặc lắp đặt không đúng, cũng như nếu sử dụng lâu ngày van có thể bị lão hóa dẫn tới hư hỏng. Lúc này tài xế cần kiểm tra và thay thế, van trên bánh xe có thể thay độc lập mà không cần phải thay cả lốp.
La-zăng xe bị cong, vênh
La-zăng của xe có thể dễ dàng bị cong vênh bởi các ngoại lực tác động, lúc này bề mặt của la-zăng không đảm bảo độ kín khít với mép lốp, dẫn tới tình trạng xuống hơi chậm của lốp xe. Để khắc phục tình trạng này tài xế cần tìm tới các cơ sở sửa chữa uy tín để thực hiện căn chỉnh, phục hồi la-zăng.
Bề mặt của la-zăng và mép lốp không ăn khớp sẽ dẫn tới tình trạng xuống hơi chậm của lốp xe.
Việc di chuyển với la-zăng biến dạng không chỉ gây hư hỏng các hệ thống liên quan như hệ thống treo, hệ thống lái, lốp xe mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Có thể nhận biết la-zăng cong vênh bằng mắt thường hoặc các dấu hiệu như có tiếng động lạ tại vị trí hốc bánh xe khi vận hành, lệch vô lăng, mất cân bằng động.
Để dễ dàng theo dõi và phát các vấn đề liên quan tới áp suất lốp, chủ xe nên trang bị bộ giám sát áp suất lốp (TPMS - Tire Pressure Monitoring System) cho xe, với mức giá từ 1-2 triệu đồng tùy vào chủng loại (gắn trong hoặc ngoài).
Thiết bị này giúp giám sát áp suất lốp trong thời gian thực, tài xế sẽ biết chính xác thông số áp suất lốp và nhiệt độ ở bất cứ lúc nào. Chủ xe cũng có thể mua các bộ đo áp suất cầm tay điện tử để có thể chủ động đo áp suất lốp mỗi ngày.
Ngoài ra tài xế cũng nên trang bị thêm các bộ bơm xe cầm tay, sử dụng điện từ tẩu sạc có tích hợp đồng hồ đo áp suất lốp, để có thể tự bơm lốp dễ dàng trong các tình huống khẩn cấp.