Bầu cử Quốc hội Đức: Gay cấn đến phút chót cuộc đua “tam mã”

Đến thời điểm này, khoảng cách giữa các ứng cử viên hàng đầu chưa đủ lớn để có thể dự đoán chắc chắn đại diện của đảng nào sẽ giành được vị trí quyền lực của nước Đức.

Bầu cử Quốc hội Đức: Gay cấn đến phút chót cuộc đua “tam mã”

Các ứng viên Thủ tướng Đức: bà Annalena Baerbock (trái) của đảng Xanh và ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD - giữa) trong cuộc tranh luận qua truyền hình cuối cùng trước bầu cử tại Berlin, tối 23/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/9, hơn 60,4 triệu cử tri Đức sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 20.

Bất kỳ ai kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel sau 16 năm cầm quyền của nữ chính khách xuất chúng này cũng sẽ phải tiếp tục những trọng trách nặng nề để chèo lái con thuyền nước Đức vượt qua giai đoạn sóng gió trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Chưa thể dự đoán đại diện đảng sẽ chiến thắng

Dù đã xuất hiện những gương mặt sáng giá, song cho đến thời điểm này, khoảng cách giữa các ứng cử viên hàng đầu chưa đủ lớn để có thể dự đoán chắc chắn đại diện của đảng nào sẽ giành được vị trí quyền lực.

Sau 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình của các ứng cử viên thủ tướng Đức, khoảng cách giữa đại diện 3 đảng đứng đầu trong chiến dịch tranh cử gồm ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), ông Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh, đang dần được thu hẹp.

Tuy nhiên, theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận, sau 3 cuộc đối đầu, đảng viên của SPD Scholz vẫn là người có sự thể hiện vững vàng, ấn tượng nhất và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu.

Với tỷ lệ ủng hộ 24-25%, ông Scholz được cho là gương mặt sáng giá kế nhiệm Thủ tướng Merkel.

Với khẩu hiệu “Sứ mệnh tương lai cho đất nước của chúng ta,” trọng tâm chiến dịch tranh cử của SPD được đánh giá là đặt ra những mục tiêu cụ thể trong hàng loạt lĩnh vực, từ chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế, tăng cường đầu tư công, tăng thu nhập tối thiểu đến tập trung đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn nước Đức...

Không những thế, ứng cử viên của SPD còn đưa ra cam kết đạt tiến bộ lớn trong vấn đề môi trường như thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải carbon muộn nhất vào năm 2045.

Mặc dù tỷ lệ ủng hộ CDU/CSU đã tăng lên so với các cuộc thăm dò sau hai cuộc tranh luận đầu tiên, song với 21-22%, liên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Merkel chỉ đứng ở vị trí thứ hai.

Đây là tỷ lệ thấp nhất trong các cuộc thăm dò đối với liên minh hai đảng này trong suốt hơn 50 năm cầm quyền kể từ năm 1949.

Dù thời gian qua, CDU/CSU đã có rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện vị trí, song ông Laschet, ứng cử viên đại diện cho liên minh này, cũng buộc phải thừa nhận đây là chiến dịch tranh cử khó khăn nhất của CDU/CSU kể từ năm 1998.

Hiện CDU/CSU đang nỗ lực thu hút sự chú ý của cử tri thông qua chương trình “Cùng nhau vì một nước Đức hiện đại.”

Liên minh hai đảng bảo thủ muốn tạo lập một thập niên hiện đại hóa và đưa Đức trở thành nước công nghiệp trung hòa về khí thải, nơi mà những vấn đề về bảo vệ môi trường, người lao động và việc làm trong tương lai đều được bảo đảm.

Nếu tiếp tục giành thắng lợi, vấn đề người nhập cư cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Ngoài những nội dung trên, CDU/CSU cam kết không tăng thuế, tăng giới hạn mức lương cho công việc làm thêm từ 450 euro lên 550-600 euro...

Đảng Xanh đứng ở vị trí thứ ba trong hầu hết các cuộc thăm dò, với 17-18% số phiếu ủng hộ.

Với cương lĩnh tranh cử có tên gọi “Nhiệm vụ thế kỷ,” đảng Xanh đặc biệt ưu tiên các vấn đề liên quan tới môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Theo ứng cử viên Baerbock, nếu được đề nghị tham gia liên minh cầm quyền nhiệm kỳ mới, đảng Xanh sẽ thành lập một “siêu bộ” mới phụ trách vấn đề bảo vệ khí hậu.

Nhanh chóng mở rộng chương trình năng lượng gió, Mặt Trời và loại bỏ than đá vào năm 2030... cũng sẽ là những cam kết trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền.

Các đảng nhỏ khác gồm Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Cánh tả lần lượt giành được 11% và 6% tỷ lệ ủng hộ. Các kết quả thăm dò này hầu như được giữ nguyên trong một tuần qua.

Mặc dù chiến dịch vận động tranh cử về cơ bản đã khép lại sau 3 cuộc tranh luận trực tiếp, nhưng đại diện của các đảng vẫn đang tận dụng những giây phút cuối cùng để giành thêm sự ủng hộ của cử tri.

Bà Merkel "vào cuộc"

Nguy cơ CDU/CSU lần đầu tiên trở thành phe đối lập sau 16 năm đã thúc đẩy bà Merkel “vào cuộc.”

Tại cuộc vận động tranh cử ở khu vực Stralsund thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern, nhà lãnh đạo quyền lực này đã có mặt để ủng hộ ứng cử viên của CDU/CSU.

Bầu cử Quốc hội Đức: Gay cấn đến phút chót cuộc đua “tam mã”

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại cuộc vận động tranh cử cho cho Liên minh CDU/CSU và ứng cử viên Thủ tướng Armin Laschet ở Munich, Đức, ngày 24/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Xuất hiện bên cạnh ông Laschet, Thủ tướng Merkel đã kêu gọi cử tri tin tưởng, đồng lòng ủng hộ cho CDU cũng như ứng cử viên thủ tướng của đảng là ông Laschet.

Bà Merkel khẳng định trên cương vị là Thủ hiến bang đông dân nhất nước Đức, ông Laschet đã chiến đấu để bảo đảm từng việc làm cho người dân Đức và như vậy ông cũng sẽ làm tốt điều này khi trở thành thủ tướng Đức .

Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm cũng cho rằng việc lựa chọn ứng cử viên Laschet là sự đảm bảo cho một nền kinh tế mạnh cũng như đảm bảo việc làm cho nước Đức, gắn kết đất nước với những gì tốt đẹp nhất trên thế giới.

Bà nhấn mạnh ông Laschet còn là sự lựa chọn tốt nhất đối với các cơ quan an ninh, cảnh sát và lực lượng vũ trang.

Trong khi đó, tinh thần hưng phấn tiếp tục lan rộng trong các đảng viên SPD. Ứng cử viên Scholz đang thu hút cử tri bằng những cam kết về bảo vệ khí hậu, hiện đại hóa nền kinh tế, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19.

Tổng Thư ký SPD Lars Klingbeil đã nói rằng: “Thật khó tin khi ông Olaf vẫn tràn đầy năng lượng sau chiến dịch tranh cử kéo dài. Ông ấy có thể tiếp tục với sức mạnh kỳ tích này trong 3 tháng nữa.”

Về phần mình, ông Scholz khẳng định: “Tôi cảm thấy như đã từng xảy ra vào năm 2011 khi lần đầu tiên tôi tranh cử thị trưởng Hamburg.”

Động lực hiện tại cũng khiến ứng cử viên này nhớ đến năm 1998, thời điểm SPD giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và đẩy phe bảo thủ vào thế đối lập khi ông Gerhard Schröder trở thành thủ tướng.

Giới phân tích cho rằng với cục diện khó đoán hiện nay, gần 40% cử tri chưa quyết định ủng hộ đảng nào có thể gây bất ngờ ở phút chót. Vì vậy rất khó để có thể dự đoán liên minh cầm quyền nào sẽ được thành lập sau bầu cử.

Theo kết quả cuộc khảo sát được công bố trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, cứ 10 người dự định bỏ phiếu vào này 26/9, thì có 4 người vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Giáo sư chính trị học Thomas Gschwendat tại Đại học Mannheim chia sẻ: “Chúng tôi có 3 thay vì 2 đảng đang cố gắng để giành chức thủ tướng. Và điều này là không rõ ràng lắm - hay đúng hơn là khó có thể có thể dự báo một liên minh cầm quyền sẽ được thành lập giữa những đảng nào. Vì vậy, tôi có thể hiểu rằng thật khó để quyết định."

Theo các nhà phân tích, tỷ lệ ủng hộ của các đảng phái ở Đức chênh nhau không đáng kể, cho thấy khả năng cao sẽ không một đảng nào giành đủ 50% số ghế trong quốc hội để tự thành lập chính phủ sau bầu cử.

Trong tình huống này, những đảng nhỏ hơn như FDP và đảng Cánh tả vẫn luôn là “ẩn số” khó lường, trở thành yếu tố quyết định cơ cấu của liên minh cầm quyền cũng như ai sẽ là người lãnh đạo nước Đức.

Cho đến nay, ứng cử viên SPD bày tỏ mong muốn lập liên minh với đảng Xanh và bà Baerbock cũng ủng hộ việc hợp tác với ông Scholz sau cuộc bầu cử tới. Tuy nhiên, trong các phát biểu, cả hai chính khách này đều không đề cập tới đảng Cánh tả.

Trong khi đó, tại đại hội bất thường diễn ra ngày 19/9, Chủ tịch đảng FDP Christian Lindner lại bày tỏ khả năng ủng hộ một liên minh với CDU/CSU và đảng Xanh, còn gọi là “liên minh Jamaica.”

Trong một động thái khác, ứng cử viên Laschet tuyên bố rằng ngay cả khi về nhì, ông sẽ cố gắng tập hợp một liên minh với đảng Xanh và đảng ủng hộ doanh nghiệp FDP.

Liệu sẽ có liên minh ba đảng?

Về phần mình, đề cập đến khả năng thành lập chính phủ, Thủ tướng Merkel phản đối việc hình thành một liên minh giữa ba đảng gồm SPD, đảng Xanh và đảng Cánh tả, nhấn mạnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu cần một nền tài chính vững chắc do nợ mới ở mức cao vốn phát sinh do đại dịch COVID-19 .

Bà cảnh báo một liên minh Đỏ-Xanh-Đỏ như vậy có thể khiến châu Âu có nguy cơ rơi vào gánh nợ kéo dài, không chỉ là vay nợ một lần để bổ sung cho quỹ tái thiết châu Âu như hiện nay.

Nhà sử học và xã hội học Rainer Zitelmann cho rằng liên minh chính phủ lý tưởng nhất với kinh tế Đức sẽ là liên minh giữa CDU/CSU và FDP.

Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, việc hai đảng đó hợp lại chắc chắn vẫn không đủ đa số phiếu, và sẽ cần thêm một đảng thứ ba, có thể là SPD hay đảng Xanh. Những kịch bản liên minh đó không được lý tưởng cho lắm, nhưng vẫn chấp nhận được.

Ngược lại, theo ông, những liên minh cánh tả sẽ khiến kinh tế Đức lao dốc bởi tất cả các đảng cánh tả đều đòi tăng thuế và nâng tỷ lệ chi tiêu của chính phủ. Hiện tại, tỷ lệ chi tiêu của Chính phủ Đức đã ở mức rất cao, chiếm tới 45% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Cho tới lúc này, mọi khả năng thành lập một liên minh cầm quyền ở Đức vẫn đều bỏ ngỏ.

Không loại trừ khả năng các cuộc mặc cả có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, giống như cuộc tổng tuyển cử năm 2017 khi các đảng phải cần tới 171 ngày mới có thể thành lập được liên minh cầm quyền./.

Theo Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.