Châu Âu tìm người dẫn dắt thay thế bà Merkel

Khi người Đức bầu tân Thủ tướng vào ngày 26/9, châu Âu cũng sẽ phải chọn ra một “người dẫn dắt” mới thay Merkel, song chưa ai thật sự thế chỗ được bà.

Trong gần 16 năm lãnh đạo nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel thực tế đã trở thành người đại diện cho châu Âu trên trường quốc tế và là “nhà trung gian” quyền lực quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), điều đã được chứng minh qua vô số cuộc đàm phán đêm khuya và những cuộc khủng hoảng khu vực.

Khi bà Merkel kết thúc nhiệm kỳ sau cuộc bầu cử, Đức vẫn sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng to lớn của mình ở EU. Tuy nhiên, kinh nghiệm và danh tiếng của Merkel đã giúp bà xây dựng được sức ảnh hưởng mà không ai trong số những gương mặt kế nhiệm tiềm năng có thể sánh được.

Việc bà rút lui về hậu trường cũng lần đầu tiên trong một thập kỷ tạo ra cơ hội để các lãnh đạo khác của EU khẳng định bản thân và tầm nhìn của họ đối với châu Âu.

Châu Âu tìm người dẫn dắt thay thế bà Merkel

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trước Hạ viện ở Berlin hồi tháng 6. Ảnh: Reuters.

Một số cái tên đáng chú ý đã xuất hiện trong cuộc đua. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, sau Đức, đã cố gắng thể hiện suốt nhiều năm để trở thành “người dẫn dắt” thay thế Merkel. Thủ tướng Italy Mario Draghi, người đã “cứu” đồng euro khi còn là chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng có một số phẩm chất cần thiết cho vai trò này.

Nhưng nhiều nhà phân tích, chính trị gia và nhà ngoại giao đồng tình rằng cả hai người chưa thực sự đủ khả năng “đi vừa chiếc giày” của Thủ tướng Merkel. Thay vào đó, theo họ, cuộc cạnh tranh còn có thể xuất hiện những gương mặt khác như Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez hay Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Tất cả họ đều là nam giới.

“Việc Merkel rời chính trường đã tạo ra một chỗ khuyết trong vai trò lãnh đạo, một lỗ hổng ở trái tim của châu Âu”, Giovanni Orsiana, giám đốc Trường Quản lý nhà nước thuộc Đại học Luiss Guido Carli ở Rome, Italy, nhận xét.

Sẽ có những thay đổi rõ rệt trong cán cân quyền lực và các lãnh đạo châu Âu khác sẽ phải đứng lên đảm nhận vai trò mà Thủ tướng Merkel để lại, theo một nhà ngoại giao cấp cao EU.

“Nó không thể được thực hiện chỉ bởi một người, đó là công việc của một nhóm người”, ông nói.

Merkel dự kiến chưa rời nhiệm sở ngay sau cuộc bầu cử. Kết quả bỏ phiếu có thể không rõ ràng và các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền có thể kéo dài đến cuối năm hoặc lâu hơn. Merkel sẽ tiếp tục giữ tư cách thủ tướng lâm thời Đức cho đến khi chính phủ mới được thành lập.

Sau đó, bất kỳ ai kế nhiệm bà trong ba ứng viên Armin Laschet từ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức, Olaf Scholz từ đảng Dân chủ Xã hội Đức và Annalena Baerbock từ đảng Xanh, sẽ cần thời gian để ổn định cũng như thiết lập bộ máy trước khi họ có thể thể hiện bản thân ở châu Âu và quốc tế.

Nếu Anh vẫn còn là thành viên EU, vai trò “người dẫn dắt” hoàn toàn có thể được chuyển đến London. Nhưng hậu Brexit, Anh không thể trở thành tiếng nói đại diện cho châu Âu.

Vì thế, không ít người đang hướng về phía Paris.

“Cuộc bầu cử Đức sẽ được Pháp coi là cơ hội để họ thiết lập lại vị thế. Bất kỳ ai lên nắm quyền ở Đức cũng sẽ có vị thế kém hơn Tổng thống Macron và nhờ đó, ảnh hưởng của Pháp ở châu Âu sẽ gia tăng”, Nicholas Dungan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.

Macron đã chuẩn bị cho thời khắc này. Ông không ít lần tìm cách nhấn mạnh vào kinh nghiệm chính sách đối ngoại của mình, tạo ra tương phản với các ứng viên thủ tướng Đức, những người đã dành hầu hết các cuộc tranh luận trên truyền hình để tranh cãi về chính trị trong nước.

Macron đã dành nhiều năm vạch ra tầm nhìn của mình với châu Âu.

Năm 2017, sau cuộc bầu cử ở Đức, ông có một bài phát biểu tại Đại học Sorbonne, lập luận rằng phản ứng tốt nhất trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc là thừa nhận những thiếu sót của EU như “quá yếu, quá chậm và quá kém hiệu quả”, sau đó, nỗ lực để khiến khối mạnh mẽ và đoàn kết hơn.

Châu Âu tìm người dẫn dắt thay thế bà Merkel

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron gặp mặt tại Điện Elysee, Paris ngày 16/9. Ảnh: AFP.

Ông đã nhấn mạnh chủ đề này nhiều lần. Nhưng các đề xuất của ông, như hợp nhất nền quốc phòng châu Âu, cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro zone), xây dựng chính sách tị nạn chung và áp thuế mới đối với những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, lại không được các thành viên đón nhận nhiệt tình.

Tổng thống Pháp mới đây đã lấy cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ ở Afghanistan và thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân gây tranh cãi giữa Mỹ, Anh với Australia làm dẫn chứng để nhắc lại lời kêu gọi xây dựng vị thế “độc lập chiến lược” cho châu Âu.

Các lãnh đạo EU khác đã nói họ đứng về phía Pháp trong tranh cãi về thương vụ tàu ngầm Australia và họ cũng thất vọng không kém về những diễn biến ở Afghanistan. Tuy nhiên, ý tưởng về việc hợp nhất quốc phòng EU vẫn còn rất xa vời.

Vai trò của Macron với tư cách lãnh đạo châu Âu nhiều khả năng còn phụ thuộc vào những tiến bộ mà ông đạt được sau khi Pháp hồi tháng một tiếp quản nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên kéo dài 6 tháng của Hội đồng Liên minh châu Âu, cũng như cách ông thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4 năm sau. Đối thủ cạnh tranh chính của ông, ứng viên cực hữu Marine Le Pen, có quan điểm hoàn toàn khác về EU.

“Hiện tại, Macron có công cụ và cơ hội để lấp khoảng trống Merkel để lại”, một quan chức EU nói. “Nhưng Macron sẽ chỉ ở lại vị trí đó nếu ông ấy thể hiện được khả năng của mình, thu hẹp được khoảng cách giữa đông và tây cũng như cách biệt giữa tất cả mọi người. Đó là cách Merkel làm việc”.

Hồi tháng 7, tờ Politico gọi Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Italy Draghi là “cặp đôi quyền lực mới” của châu Âu. Hai người, cách nhau 30 tuổi, đều là cựu chuyên viên ngân hàng đầu tư và là những người thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của EU, hướng tới xây dựng một EU hội nhập tài chính hơn.

“Tôi nghĩ rằng trong giai đoạn mới này, vai trò lãnh đạo có thể được đảm nhận bởi tập thể”, Sandro Gozi, chính trị gia kỳ cựu người Italy, hiện đại diện cho Pháp tại Nghị viện châu Âu. “Tôi thấy Macron và Draghi là hai gương mặt chính”.

Ban đầu, EU có thể được lãnh đạo Pháp và Italy cùng dẫn dắt, nhưng sau đó, thế kiềng ba chân sẽ hình thành với sự tham gia của Đức, Gozi dự đoán. Thực tế, nhiều nhà quan sát cũng đánh giá Tổng thống Macron sẽ cần Đức hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa những kế hoạch tham vọng nhất của mình.

Draghi lâu nay vẫn nỗ lực để đảm nhận một vai trò lãnh đạo lớn hơn ở EU, theo giới quan sát. Ông là một trong những lãnh đạo tích cực nhất ở châu Âu đưa ra phản ứng về chiến dịch rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan, thúc đẩy một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của G20 về vấn đề này, chỉ trích lập trường không thống nhất của EU về việc chấp nhận người tị nạn và điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về nỗ lực sơ tán.

Hồi tháng ba, Draghi gây chú ý khi ngăn xuất khẩu một lô vaccine AstraZeneca từ EU, trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt trong khối. Ông cũng đề xuất về việc huy động 235 tỷ USD để đưa EU hồi phục hậu đại dịch Covid-19.

Nhưng vai trò lãnh đạo của Draghi có thể bị tác động bởi chính quy mô và tầm ảnh hưởng của đất nước ông.

Châu Âu tìm người dẫn dắt thay thế bà Merkel

Thủ tướng Italy Draghi (bên trái) và Tổng thống Pháp Macron đi bộ cùng nhau trước khi bước vào ăn tối ở Marseille, Pháp, ngày 2/9. Ảnh: AP.

“Vấn đề đã tồn tại lâu nay không chỉ nằm ở việc bạn là ai mà còn ở việc bạn lái xe gì”, Orsina từ Đại học Luiss Guido Carli cho hay. “Có những thứ bạn chỉ có thể làm nếu bạn là người Đức, nếu không mọi việc sẽ rất khó khăn”.

Sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Merkel vẫn rất mạnh mẽ trên khắp châu Âu. Một cuộc khảo sát gần đây do Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại thực hiện đã hỏi người dân tại 12 nước EU về việc họ sẽ chọn Macron hay Merkel trong một cuộc bầu cử giả định. Merkel được chọn ở tất cả các nước, bao gồm cả Pháp. Điều này cho thấy vai trò của bà đối với EU thực sự khó thay thế, giới chuyên gia nhận định.

Theo VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.