Bầu cử Thái Lan: Chính phủ bảo vệ quyết định kiểm lại phiếu bầu

Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu nhấn mạnh việc kiểm phiếu lại sẽ không ảnh hưởng đến lộ trình tổng thể của cuộc tổng tuyển cử, vì hạn chót để EC xác nhận kết quả bầu cử là vào ngày 13/7.

Bầu cử Thái Lan: Chính phủ bảo vệ quyết định kiểm lại phiếu bầu

Các tình nguyện viên kiểm tra phiếu bầu trước cuộc tổng tuyển cử, tại Bangkok, Thái Lan, ngày 13/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/6, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam khẳng định việc kiểm phiếu lại tại một số điểm bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến thời hạn Ủy ban Bầu cử (EC) đưa ra kết quả cuối cùng vào giữa tháng 7 tới.

Ông Wissanu Krea-ngam đưa ra tuyên bố trên sau khi EC yêu cầu kiểm lại phiếu bầu của các nghị sỹ đắc cử tại 47 điểm bỏ phiếu tại 16 tỉnh, thành phố khi phát hiện rằng tổng số phiếu bầu cho các ứng cử viên không khớp với số người đã đi bỏ phiếu.

Trong số 47 điểm bỏ phiếu, 16 điểm đã được yêu cầu kiểm lại phiếu bầu cho các Hạ nghị sỹ theo khu vực bầu cử, trong khi 31 điểm phải kiểm lại phiếu bầu cho các nghị sỹ theo danh sách đảng.

Phó Thủ tướng Wissanu nhấn mạnh việc kiểm phiếu lại sẽ không ảnh hưởng đến lộ trình tổng thể của cuộc tổng tuyển cử, vì hạn chót để EC xác nhận kết quả bầu cử là vào ngày 13/7.

Theo các quy tắc bầu cử hiện hành, EC có 60 ngày kể từ ngày bầu cử để chính thức công bố kết quả bầu cử bằng cách xác nhận ít nhất 95% tổng số nghị sỹ đắc cử.

Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong cho biết kết quả bầu cử có thể sẽ được thông qua trước thời hạn.

Các đối tác liên minh của đảng Tiến bước (MFP) - đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất theo kết quả kiểm phiếu không chính thức, đang thúc đẩy EC nhanh chóng thông qua kết quả để MFP có thể tiếp tục các chương trình nghị sự của mình với vai trò hiện là người đứng đầu liên minh tiềm tàng để thành lập chính phủ mới.

Ông Karoonpon Tieansuwan, phó phát ngôn viên của MFP, cho rằng việc kiểm phiếu lại sẽ ảnh hưởng đến số phiếu bầu mà MFP đã nhận được.

Một bộ phận không nhỏ người dân Thái Lan cũng đang thúc giục EC xác nhận kết quả bầu cử càng sớm càng tốt vì cho rằng bất ổn chính trị kéo dài có thể làm tổn hại niềm tin của các nhà đầu tư và ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) Kriengkrai Thiennukul bày tỏ lo ngại sự chậm trễ trong việc thành lập chính phủ mới có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan từ 1-1,5 điểm phần trăm.

Theo ông, vì du lịch hiện là ngành chính thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan trong năm nay, nên việc thành lập chính phủ chậm trễ sau tháng 8/2023 có thể khiến du khách nước ngoài không muốn đến Thái Lan vào cuối năm nay.

Điều này sẽ có tác động ngắn hạn đến tăng trưởng kinh tế, dẫn đến việc điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GDP xuống còn từ 2-2,5% so với mức dự kiến là 3-3,5%.

Ngoài ra, có thể có những hậu quả lâu dài, chẳng hạn như các nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng đầu tư sang các nước khác trong khu vực.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.