“Bảy năm lấy chồng thèm một lần về ăn tết nhà ngoại”

Suốt bảy năm làm dâu, chỉ duy nhất một lần hai mẹ con tôi được về ăn tết nhà ngoại, nhưng vẫn bị bố mẹ chồng thái độ ra mặt.

"Tôi năm nay 33 tuổi, lấy chồng đến nay đã được bảy năm, có một con gái 5 tuổi và đang sống chung với bố mẹ chồng. Nhà chồng cách nhà đẻ của tôi gần 300 km. Suốt bảy năm làm dâu, chỉ có duy nhất một lần (khi con gái gần 2 tuổi) là tôi được về ăn tết với bố mẹ đẻ từ 28 đến mùng ba (chỉ có hai mẹ con về ngoại còn chồng tôi ở lại lo việc nhà nội).

Lần đó, tôi xin mãi mới được chấp thuận, nhưng bố chồng vẫn bằng mặt mà không bằng lòng, còn mẹ chồng thậm chí còn không thèm nhìn mặt và giận không nói câu nào với tôi suốt cả tháng Giêng. Thế nên các năm khác, tôi chỉ dám về ngoại từ mùng hai, thế nhưng mẹ chồng cũng tỏ thái độ không vui vẻ gì.

Cả năm ở chung với nhà chồng ít nhất 340 ngày, ngày nào cũng ăn cơm chung ít nhất một bữa, nhưng ngày lễ, tết nào bố mẹ chồng (nhất là mẹ chồng) tôi cũng không muốn cho chúng tôi đi về ngoại. Họ chỉ muốn con cái phải ở nhà hết, trong khi chồng tôi đã 40 tuổi và em gái chồng 32 tuổi (chưa lấy chồng).

Điều đáng nói là mẹ chồng tôi đã gần 70 tuổi, bố chồng hơn một chút nhưng cả hai đều rất khỏe mạnh, không có có bệnh tật gì. Nhà tôi lại có giúp việc, ông bà cũng không phải chăm cháu ngày nào, việc lớn bé trong nhà tôi lo hết, vậy mà họ vẫn nặng nhẹ mỗi khi tôi muốn về thăm nhà đẻ. Bố mẹ chồng còn nhất quyết không cho vợ chồng tôi ra ở riêng. Nếu chúng tôi tự ý làm gì mà không đúng ý ông bà là sẽ bị giận dỗi, nói này nói nọ rất khó nghe. Nhiều khi tôi nghĩ thấy rất tủi thân".

Đó là chia sẻ của độc giả Mainguyen về câu chuyện ăn tết nhà ngoại. Quan điểm này ngày càng xuất hiện nhiều ở những cặp vợ chồng trẻ khi tư tưởng bình đẳng giới được tôn trọng hơn. Tuy nhiên, với nhiều người thuộc thế hệ lớn tuổi hơn, phần lớn lại không có suy nghĩ cởi mở, tiến bộ được như vậy.

Cũng mang nhiều trăn trở khi phụ nữ lấy chồng khó về ăn tết nhà ngoại, bạn đọc Mei Mei kể về trường hợp của gia đình mình: "Chị gái tôi lấy chồng ở ngay đối diện nhà tôi. Thế nhưng, cứ đến tết là tôi chỉ nhìn thấy mặt chị một lúc vào tối 30 và trưa mùng một. Chị chỉ tranh thủ đảo qua nhà xem bố mẹ chuẩn bị giao thừa như thế nào và chúc mọi người được một câu.

Còn lại, cả tết tôi không thấy chị đâu nữa. Vì nhà chồng chị hết về quê nội, lại tới cỗ bàn bên anh chị em đằng chồng các kiểu. Suốt mười mấy năm rồi mà tết nào chị cũng tất bật lo chuyện nhà chồng như vậy. Lắm khi tôi muốn mừng tuổi hai đứa con chị cũng phải đợi mấy ngày, cho qua tết mới có cơ hội gặp chị".

Trong khi đó, với tư tưởng cởi mở hơn về chuyện ăn tết nhà ngoại, độc giả Duy Tuấn bày tỏ: "Tôi lấy vợ quê ở Thái Bình đã hơn 17 năm nay. Thế nhưng, năm nào tôi cũng đưa cả gia đình về quê vợ ăn tết. Thường là cứ mùng hai, tôi lái xe đưa cả nhà về quê vợ, đến ngày cuối cùng được nghỉ mới quay lại Hà Nội. Thực ra, người háo hức nhiều khi là tôi chứ không phải vợ. Tôi nghĩ rằng, cả năm làm việc, học tập mệt mỏi, đây cũng là dịp để cả nhà nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng nên muốn về quê vợ".

Đồng quan điểm, bạn đọc Hien Le bình luận: "Tôi lấy chồng cách nhà 200 km, nói gần thì không gần, xa cũng không hẳn xa. May mắn, cả chồng và mẹ chồng tôi đều rất tâm lý và tuyệt vời. Kể ra việc ăn tết ở đâu cũng chủ yếu do tôi tự quyết định. Có điều, do chồng tôi là con một, mẹ chỉ có mỗi anh, nên thành ra tôi vẫn ưu tiên đón tết ở nhà chồng trước, qua mùng ba mới về ngoại, vì nhà tôi đông anh em hơn.

Theo tôi, muốn gia đình ấm êm, thì cả vợ lẫn chồng đều phải suy nghĩ cho nhau, bên nội cũng như bên ngoại. Đừng chỉ chăm chăm suy nghĩ con dâu thì phải ở nhà chồng phục vụ nguyên cái tết, còn muốn về nhà đẻ lại phải xin phép. Nếu cái tối thiểu là tôn trọng lẫn nhau mà không có, vậy hôn nhân liệu có bền lâu?".

Ủng hộ giới trẻ trong việc tự do lựa chọn ăn tết nhà nội hay nhà ngoại, độc giả Trannguyennhung kết lại: "Nội hay ngoại cũng nên bình đẳng bởi tết rất thiêng liêng với mọi người Việt. Song, ngày nay, vẫn còn nhiều suy nghĩ lạc hậu nên chúng ta cũng cần quan tâm đến phong tục tập quán của từng địa phương, từng gia đình để cân đối sao cho phù hợp, linh hoạt chứ đừng cứng nhắc theo một phía.

Trong đó, người chồng cần có quyết định sáng suốt hơn cả. Nếu về ngoại ăn tết thì nên thông suốt trước với cha mẹ chồng, đặc biệt quan tâm tâm lý của họ để xem họ muốn gì và phân tích rõ ràng thiệt hơn. Ngoài ra, các bạn có thể mua sắm, mừng tuổi bố mẹ chồng để động viên họ, từ đó giảm bớt căng thẳng trong việc tết nội - tết ngoại".

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói