Hà Nội thực hiện chi trả hỗ trợ tiền mặt cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Theo đó, Nghị quyết 126/NQ-CP đã nới lỏng điều kiện và mở rộng thêm nhiều đối tượng trong gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng.
Mở rộng đối tượng hỗ trợ tiền mặt
Nghị quyết 126/NQ-CP đã mở rộng đối tượng hỗ trợ tiền mặt cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động.
Thay vì quy định cụ thể các đối tượng được hỗ trợ là “người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp,” Nghị quyết 126 chỉ quy định đối tượng được hỗ trợ là “người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc."
Theo đó, lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng được hỗ trợ mức 1,855 triệu đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3,71 triệu đồng/người. Lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người.
Đối với chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho lao động bị ngừng việc, Nghị quyết 126 bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ là các lao động phải điều trị COVID-19.
Nghị quyết cũng bổ sung thêm người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) hoặc phải cách ly y tế theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Đối với chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ kinh doanh, Nghị quyết 126 bổ sung thêm các đối tượng: Hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Nghị quyết 68/NQ-CP quy định điều kiện được nhận các chính sách hỗ trợ là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thể quyền để phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nghị quyết 126/NQ-CP đã quy định rõ hơn điều kiện này khi bổ sung thêm các trường hợp được hỗ trợ có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Nới lỏng điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp
Để tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tiếp cận chính sách hỗ trợ, Nghị quyết 126/NQ-CP đã bỏ điều kiện “người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” khi vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với lãi suất 0%. Việc nới lỏng điều kiện vay vốn này sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động.
Nghị quyết mới cũng đã nới lỏng điều kiện để tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người sử dụng lao động. Cụ thể, đối tượng là người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 (thay vì tháng 4/2021 như quy định cũ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động (thay vì 15% như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP) tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 1/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị./.