Cán bộ, chiến sỹ Hải đội 102 phát tờ rơi tuyên truyền về ngăn chặn hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp cho người dân Nghi Xuân.
Một ngày tháng 9/2021, tại cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Hải đội 102 (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) đã phối hợp với Huyện đoàn Nghi Xuân, Đồn Biên phòng Lạch Kèn tổ chức đợt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về IUU cho bà con ngư dân xã Xuân Hội.
Các cán bộ, chiến sỹ đã lên từng tàu, thuyền của bà con đang nằm bờ để tuyên truyền, cấp phát trên 200 tờ rơi “Những điều ngư dân cần biết về IUU”, tặng 100 lá cờ Tổ quốc, 600 khẩu trang y tế và 15 suất quà, trị giá mỗi suất 500.000 đồng (bao gồm các nhu yếu phẩm mì tôm, dầu ăn, muối, mì chính) cho các ngư dân khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 của xã.
Ngư dân Đào Văn Hải chia sẻ: “Được tuyên truyền, giải thích một cách cặn kẽ về IUU, chúng tôi càng ý thức được trách nhiệm của mình hơn khi hành nghề trên biển, không sang vùng biển của nước khác đánh bắt thủy hải sản, chấp hành nghiêm về những quy định của Nhà nước về đánh bắt trên biển”.
Trung tá Trương Văn Hùng - Chính trị viên Hải đội 102 cho biết: "Là đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện Nghi Xuân, thời gian qua, Hải đội 102 đã chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các cơ quan của địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động bà con ngư dân các xã hiểu rõ các quy định của pháp luật, những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Qua các đợt tuyên truyền, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Bà con không chỉ quan tâm cải hoán tàu thuyền, khai thác có trách nhiệm, mà còn thành lập được nhiều tổ đội hợp tác đánh bắt trên biển để tương trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ môi trường biển…”.
Cán bộ, chiến sỹ Hải đội 102 tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân xã Xuân Hội.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hội Trịnh Quang Luật: Toàn xã hiện có 125 phương tiện hoạt động khai thác hải sản trên biển, trong đó 84 chiếc có lắp máy, 16 tàu chuyên đánh bắt xa bờ… Gần 4 năm qua, những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC vẫn gặp nhiều trở ngại do nhiều người vì lợi ích cá nhân mà làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của đất nước.
Do vậy, qua các đợt tuyên truyền như thế này, đã giúp cho người dân hiểu kỹ hơn về Luật Biển Việt Nam, quy định của pháp luật khi tham gia đánh bắt thủy hải sản trên biển, từ đó ý thức được trách nhiệm của mình, góp phần cùng địa phương thực hiện nghiêm Luật Thủy sản và các quy định của EC.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho người dân thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Ảnh tư liệu Canhsatbien.vn
Được biết, đây chỉ là một trong nhiều hình thức mà Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã thực hiện trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận pháp luật cho bà con ngư dân khi đánh bắt trên biển.
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 còn triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm khắc phục các khuyến nghị của EC đưa ra như: thường xuyên duy trì các hệ thống trực trên biển, các tàu trực tại các điểm đảo, kết hợp giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền với việc ngăn chặn tàu thuyền của nước ngoài cũng như tàu của Việt Nam sang vùng biển của nước ngoài đánh bắt hải sản.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Hải quân, Kiểm ngư, Biên phòng, các sở thủy sản của 10 tỉnh, thành phố ven biển phía Bắc trong việc quản lý, nắm bắt thông tin về tàu thuyền của ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác trên biển; thường xuyên đăng ký, theo dõi và thông báo về việc tàu cá của Việt Nam và nước ngoài xâm phạm vùng biển của nhau để đánh bắt hải sản thông qua việc theo dõi trên vệ tinh, định vị, thông qua hệ thống tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của đơn vị.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền về quy định IUU cho ngư dân Quảng Ninh. Ảnh tư liệu Canhsatbien.vn.
Thượng tá Nguyễn Văn Hiển - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết: “Chúng tôi thường xuyên duy trì việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các khu vực biển được phân công, đồng thời tuyên truyền sâu rộng tác hại của việc đánh bắt hải sản không khai báo và không có sự quản lý đối với ngư dân ở trên các vùng biển.
Trong quá trình tuần tra trên biển, những tàu nào tái phạm, vi phạm thì chúng tôi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thông báo về địa phương để cùng với địa phương có biện pháp ngăn ngừa việc tái diễn việc này. Từ đó, góp phần cùng với các địa phương ven biển quản lý tốt việc đánh bắt thủy hải sản theo quy định của chúng ta ở trên biển…”.
Bằng những hành động, việc làm cụ thể, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đang tích cực, nỗ lực cùng với các cấp, ngành, địa phương từng bước góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” cảnh báo của EC; thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành Thủy sản Việt Nam cũng như thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá một cách an toàn, bền vững.