Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh đang rất phức tạp và có khả năng tăng nhanh trong những ngày tới. Bộ Y tế và Bộ phận thường trực đã liên tục làm việc cũng như tăng cường hỗ trợ phòng, chống dịch và giám sát dịch tại TP. Hồ Chí Minh để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Đối với các địa phương đang là điểm nóng dịch bệnh hiện nay (Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang), Bộ Y tế đã thành lập và cử 7 đoàn công tác của Bộ đến hỗ trợ chống dịch tại 7 các địa phương này.
“Để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phải chuẩn bị tất cả các kịch bản, phương án ứng phó phù hợp với mức độ lây lan của dịch bệnh” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng quyết định sẽ ra lời kêu gọi lực lượng cán bộ y tế trên toàn quốc tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.
Đội ngũ gần 10.000 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho TP. Hồ Chí Minh để giúp thành phố đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân”) để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Hiên nay, hơn 3.300 cán bộ, nhân viên y tế thuộc các đơn vị thuộc Bộ Y tế, sinh viên các trường y dược thuộc Bộ Y tế đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động lực lượng y bác sĩ, nhân viên y tế để tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
Dự kiến, Bộ Y tế sẽ thiết lập 24 đoàn công tác cho TP. Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh để phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trong kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Tổng số nhân lực y tế huy động trợ giúp TP. Hồ Chí Minh khoảng 10.000 người.
Cuộc họp kết nối điểm cầu Bộ Y tế với điểm cầu Tổ công tác đặc biệt thường trực của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh:Trần Minh
Về vấn đề xét nghiệm, cuộc họp đã nhất trí cần tăng cường tiếp cận tất cả các loại sinh phẩm, máy và thiết bị xét nghiệm. Cần rà soát lại các quy định, tạo mọi điều kiện cho việc nhập các loại sinh phẩm xét nghiệm (test kit) vào Việt Nam. Đồng thời, cũng tăng cường sản xuất test kit trong nước.
Về chiến lược xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Tại TP. Hồ Chí Minh ưu tiên sàng lọc nhanh 3 ngày/lần tại vùng lõi dịch, vùng phong toả; 7 ngày/lần tại vùng nguy cơ rất cao. Đối với các khu vực khác cần tiến hành lấy mẫu đại diện, giám sát cộng đồng, giám sát tất cả các trường hợp đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm ca bệnh, để cách ly, truy vết và điều trị hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục chuẩn bị sinh phẩm và nâng cao công suất xét nghiệm để phục vụ phòng chống dịch trong thời gian tới.
Đối với công tác điều trị, các chuyên gia nhận định do biến chủng Delta nên tỷ lệ tử vong có thể cao hơn trước và có thể sẽ có nhiều bệnh nhân tử vong hơn so với những đợt dịch trước. Vì vậy, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) đối với bệnh nhân COVID-19 nặng, đồng thời thiết lập 2 trung tâm ICU tại tại Đồng Nai cho khu vực miền Đông Nam Bộ và tại Cần Thơ cho các tỉnh miền Tây để đều trị trị cho bệnh nhân nguy kịch.
Đối với vấn đề cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện đang tích cực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, áp dụng triển khai cách ly linh hoạt tại TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu áp thiết chế cách ly tập trung với vùng lõi dịch, vùng phong tỏa để thực hiện nghiêm phòng lây nhiễm trong các khu vực này, đồng thời áp cách ly tại nhà cho khu vực này.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng kịch bản cho tình huống xấu và rà soát lại tất cả các trang thiết bị, máy thở, máy tim phổi nhân tạo (ECMO), máy thở oxy dòng cao HFNN, kể cả oxy, thuốc, hóa chất, thiết bị phòng hộ… chuẩn bị cho tình huống có nhiều ca bệnh.