Chính quyền thờ ơ, nhà thầu chối bỏ trách nhiệm!

Cầu Linh Cảm bắc qua sông La nối xã Trường Sơn với xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) được khởi công xây dựng vào đầu năm 2008 và đã thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên, khi nhà thầu thi công đường dẫn vào cầu (đoạn phía Bắc, đi qua xóm Vĩnh Khánh 1, xã Trường Sơn đã làm 7 nhà dân bị nứt tường, nền và mái nhà...

Thi công đường dẫn vào cầu Linh Cảm làm nứt nhà dân:

Người dân hoang mang

Công trình cầu Linh Cảm (gồm cầu và đường dẫn 2 đầu cầu) nằm trong Dự án nâng cấp QL 15A, do Ban QLXD Giao thông 4 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Theo các hộ dân bị ảnh hưởng ở đây, cho biết: Vào thời điểm cuối năm 2008, khi nhà thầu tiến hành đổ đất đắp đường và dùng các loại máy móc san ủi và lu lèn trong đó có loại lu rung hạng nặng (25 - 27 tấn khi vận hành - PV), thì bắt đầu xuất hiện hiện tượng lún, dẫn đến nứt nhà của 7 hộ dân, trong đó bị ảnh hưởng nặng nhất là gia đình anh Nguyễn Văn Cường, xóm Vĩnh Khánh 1.

Theo quan sát của chúng tôi, tại nhà anh Cường xuất hiện một vết nứt kéo dài từ ngoài sân vào trong nền nhà. Bức tường phía trước nhà (từ chân tường lên mái nhà) bị nứt tot, có những chổ nứt rộng gần 2 cm làm cho cánh cửa bị lệch và không thể đóng lại được. Vết nứt đã kéo lệch bức tường về phía đường đang thi công. Ngoài ra, bức tường phía sau và trong gian buồng nhà anh Cường cũng xuất hiện nhiều vết nứt do ngôi nhà bị kéo lệch ra phía đường.

Vết nứt nhà anh Cường bắt đầu từ sân...
Vết nứt nhà anh Cường bắt đầu từ sân...

Trao đổi với chúng tôi, anh Cường hết sức hoang mang: "Gia đình tôi gồm 6 người, trong đó có mẹ già năm nay đã 83 tuổi, và 3 đứa con nhỏ sống trong ngôi nhà này. Từ khi nhà bị nứt đến nay, không khi nào gia đình không khỏi lo lắng. Nhiều đêm tôi nằm mà không sao ngủ được, cứ nơm nớp lo sợ nhà sập. Đợt lũ lụt tháng 10/2010 vừa qua, cả gia đình tôi không dám ở trong nhà mà phải đi sơ tán bên nhà hàng xóm".

Chị Hồ Thị Hà - vợ anh Cường tâm sự: Chúng tôi tích góp gần nửa đời người mới làm được ngôi nhà này (xây năm 2005 - PV) và hiện vẫn còn nợ ngân hàng 10 triệu đồng tiền vay làm nhà. Hiện, gia đình chỉ dựa vào 9 sào ruộng khoán. Bản thân chị lại đang mắc căn bệnh bướu cổ, hàng tháng phải điều trị rất tốn kém. Bên cạnh đó, còn phải nuôi 3 con ăn học nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhà cửa nứt toác thế này không biết bấu víu vào đâu để làm lại.

Chính quyền địa phương thờ ơ

Ông Trần Văn Bình, một trong 7 hộ bị ảnh hưởng nứt nhà cho biết: Ngay từ khi chuẩn bị thi công công trình này, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị với UBND xã Trường Sơn đứng ra làm trung gian mời chủ đầu tư và đơn vị thi công tiến hành kiểm tra hiện trạng nhà cửa của các gia đình sống gần công trình (cả 7 hộ gia đình bị ảnh hưởng đều cách công trình từ 7 - 10m) để lập biên bản cam kết nếu sau khi thi công công trình gây ảnh hưởng đến nhà dân thì chủ đầu tư và đơn vị thi công phải có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng.

"Cả Bí thư Đảng ủy Nguyễn Nam Trung và Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Thái Văn Do đều trả lời là cứ yên tâm để cho họ thi công, nếu có vấn đề gì xẩy ra thì xã sẽ đứng ra giải quyết. Những tưởng sau khi xã đã cam kết chắc như đinh đóng cột thì chúng tôi có thể yên tâm. Ai ngờ, khi sự việc xẩy ra thì xã lại thờ ơ như vậy"- ông Bình tâm sự.

... nứt lên cả tường phía cửa chính (có chỗ rộng 2 cm)...
... nứt lên cả tường phía cửa chính (có chỗ rộng 2 cm)...

Sau khi xẩy ra hiện tượng nứt nhà, anh Cường và 6 hộ gia đình bị ảnh hưởng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với xã Trường Sơn nhưng địa phương vẫn không có bất cứ động thái và chỉ đến khi họ buộc phải chặt tre, lập hàng rào kiên quyết ngăn cản không cho nhà thầu thi công thì xã này mới vào cuộc.

Ngày 1/3 vừa qua, UBND xã Trường Sơn đã tổ chức một cuộc họp dân và đơn vị thi công để nghe người dân trình bày sự việc và tìm hướng giải quyết. Theo đó, trong khi chờ cấp trên "hạ hồi phân giải" các hộ dân không được rào đường ngăn cản thi công. Vì tiến độ công trình, các hộ dân hoàn toàn nhất trí.

Đến ngày 10/3, UBND xã lại tiếp tục tổ chức một cuộc họp. Lần này có đầy đủ các thành phần gồm lãnh đạo huyện Đức Thọ, chủ đầu tư và đơn vị thi công cùng với 7 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong kết luận của mình, ông Trần Hữu Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, kết luận: hỗ trợ 6 gia đình bị ảnh hưởng nhẹ mỗi gia đình 1,5 triệu đồng, riêng hộ anh Cường bị nặng hơn hỗ trợ 10 triệu đồng để tu sửa các vết rạn, nứt. Lập tức, cả 7 hộ dân đều không nhất trí với phương án đưa ra tại cuộc họp và không nhận tiền hỗ trợ vì họ đòi phải xử lý công bằng: chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình làm nứt nhà thì phải bồi thường thỏa đáng!

Thiết nghĩ, kết luận đó hơi vội vàng, bởi, đáng lẽ khi sự việc xẩy ra thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đứng ra lập đoàn công tác cùng với chủ đầu tư, đơn vị thi công đi kiểm tra giám định hiện trường, xác định nguyên nhân rồi mới đưa ra phương án xử lý. Đằng này, chỉ vì chính sách yên dân mà chính quyền địa phương đã kết luận áp đặt làm người dân phải chịu thiệt thòi.

Nhà thầu chối bỏ trách nhiệm

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Xây dựng đường bộ số 1, đơn vị thi công tuyến đường dẫn vào cầu, một mực khẳng định, việc sụt lún làm nứt nhà của 7 hộ dân này không phải do thi công mà do địa chất ở khu vực này yếu. Hơn nữa, hầu hết nhà dân ở đây xây dựng không kiên cố nên việc lún nền, nứt nẻ tường nhà là chuyện bình thường. Theo đó, Công ty không có trách nhiệm phải bồi thường mà chỉ hỗ trợ phần nào để họ góp vào mà tu sửa mà thôi. Hơn nữa, việc hỗ trợ là do yêu cầu của địa phương nhằm yên dân. Vả lại, chúng tôi thi công công trình trên địa bàn nên mới chấp nhận việc hỗ trợ như vậy.

... và nứt lan vào trong gian buồng
... và nứt lan vào trong gian buồng

Ông Bùi Đức Đại, Trưởng phòng thẩm định - Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Trước khi thi công một công trình nào đó thì chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công phải có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận, có hồ sơ khảo sát hiện trạng của các công trình lân cận trước khi khởi công; chủ đầu tư phải thuê tư vấn khảo sát lên phương án thi công an toàn, phù hợp.

Cụ thể, đối với công trình đường mà cần phải dùng đến lu rung trong trường hợp gần nhà dân trong phạm vi từ 10 - 20m thì cần phải áp dụng biện pháp đào hào để gảm chấn động mạnh do lu rung gây ra; đối với thi công cầu trong khi đóng cọc tại các trụ cầu, nếu khoảng cách từ trụ cầu đến nhà dân ngoài 50m thì phải kiểm tra hiện trạng công trình lận cận trước khi thi công, trong phạm vi 50m thì đơn vị thi công phải cam kết với người dân nếu bị ảnh hưởng thì đơn vị thi công phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trường hợp đang thi công mà xẩy ra sự cố gây ảnh hưởng đến các công trình nhà dân thì chủ đầu tư và đơn vị thi công phải có ngay biện pháp xử lý sự cố, không để thiệt hại phát sinh. Nếu xác định được việc làm nứt nhà dân do thi công công trình thì đơn vị thi công, chủ đầu tư, đơn vị thiết kế phải chịu trách hiệm bồi thường cho người dân một cách thỏa đáng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast