Hà Tĩnh bùng phát dịch cúm gia cầm!

Hơn 1 năm kể từ lần gần nhất, dịch cúm gia cầm đã trở lại Hà Tĩnh với điểm nóng Kỳ Anh và có thể thêm một địa bàn nữa là Cẩm Xuyên (đang chờ lấy mẫu để xét nghiệm của cơ quan chuyên môn). Theo đó, trong 2 ngày 12 và 13/2, công tác dập dịch đã được triển khai quyết liệt với việc tiêu hủy toàn bộ gia cầm mắc bệnh và gia cầm hiện có ở thôn Đông Tiến thuộc xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh)...

Ngày 13/2, Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, từ ngày 7/2, tại thôn Đông Tiến, xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh) xuất hiện tình trạng gà, vịt chết rải rác không rõ nguyên nhân và chỉ 4 ngày sau, đã có 583 con vịt (của 4 hộ chăn nuôi) ốm chết. Sau khi tiếp nhận tin báo, ngày 11/2, Chi cục đã lấy 3 mẫu xét nghiệm gửi Cơ quan Thú y vùng III và cho kết quả dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1.

Chôn hủy gia cầm mắc bệnh ở thôn Đông Tiến, xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh)
Chôn hủy gia cầm mắc bệnh ở thôn Đông Tiến, xã Kỳ Trinh (Kỳ Anh)

Liền đó, công tác dập dịch nhanh chóng được triển khai với các biện pháp cấp thiết như: thông báo tình hình dịch và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch qua hệ thống loa truyền thanh, tổ chức họp dân và phát tờ rơi cùng các văn bản hướng dẫn chuyên môn; lập cam kết nuôi nhốt gia cầm tại chuồng, không được mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm đối với các hộ có dịch; sử dụng 102 lít hóa chất benkocid, 3,2 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng vùng dịch và các khu vực liên quan; lập chốt kiểm dịch trên tuyến đường độc đạo dẫn vào thôn Đông Tiến; rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm của thôn có dịch (xác định được 1.425 con vịt, 28 con ngan và 1.387 con gà) và toàn xã Kỳ Trinh (hiện có 2.000 con vịt và 17.000 con gà); tạm thời đình chỉ giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn toàn xã Kỳ Trinh.

Triệt để tiêu hủy gia cầm ốm chết...
Triệt để tiêu hủy gia cầm ốm chết...

Ông Trần Hùng - Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trên địa bàn cả nước và trong khu vực, đơn vị đã tham mưu tỉnh, ngành chủ quản hướng dẫn huyện Kỳ Anh ban hành quyết định tiêu hủy ổ dịch tại thôn Đông Tiến (xã Kỳ Trinh). Theo đó, trong 2 ngày 12 và 13/2, toàn bộ số gia cầm của thôn Đông Tiến (1.425 con vịt, 28 con ngan và 1.387 con gà) đã được tiêu hủy triệt để nên có thể nói, ổ dịch này đã được dập tắt hoàn toàn.

Môi trường chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh; thời tiết khắc nghiệt, mưa rét kéo dài trong khi tỷ lệ lưu hành mầm bệnh cao, đặc biệt, từ đầu năm 2011 đến nay, do không có vắc xin nên đàn gia cầm không được tiêm phòng bệnh cúm là những nguyên nhân gây nên dịch cúm gia cầm trên địa bàn Hà Tĩnh.

"Do trong năm 2011 vừa qua không có vắc xin dẫn đến công tác tiêm phòng bệnh không được triển khai (trong khi tỉ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm khá cao, việc vận chuyển và cung ứng con giống để phát triển chăn nuôi sau Tết tăng cao) nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch ở các xã, huyện khác trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao", ông Hùng nhấn mạnh.

Trong khi báo cáo nhận định diễn biến dịch sắp tới của Chi cục Thú y Hà Tĩnh còn chưa ráo mực thì ngày 12/2, đơn vị này tiếp tục nhận được tin báo tại 2 thôn 5 và 6 của xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) cũng xuất hiện tình trạng gia cầm ốm chết với thống kê bước đầu khoảng 647 con. "Chi cục chưa khẳng định dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở Cẩm Xuyên (vì còn phải lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn xét nghiệm) nhưng với những biểu hiện ban đầu chúng tôi không loại trừ tình huống xấu là dịch đã tái phát ở địa phương này", ông Hùng cho biết.

... và tăng cường tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi là những biện pháp quan trọng để sớm bao vây, dập tắt dịch cúm gia cầm
... và tăng cường tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi là những biện pháp quan trọng để sớm bao vây, dập tắt dịch cúm gia cầm

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Tĩnh, tuy dịch cúm gia cầm ở xã Kỳ Trinh đã được khống chế kịp thời nhưng trước diễn biến phức tạp của loại dịch bệnh nguy hiểm này, đơn vị đã đề nghị ngành chủ quản trình UBND tỉnh ban hành quyết định công bố dịch nhằm tăng cường công tác phòng chống cả ở vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp gồm các xã: Kỳ Hưng, Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi và thị trấn Kỳ Anh, đồng thời cũng để làm cơ sở cho việc phòng chống dịch trong tỉnh, đặc biệt là việc trình Chính phủ, Bộ NN&PTNT xuất vắc xin từ nguồn dự trữ quốc gia để tiêm phòng bao vây chống dịch.

"Vấn đề cấp thiết hiện nay cho cả địa phương có dịch hay chưa có dịch là cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống bằng việc tăng cường giám sát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp gia cầm ốm chết để báo cáo với ngành chuyên môn chỉ đạo khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch trong diện hẹp. Một vấn đề quá quan trọng nữa là phải tăng cường kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn tỉnh, nhất là nhập con giống từ ngoài tỉnh hay từ vùng dịch vào địa bàn", ông Hùng khuyến cáo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast