Hiệu quả dự án trồng mới 5 triệu ha rừng ở Hà Tĩnh

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (gọi tắt là dự án 661) là dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 661/QĐ – TTg nhằm đầu tư phát triển rừng toàn diện với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là dân trong và ven rừng; đồng thời gia tăng giá trị thu nhập cho ngành lâm nghiệp.

Để cụ thể hóa chương trình 661 trên địa bàn Hà Tĩnh, ngày 08 – 10 – 1998, UBND tỉnh có Quyết định 1397/1998/QĐUB-NL2 thành lập ban điều hành dự án. Tiếp đó, UBND tỉnh ra quyết định thành lập và ban hành chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của ban điều hành, ban quản lý dự án tỉnh và ban quản lý dự án cơ sở, đồng thời giao nhiệm vụ cho chính quyền các cấp triển khai thực hiện dự án.

Chủ rừng ở Hương Khê chăm sóc rừng phòng hộ - Ảnh: Chính Thu.

Chủ rừng ở Hương Khê chăm sóc rừng phòng hộ - Ảnh: Chính Thu.

Về phạm vi thực hiện, dự án được triển khai trên 525 tiểu khu của 195 xã có rừng và đất lâm nghiệp thuộc 12 huyện, thành, thị trong tỉnh với 14 dự án cơ sở do 7 Ban quản lý rừng phòng hộ, 2 ban quản lý rừng đặc dụng, 5 đơn vị chủ rừng là các doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, còn có 29 tổ chức đơn vị cũng được bố trí nguồn vốn từ chương trình dự án để đầu tư và phát triển rừng.

Qua hơn 10 năm thực thi, chương trình đã giành nhiều kết quả đáng ghi nhận như: trồng mới 61.756 ha/66.950 ha rừng (đạt 92,2% kế hoạch), bảo vệ 523.584/600.000 lượt ha rừng (đạt 87,26% kế hoạch), tạo việc làm và nâng cao đời sống cho 16 ngàn hộ dân (tương đương khoảng 25 ngàn lao động) ở 195 xã có rừng trong tỉnh.

Thông qua dự án, Hà Tĩnh xây dựng thêm 14 vườn ươm (gồm cả giống vô tính và hữu tính), tạo mạng lưới sản xuất, quản lý và cung ứng giống đảm bảo chất lượng, góp phần đưa năng suất rừng trồng từ 5 - 6m3/ha/năm lên 15 - 18m3/ha/năm như hiện nay.

Một số công trình hạ tầng lâm sinh phục vụ công tác trồng rừng cũng đã được đầu tư xây dựng như: đường băng chống cháy rừng, trạm bảo vệ rừng, chòi canh và văn phòng các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng...

Tính chung, tổng vốn đầu tư cho dự án trong hơn 10 năm qua đạt 495,8 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương và thuế tài nguyên của tỉnh là 136,8 tỷ (chiếm 27%), còn lại là nguồn vốn vay ngân hàng, nước ngoài đầu tư, liên doanh liên kết hoặc dân tự bỏ vốn ra trồng (đạt 359 tỷ, chiếm 73%).

Không chỉ thành công trong lĩnh vực trồng rừng (đưa độ che phủ rừng của tỉnh từ 34% năm 1999 lên trên 50% như hiện nay), dự án còn góp phần chuyển dịch mạnh mẽ việc chế biến, tiêu thụ từ gỗ rừng tự nhiên trước đây sang chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng với khối lượng hàng trăm ngàn m3/năm, đưa giá trị xuất khẩu gỗ rừng trồng đạt 15 - 20 triệu USD.

Tuy đã gặt hái nhiều thành công nhưng khách quan mà nói thì quá trình triển khai dự án 661 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đó là việc đầu tư của Nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ (toàn quốc chỉ đóng khung trong một định mức cụ thể: từ 2,5 triệu đồng/ha lên 4 triệu đồng/ha và đến năm 2008 mới nâng lên 6 triệu đồng/ha (gồm cả 1 năm trồng và 3 năm chăm sóc).

Việc khoán bảo vệ rừng chỉ áp dụng cho rừng phòng hộ, đặc dụng khi sử dụng nguồn vốn ngân sách; đối với rừng sản xuất thì hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, chủ rừng tự bỏ vốn bảo vệ. Công tác khoán bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng cũng mang tính chất hỗ trợ (từ 50.000đ/ha/năm trước đây nay nâng lên 100.000đ/ha/năm) không tương xứng với sức lao động người dân bỏ ra.

Dẫu sao, cùng nhờ có nhiều hình thức khoán linh hoạt được áp dụng như: khoán hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng, tổ bảo vệ rừng, lực lượng vũ trang… nên đã góp phần bảo vệ tốt những vùng rừng trọng điểm.

Thông qua việc nhận khoán đã nâng nhận thức công tác quản lý - bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học cho mọi tầng lớp nhân dân nên đã giảm áp lực từ việc khai thác rừng tự nhiên, góp phần giảm số vụ vi phạm lâm luật và số vụ cháy rừng

Năm 2010, Dự án 661 sẽ kết thúc nhưng sự nghiệp trồng rừng ở Hà Tĩnh chưa dừng lại ở đây. Nhận thấy, tầm quan trọng và giá trị kinh tế của rừng, mới đây, UBND tỉnh có chủ trương và giao cho Sở NN&PTNT xây dựng dự án phục hồi, quản lý bền vững rừng phòng hộ do tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ. Đồng thời , Hà Tĩnh sẽ nối tiếp thực hiện Dự án phát triển rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ - TTG ngày 10 – 9 - 2007 của Thủ tướng Chính phủ; Dự án nâng cao lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và xây dựng một số dự án khác nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển sử dụng rừng liên tục và bền vững trên địa bàn tỉnh ta.

(P. Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast