"Nước của ta làm giàu đất của ta"...
Trong tuyên cáo đầu tiên trước quốc dân, đồng bào vào sáng ngày 28 - 8 -1945, Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu gồm 11 bộ, trong đó có Bộ Giao thông - Công chính chuyên trông coi các chuyên ngành giao thông, thủy lợi và bưu điện. Kể từ đó đến nay, trải qua 65 năm hình thành và phát triển, ngành thủy lợi cả nước nói chung, thủy lợi Hà Tĩnh nói riêng đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và tỉnh nhà.
Nhìn về lịch sử, tuy ngành thủy lợi mới tròn 65 tuổi nhưng công tác thủy lợi thì đã có từ xa xưa. Vào thời Vua Hùng dựng nước, tinh thần kiên nhẫn đấu tranh chống chọi với thiên nhiên của tổ tiên đã được khái quát hóa trong câu chuyện thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh.
![]() |
Trạm bơm Linh Cảm - công trình đại thủy nông đầu tiên ở Hà Tĩnh về trạm bơm không ngừng phát huy hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất |
Chuyện rằng, cứ mỗi lần Thủy Tinh dâng nước lên, Sơn Tinh càng đắp cao thêm núi, quyết thắng Thủy Tinh, bảo vệ nhân dân khỏi bị ngập lụt (lúc này người Việt không còn chỉ biết đốt phá đốt phá nương rẫy, hái lượm, săn bắt trên đồi mà đã tràn xuống đồng bằng, tụ tập và định cư trên một địa bàn rộng, gần các sông ngòi lớn, đào mương, đắp đê, cày cấy, chăn nuôi).
Từ đó đến nay, trải hơn bốn ngàn năm lịch sử, các thế hệ người Việt đã không ngừng nghỉ với cuộc chinh phục thiên tai, bão lụt, tố lốc và nắng hạn.
Khoảng giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, dù đang sống dưới ách "một cổ hai tròng" nhưng Hà Tĩnh đã làm cho cả nước phải thán phục với kỳ tích đắp đê La Giang để bảo vệ mùa màng và tính mạng cho nhân dân các huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh. Sau thời gian này, một số công trình thủy lợi nhỏ như: đập Nhâm Xá, đập Hòa Dục, cống Đồng Huề, đê Hói Bải, đê Song Phượng lần lượt ra đời, góp phần tưới cho 200 ha đồng ruộng.
![]() |
Hồ chứa nước sông Trí - biểu tượng mới về chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật trong thi công công trình thủy lợi ngày nay |
Kháng chiến chống Pháp thành công, công tác thủy lợi tập trung hàn gắn, khôi phục công trình bị giặc phá hỏng, xây dựng một số công trình thủy nông nhỏ, đồng thời tập trung tu bổ nâng cấp hệ thống đê điều.
Năm 1959, sau gần 4 năm kể từ khi Chính phủ tách Bộ Giao thông Công chính thành Bộ Giao thông - Bưu điện và Bộ Thủy lợi - Kiến trúc, Quốc hội lại quyết định tách Bộ Thủy lợi - Kiến trúc thành hai; theo đó, ở cấp tỉnh, hình thành các ty thủy lợi. Bấy giờ, Hà Tĩnh một mặt chăm lo khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, mặt khác tập trung xây dựng một số công trình hồ, đập nhỏ như: Khe Lang (1959), Thượng Tuy (1960), Cây Trường (1961), Cây Sông (1962).
Đặc biệt hơn cả vẫn là sự kiện ngày 26 - 3 - 1963, tỉnh ta đã khởi công xây dựng Trạm bơm Linh Cảm gồm 6 tổ máy với tổng công suất 60 ngàn/m3/h, đảm bảo tưới cho 17.200 ha đất nông nghiệp của 3 huyện Đức Thọ, Can Lộc và Bắc Thạch Hà. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất tính đến thời điểm đó và đã nhanh chóng mang lại hiệu quả lớn trong sản xuất nông nghiệp cho các vùng trọng điểm lúa phía Bắc tỉnh nhà, để đến hôm nay, sau gần 50 năm xây dựng, nó vẫn còn nguyên giá trị thuở nào.
Thời kỳ giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, dù trong mưa bom bão đạn nhưng một số công trình hồ, đập ở tỉnh ta vẫn ra đời như: hồ Đá Cát (Kỳ Anh), Cù Lây - Trường Lão (Can Lộc), Khe Cò (Hương Sơn), Bộc Nguyên (Cẩm Xuyên); tuyến đê La Giang có chiều dài 19,2km cũng được nâng cấp, mở rộng.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, ngành thủy lợi Hà Tĩnh sang trang mới với công trình Đại Thủy nông Kẻ Gỗ có dung tích chứa 345 triệu m3 nước và một hệ thống kênh mương hiện đại. Từ đây, hồ Kẻ Gỗ đã thành một bức tranh đẹp của phương châm "Nhà nước và nhân dân, TW và địa phương cùng làm", là biểu tượng của ý chí tự lực, tự cường kết hợp với khoa học công nghệ.
Kẻ Gỗ đã đổi đời cho một vùng quê rộng lớn. Nước Kẻ Gổ đã xóa tan những mái nhà tranh xơ xác, đất cằn đá sỏi, nghèo đói cơ cực quanh năm để thay bằng những xóm làng đỏ tươi màu ngói, trù phú, yên vui, hạnh phúc.
Thành công từ Kẻ Gỗ đã tạo thêm động lực để tỉnh ta tiếp tục triển khai nhiều công trình thủy lợi mới như: trạm bơm Nghi Xuân, hồ sông Rác và hàng loạt trạm bơm điện lớn nhỏ của các hợp tác xã, tạo nên một hệ thống tươi tiêu đồng bộ, hoàn chỉnh, góp phần thay đổi diện mạo cuộc sống nông thôn tỉnh nhà.
Năm 1991, Nghệ Tĩnh được chia tách, Hà Tĩnh trở về với không ít khó khăn, nhất là cơ sở vật chất ban đầu và bộ máy cán bộ, nhưng với bề dày truyền thống, ngành thủy lợi đã nhanh chóng ổn định tổ chức để tiếp tục phát triển.
Với tinh thần tự lực, kết hợp sự giúp đỡ của Bộ cùng các tỉnh bạn, ngành tiếp tục triển khai thành công các công trình hồ Khe Dẻ, hồ Cao Thắng, hồ Thiên Tượng...
Ngày 10 - 6 - 1996, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh ra đời trên cơ sở sát nhập sở nông nghiệp, sở lâm nghiệp, sở thủy lợi và chi cục muối. Kế thừa kết quả đạt được kết hợp với phát huy sức mạnh của sơ đồ tổ chức mới, ngoài các nhiệm vụ truyền thống là cấp nước cho cây trồng - vật nuôi, PCLB, cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư, ngành NN&PTNT còn thỏa mãn các nhu cầu dùng nước cao hơn cả về số lượng và đối tượng phục vụ, nhất là nước cho các khu đô thị, các khu công nghiệp lớn, đặc biệt là chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ năm 2005 đến nay, Thủy lợi Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh với hai công trình lớn là hồ chứa nước Xuân Hoa và hồ thượng nguồn sông Trí. Sự ra đời của hai hồ chứa lớn nằm ở hai địa bàn ách yếu về nguồn nước tiếp tục cho thấy quyết tâm vắt đất ra nước, thay trời làm mưa của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật toàn ngành.
Hiện nay, cùng với tập trung dự án nâng cấp đê La Giang, ngành đang gấp rút chuẩn bị để đầu tư hồ chứa nước Rào Trổ và hệ thống kênh tưới thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, đồng thời tiến hành nâng cấp hệ thống kênh mương Kẻ Gỗ, Sông Rác...
65 năm cho những nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, toàn ngành đã có 345 hồ đập với tổng dung tích chứa gần 800 triệu m3 nước; 48 đập dâng lưu lượng cơ bản 17m3/s; 352 trạm bơm điện lớn nhỏ có tổng lưu lượng lắp đặt 117m3/s; 17 cống ngăn mặn giữ ngọt; 49 công trình cấp nước tập trung, phục vụ cho 738.675 người; 8.240 km kênh mương (4.200 km đã kiên cố hóa)...
Với hệ thống công trình này, ngành thủy lợi đã đảm bảo tưới cho 54.000 ha cây trồng vụ đông xuân, 41.000 ha vụ hè thu, 6.000 ha cho vụ mùa và hơn 7.000 ha NTTS, đồng thời còn cấp nước cho sản xuất công nghiệp và dân sinh.
Cùng với các công trình thủy nông, hệ thống công trình PCLB từng bước được hoàn thiện với 32 tuyến đê các loại có tổng chiều dài 318,7 km, 209 cống dưới đê, 75 km kè bảo vệ mái, gần 1.000 ha rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ cuộc sống cho 700 ngàn dân của 150 xã phường, thị trấn ở 10 huyện, thành, thị và các khu kinh tế chính trị quan trọng của tỉnh nhà; bảo vệ cho hơn 75.000 ha đất canh tác, 7.300 ha nuôi trồng thủy sản, 445 ha đất làm muối...
Đi liền với đó là một hệ thống tổ chức bộ máy khá hoàn chỉnh và đang từng bước đổi mới phương thức hoạt động, nhất là khi các đơn vị quản lý thủy nông đã chuyển sang các công ty TNHH một thành viên; các tổ chức dịch vụ dùng nước ở cơ sở và HTX tiếp tục được củng cố.
"Nước của ta làm giàu đất của ta" - đó không còn là câu hát đơn thuần mà đã được khẳng định trên đồng đất Hà Tĩnh với bình quân giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích của tỉnh đã đạt 40 triệu đồng/ha/năm.
65 năm đã tạo thành một dòng chảy liên tục trong sự nghiệp thủy lợi tỉnh nhà. Sự nghiệp đó sẽ không có điểm dừng mà ngày càng mở rộng, vươn xa để thỏa mãn yêu cầu phát triển của cuộc sống.
Hải Xuân
{name} - {time}
Các tin đã đưa
Công bố và ra mắt Cty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh
Gia Phố đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Chuẩn bị công bố qui hoạch chung KKT cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Bàn giao lại hồ Kim Sơn cho Công ty thủy nông Sông Rác quản lý và khai thác sử dụng
Tháng Tám trên công trường mỏ sắt Thạch Khê