Vùng biên xây dựng Nông thôn mới

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác xây dựng, phát triển kinh tế vùng biên, những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng biên Hà Tĩnh đã được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh chú trọng quan tâm. Nhờ có sự đồng thuận cao trong nhân dân nên bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Không “đốt cháy giai đoạn”

Thôn Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) có 103 hộ, trong đó hơn 50% (53 hộ) là người dân tộc Lào. Chiến tranh khốc liệt cộng với dịch bệnh hoành hành nên từ những thập niên 20, những người Lào ở bên kia dãy núi đã “dạt” về đây sinh sống. Đây là thôn vùng sâu vùng xa, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Hòe, Trưởng thôn Phú Lâm cho biết: “Tuy là thôn có số đa là người Lào sinh sống, nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận từ trước nên khi bắt tay thực hiện các hạng mục trong chương trình xây dựng NTM, chúng tôi đã nhận được sự hợp tác nhiệt tình từ trong nhân dân. Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì đến nay bản đã đạt 6 tiêu chí”.

Bà con nhân dân (chủ yếu người Lào) ở Thôn Phú Lâm, Phú Gia (Hương Khê) mở đường...
Bà con nhân dân (chủ yếu người Lào) ở Thôn Phú Lâm, Phú Gia (Hương Khê) mở đường...

Chung sức xây dựng NTM cùng dân bản, trong những năm qua, BĐBP Hà Tĩnh, trực tiếp là Đồn BP Phú Gia đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp cùng UBND xã tích cực vận động bà con giải phóng mặt bằng, hiến đất, tham gia ngày công làm đường, công trình thủy lợi… Đặc biệt là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn luôn được Đồn BP Phú Gia đảm bảo tốt.

Chia sẻ kinh nghiệm này, Trung tá Trần Văn Dung - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Gia cho biết: “Trong thời gian qua, đội công tác tăng cường của Đồn Biên phòng Phú Gia, BĐBP Hà Tĩnh ngày đêm tích cực bám sát địa bàn, kết hợp với lực lượng an ninh xã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn, quấy rối an ninh trật tự trên địa bàn, chia rẽ nhân dân. Thường xuyên tổ chức họp giao ban, báo cáo tình hình hàng tháng, quý giữa BĐBP và UBND xã… Từ đó nắm bắt tình hình, kịp thời đề ra phương án giải quyết những việc làm sai trái, ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân”.

“Là thôn có đa số dân tộc Lào anh em sinh sống nên công tác thực hiện cũng có những nét “đặc thù” riêng. Đồn Biên phòng Phú Gia có một tổ công tác thường xuyên bám bản, cùng ăn, cùng ở với nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Công tác dân vận cũng được tiến hành từng bước, không nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như tinh thần của bà con nhân dân” - Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Gia cho biết.

Mỗi Đồn Biên phòng nhận đỡ đầu một xã

Để chung sức xây dựng NTM vùng biên hiệu quả, ngoài công tác chăm lo phát triển đời sống nhân dân, làm tốt công tác dân vận, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới… Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh còn chỉ đạo các đồn cơ sở, mỗi Đồn Biên phòng nhận đỡ đầu cho một xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

... và bê tông hóa đường GTNT
... và bê tông hóa đường GTNT

Thực hiện sự chỉ đạo này, Đồn Biên phòng Phú Gia nhận đỡ đầu thôn Phú Lâm, Đồn Biên phòng Bản Giàng đỡ đầu cho xã Hương Vĩnh và bản Rào Tre... Đây là những xã có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp ở huyện Hương Khê. Thực hiện chương trình này, mỗi cán bộ đóng góp một ngày lương cơ bản để gây quỹ, chiến sĩ góp ngày công cùng nhân dân làm đường liên thôn, hệ thống kênh mương thủy lợi, điện nước…

Nhận đỡ đầu cho xã nào cũng là Đồn Biên phòng đó có nhiệm vụ tham mưu, phối hợp cùng UBND xã thực hiện các hạng mục trong chương trình xây dựng NTM. Trong đó các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng cho dân bản như làm đường giao thông nông thôn, hệ thống lưới điện, nước sạch, chăm lo đời sống nhân dân...là những tiêu chí phải được quan tâm đặt lên hàng đầu.

Đóng quân trên địa bàn xã Hương Liên, trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Bản Giàng đã làm rất tốt công tác này. Xã Hương Liên có 640 hộ, 2.647 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Kinh, Chứt cùng sinh sống. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động từ trước nên khi bắt tay thực hiện, công tác kêu gọi bà con dân bản hiến đất làm đường, đóng góp sức người, sức của … tưởng chừng khó khăn nhất lại được tiến hành một cách thuận lợi, nhanh chóng. Bình quân mỗi hộ hiến từ 400 – 500 m2, như hộ anh Trần Văn Tủ, Trần Kham, Nguyễn Thịnh…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Lành - Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: “Đến nay, tuy xã chỉ mới đạt được 1 tiêu chí về điện, nhưng đấy là sự cố gắng, nổ lực của cả cán bộ và nhân dân trong xã. Bởi Hương Liên là một xã miền núi, dân số đông, tuy nhiên diện tích đất nông nghiệp lại rất ít. Vấn đề phát triển kinh tế của địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Hằng năm, ruộng lúa nước chỉ “cứu đói” dân được khoảng 3-4 tháng, còn lại là trông chờ vào gạo trợ cấp của Nhà nước. Đặc biệt, địa bàn xã quản lý có bản Rào Tre, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ phấn đấu đạt được 2 tiêu chí nữa”.

Hai tiêu chí mà chủ tịch UBND xã Hương Liên nói ở trên là tiêu chí về trường học và an ninh trật tự trên địa bàn.

“Nói về công tác phối hợp giữa BĐBP và UBND xã Hương Liên trong công tác xây dựng NTM, hiện nay Đồn Biện phòng Bản Giàng có một tổ công tác tại bản Rào Tre, ngày đêm bám bản, ăn ở cùng nhân dân, mở mang dân trí, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã… Đồn BP Bản Giàng cũng thường xuyên tổ chức họp giao ban, hội ý với UBND xã để nắm bắt tình hình, tham mưu cho chính quyền địa phương những cách làm hay, quy trình thực hiện các hạng mục trong chương trình xây dựng NTM”, Trung tá Phan Trọng Nhân, Chính trị viên Đồn BP Bản Giàng cho biết.

HT4TK-210 Biên phòng Hà Tĩnh

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast