Bóng làng...

(Baohatinh.vn) - Mới đó mà đã hơn 10 năm ông tôi đi xa. Tôi - đứa trẻ con năm nào líu ríu theo dì, theo mẹ về quê giờ đã trở thành người mẹ, lại vẫn líu ríu dắt hai đứa con nhỏ về thăm quê ngoại mà lòng vẫn không hết bồn chồn.

Vẫn con ngõ nhỏ cong queo uốn theo cả một bờ rào duối dại rậm rịt đang mùa trái vàng. Từng trái duối lưu lại trong tôi những hồi hộp ấm áp theo từng bước chân, từng nhịp thở. Từng tiếng ồ à líu lo của bọn trẻ như lại dắt tôi trở về với những kỷ niệm thơ ấu không quên.

Bóng làng...

Từng tiếng ồ à líu lo của bọn trẻ như lại dắt tôi trở về với những kỷ niệm thơ ấu không quên. Ảnh Hùng Nguyễn

Làng tôi, làng Bút Lĩnh (còn gọi là làng Bút Luyện) nằm ngay dưới chân hòn Nghiên. Xưa kia, đứng từ đầu làng nhìn ra phía Đông Bắc sẽ thấy sừng sững một dãy lèn đá vôi, ở đó có hai cột đá nhô lên như hai quản bút và một vũng đá giống cái nghiên mực sừng sững giữa các xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Hoan được dân làng gọi là Hòn Bút, Hòn Nghiên. Nhưng chắc do trời định, cái quản bút đó nghiêng đầu về phía làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nên dẫu ở ngay dưới chân hòn Nghiên, làng Bút Lĩnh vẫn không phải là đất học. Dân làng quanh năm chỉ nhẫn nại cấy cày.

Ông bà ngoại và các cậu, các dì tôi lớn lên ở đó. Làng tôi chủ yếu trồng hoa màu, nông nhàn lại có thêm nghề đan đó. Vì thế, cuộc sống ở làng không trù phú nhưng cũng ấm áp, no đủ. Khi ngoài đồng lúa đã lên xanh thì khắp đường làng ngõ xóm, tre nứa lại được phơi trắng trời chuẩn bị cho mùa đan đó mới. Cái đó làng tôi được đan cẩn thận đến từng công đoạn một. Nứa sau khi được phơi khô, dùng chân đạp chòa cho tróc hết lông, hết xơ. Rồi mới bắt đầu kết mê, đan trỉ, vô vành dưới, vành trên, vô vành trong, vành ngoài, sau cùng kết đầu thì xong một cái đó vừa bền, vừa đẹp. Nhờ uy tín thế mà lâu dần nghề làm thêm những khi giáp hạt đó được xem như một nghề chính của làng.

Ông ngoại tôi là một người tài hoa. Cái tài hoa của người nông dân chân lấm tay bùn khéo léo chuốt từng sợi giang, sợi lạt để làm đó mưu sinh. Làng nhiều nhà làm đó, nhưng cái đó của ông tôi khác hẳn, chắc chắn, bóng đẹp, các nút thắt tinh tế và bền.

Bóng làng...

Ông ngoại tôi là một người tài hoa. Cái tài hoa của người nông dân chân lấm tay bùn khéo léo chuốt từng sợi giang, sợi lạt để làm đó mưu sinh. Ảnh minh họa

Ông tôi rất thích vẽ, trong cuốn vở học trò đầy những bản vẽ của ông tôi. Ông bảo, cụ cố tôi trước là thủ thư giữ đình làng, những lưu giữ của làng được ông giữ gìn rất cẩn thận. Sau này bom Mỹ phá hoại, mất hết. Cụ đến khi mất vẫn cứ ước mơ sau này con cháu làm ăn khấm khá sẽ phục dựng lại những thứ của cha ông xưa để lại. Ông ngoại tôi hồi đó không ai bảo lặng lẽ vẽ lại những hoa văn đình chùa như các loại kìm nóc, mái đao, ổ long phụng, mặt nguyệt, cuốn thư, tranh tứ linh…

Ông tôi làm việc đó một cách tự nguyện, cần mẫn năm này qua năm khác trên khắp các đình làng xung quanh. Những ô cửa ruỗng mọt, những viên ngói vỡ được ông lưu giữ lại trong từng nét vẽ mềm mại và sống động của mình mà không cần ai động viên hay tán thưởng. Những nét vẽ đó ông vẫn thường dạy tôi vẽ bằng cách vê lấy một nùi lá khoai hay lấy một cục than củi vẽ mẫu cho tôi trên sân phơi mỗi ngày đẹp trời. Sau này, khi phục dựng đình làng, mọi người mới thấy được hết sự vô giá trong cuốn sổ nhỏ bé mà ông tôi để lại.

Có những điều làm tôi nhớ rất lâu và rất lâu sau đó nó trở về vẹn nguyên như đang trải ra trước mắt đẹp đẽ và sống động đến không ngờ... Tôi gọi đó là nguồn cội. Tất cả những thứ đó tôi giữ mãi không quên trong lòng.

Ngay cả những cái cây… Vườn xưa ngoại trồng có đến 10 cây dừa quanh năm trái sai lúc lỉu. Về đến đầu làng đã thấy bóng nó cao vóng lên giữa những um tùm cây lá rồi. Và nhìn kỹ, sẽ thấy lúc đó trên một thân cây dừa lúc góc này, lúc góc kia, cậu tôi đang thả những quả dừa vừa hái xuống đất. Những lúc như thế, cái tín hiệu nho nhỏ nhưng chứa đầy thông điệp của nhà ngoại tôi: thể nào cũng có khách về.

Bóng làng...

Khi đi xa, lớn lên, hình ảnh hàng dừa quê ngoại vẫn thường trở về thân thương. Ảnh Internet

Khách thường là chúng tôi. Những vị khách khó tính ương bướng mè nheo và hay làm mình làm mẩy! Ấy thế mà gia chủ cứ chiều lấy chiều để, xoắn xuýt bỏ bê công việc đến cả gần tuần trời. Khổ thân cậu út, cứ như ông thiên lôi ngoại chỉ đâu đánh đó. Cứ thoăn thoắt trèo dừa hái quả bất cứ cây nào ông chỉ.

Chúng tôi hồi đó sướng. Sướng nhất là chị Chi. Là con đầu cháu sớm được cưng nựng nhiều, nước dừa tươi người ta chẳng mấy khi được uống, thế mà ông cứ bảo cậu chặt cả chục quả cho vào chậu để tắm rôm sẩy cho chị, sung sướng không ai bằng! (có lẽ vì thế mà sau này, trong đám con gái của mẹ tôi, chị gắn bó với quê nhiều nhất!).

Tôi sau này chẳng còn có món tắm nước dừa, nhưng sau mỗi chuyến “kinh lý” quê Quỳnh thể nào cũng phải lúc lỉu vài chục quả dừa đã được cậu đánh sạch vỏ. Vỏ dừa được cậu phơi đầy sân hàu dùng làm củi đun bếp. Dì út thích đun củi dừa hơn đun rơm (vì dì còn mải đọc sách đến quên cả đẩy lửa) còn tôi chỉ thích tút rơm ngoài cây, những cây rơm còn sót lại đôi hạt lúa sót bị đun trong lửa, nổ tí tách những hạt cốm trắng phải nhanh tay cời ra khỏi cháy.

Bóng làng là vậy. Lặng lẽ, bình yên và rất đỗi quen thuộc. Thơm như mùi lá khoai vẽ trên sân hàu ngày nắng. Từ đó mà không biết bao thế hệ con cháu của ông tôi sau này trở thành họa sĩ, có gallery (phòng trưng bày - P.V) tranh riêng vẫn không thể nào quên đi được khung tranh đầu tiên trong đời bên góc sân phơi.

Bóng làng...

Bóng làng là vậy. Lặng lẽ, bình yên và rất đỗi quen thuộc. Ảnh Huy Tùng

Thời đó giờ xa xôi rồi! 10 cây dừa giờ chỉ còn 3, không còn sum suê trái nữa. Nó cũng đã già theo tháng năm khi người trồng cây cũng đã hóa mây trời. Chúng tôi rồi cũng rời xa nhau... một năm chỉ về một lần ngày giỗ ông nhưng không còn đông đủ nữa. Để những kỷ niệm vẫn còn thức mãi, tôi đã bàn với các em rằng: Từ nay, dẫu ai đi đâu về đâu, đến ngày giỗ ông cũng cố thu xếp để về. Về để không cho kỷ niệm có cơ hội mà ngủ quên.

Chúng tôi về rồi đi. Chỉ mình cậu út lặng lẽ tiễn đám miền xuôi miền ngược tự nhiên thấy chùng lòng. Tôi đứng lặng nhìn cậu. Cậu giờ tóc đã pha sương. Tôi cũng đã toan về già mất rồi, thế mà cậu vẫn vậy, vòng tay ôm tôi xoa đầu như thời còn bé dại.

Khoảnh khắc bình yên đó, quên sao đành...!

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Podcast truyện ngắn: Trên sông mưa

Đêm đó, sân đình vang rộn ràng, người người kéo về đi xem hát. Khách ngồi vào giữa những hàng ghế trước sân khấu nhìn quanh. Không thấy bà hàng nước, chỉ thấy một đám trẻ vội vàng kéo nhau vào chật sân đình. Khách nghe họ bảo nhau: “Đêm nay, cô Hiền lên hát đấy”!