Bối cảnh tình hình
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ trở nên giàu có và hùng mạnh nhất thế giới tư bản, đứng ra giữ vai trò giám sát, can thiệp vào các vấn đề quốc tế để bảo vệ cho cả hệ thống đế quốc chủ nghĩa đã bị suy yếu nghiêm trọng và lâm vào khủng hoảng trước sự ra đời và lớn mạnh nhanh chóng của hệ thống XHCN với trụ cột là Liên Xô, Trung Quốc. Đây là nhân tố mới, làm thay đổi tương quan lực lượng toàn cầu, có lợi cho phong trào cách mạng thế giới; buộc Mỹ phải thực hiện chiến lược toàn cầu nhằm chống lại các trào lưu cách mạng, đàn áp và phá hoại phong trào độc lập dân tộc, ngăn chặn sự phát triển của CNXH, đồng thời tranh giành vị trí và ảnh hưởng với các đế quốc khác.

Với vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và trước sự tiến công mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại; đế quốc Mỹ xác định Việt Nam là điểm nóng bỏng nhất, có vị trí sống còn trong tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản nên đã tích cực can thiệp vào chiến tranh Đông Dương ngay từ đầu những năm 50 thế kỷ XX. Một mặt, Mỹ ra tay giúp Pháp, mặt khác, âm mưu thay thế Pháp để độc chiếm Đông Dương. Sau khi thực dân Pháp thua trận, Mỹ đã vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, vội vã lập ra khối quân sự Đông Nam Á và hất cẳng Pháp, xâm chiếm miền Nam hòng đánh bại cách mạng Việt Nam, lập phòng tuyến ngăn chặn và đẩy lùi CNXH ở vùng Đông Nam Á, bao vây, uy hiếp và chặn đứng bước tiến của CNXH ở các nơi trên thế giới.
Về phía ta, mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên theo con đường XHCN, xây dựng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và phồn vinh là nguyện vọng thiêng liêng, là sự nghiệp chính nghĩa của toàn thể nhân dân, cũng là mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới, trước hết là với các nước XHCN, ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(1), từ đó, Trung Quốc, Liên Xô và một loạt nước XHCN và dân chủ nhân dân đã ra tuyên bố công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thiết lập quan hệ ngoại giao, ủng hộ và viện trợ vật chất cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân ta.

Với thắng lợi qua các chiến dịch và Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954 của quân và dân ta mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày (7/5/1954) đã buộc thực dân Pháp ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, rút quân khỏi nước ta, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới lúc bấy giờ, đất nước tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới; miền Nam vẫn phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, toàn thể dân tộc Việt Nam trước sau như một đoàn kết đồng lòng, quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ trở thành tư tưởng lớn của thời đại, để hoàn thành cho kỳ được mục tiêu Tổ quốc thống nhất, đồng bào Nam - Bắc sum họp một nhà.
Chính vì vậy, “nước Việt Nam ta trở thành nơi tập trung các mâu thuẫn cơ bản của thế giới và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta trở thành cuộc đọ sức điển hình, thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới, là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mang tính chất thời đại rất sâu sắc”(2). Đó là nguồn gốc sâu xa, là nguyên nhân trực tiếp và cũng là bản chất của cuộc chiến tranh giữa Nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược.
Giai đoạn từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, việc ngừng bắn, tập kết, chuyển quân và chuyển giao khu vực được thi hành trong vòng 300 ngày, sau 2 năm sẽ thực hiện tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên, đế quốc Mỹ, thực dân Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại việc thi hành Hiệp định, cố tình khiêu khích, trì hoãn việc ngừng bắn trên các chiến trường; dụ dỗ và cưỡng ép gần 1 triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam; tháo dỡ, mang đi hoặc phá hoại máy móc, dụng cụ, tài sản công cộng nhằm làm tê liệt, gây khó khăn cho ta trong việc tiếp quản vùng giải phóng ở miền Bắc; rải truyền đơn, tài liệu xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm lung lạc quần chúng, gây hoang mang trong Nhân dân. Thông qua chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Mỹ tập trung thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 biến miền Nam thành nhà tù, trại giam, trại tập trung, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.
Khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6 mở rộng (tháng 7/1954) xác định “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của Nhân dân Đông Dương”(3). Trước tình thế mới, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố trí một số cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào đấu tranh, đồng thời thực hiện việc chuyển quân, đưa hàng vạn con em, chiến sĩ, đồng bào, cán bộ ở miền Nam ra Bắc học tập, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ xây dựng XHCN ở miền Bắc, cũng như chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh; lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: cách mạng XHCN ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ.
Thực hiện nhiệm vụ trên, ở miền Bắc, Đảng ta tích cực chỉ đạo triển khai những biện pháp nhằm nhanh chóng ổn định, sớm tổ chức cuộc sống mới sau chiến tranh. Sau kế hoạch 3 năm (1955-1957) khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, kế hoạch 3 năm (1958-1960) cải tạo XHCN, xây dựng và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho đấu tranh thống nhất nước nhà, miền Bắc đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo XHCN, căn bản xóa bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường đi lên CNXH.
Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng Nhân dân ta vẫn một lòng theo Đảng, kiên cường, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Tháng 1/1959, Nghị quyết Trung ương 15 ra đời, chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân; phản ánh đúng xu thế tất yếu của lịch sử, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, là ngọn lửa dấy lên cao trào Đồng khởi (1959-1960) làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, mở đầu những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Giai đoạn từ năm 1961 đến giữa năm 1965
Đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ Kennedy chính thức thông qua chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, thực chất là “dùng người Việt đánh người Việt” với công thức: lực lượng ngụy Sài Gòn cộng vũ khí, trang bị và cố vấn Mỹ. Mỹ dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, “ấp chiến lược”, tách lực lượng cách mạng ra khỏi Nhân dân.

Để đối phó với chiến lược mới của địch, ngày 31/1/1961, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị “về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam”. Ngày 15/2/1961, các tổ chức vũ trang miền Nam đã thống nhất thành “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Ở miền Bắc, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, các phong trào thi đua sôi nổi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” ở khắp các địa phương, các cấp, ngành đã đưa cách mạng miền Bắc trở thành căn cứ địa vững chắc, không ngừng tăng cường chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc đấu tranh của Nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, kết hợp 3 mũi giáp công, trên cả 3 vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai.
Ngày 2/1/1963, chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho) đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của địch, với lực lượng đông hơn ta 10 lần, dấy lên phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Từ năm 1964-1965, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam liên tiếp mở các chiến dịch tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, làm nên những chiến thắng oanh liệt, như: Bình Giã (2/12/1964 - 3/1/1965), Ba Gia (28/5 - 20/7/1965), Đồng Xoài (11/5 - 22/7/1965)...
Ngày 5/8/1964, Mỹ cho không quân đánh phá miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của “hậu phương lớn” miền Bắc cho “tiền tuyến lớn” miền Nam. Nhờ sự chuẩn bị từ trước, quân và dân ta đã kịp thời phát hiện, mưu trí, dũng cảm, đánh bại cuộc tiến công của địch.
Trước những thắng lợi vang dội của quân và dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước sự thất bại hoàn toàn, buộc đế quốc Mỹ phải ồ ạt đưa quân đội viễn chinh vào miền Nam Việt Nam để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Từ đây, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968
Chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ sử dụng quân đội Mỹ làm lực lượng cơ động chiến lược để tìm diệt bộ đội chủ lực của ta; dùng chính quyền, quân đội ngụy Sài Gòn để bình định, kìm kẹp Nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25-30 tháng (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1967); đồng thời, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.
Ngày 20/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi cả nước, Người khẳng định quyết tâm của Nhân dân ta “dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”(4). Ngày 17/7/1966, trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, Người khẳng định: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(5).
Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng… quân và dân ta lại đánh bại 3 cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của Mỹ ở các thành phố lớn. Ở miền Bắc, quân dân ta tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, mở ra cục diện mới vừa đánh vừa đàm.
Giai đoạn từ năm 1969-1973
Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ bị phá sản, chúng thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào; thực hiện chiến tranh hủy diệt và nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhằm giành dân, bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của Nhân dân ta trên cả 2 miền Nam - Bắc. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân Lào, Campuchia từng bước đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng 3 nước Đông Dương trong 2 năm 1970-1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta.

Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nắm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc bằng máy bay B52 của Mỹ, làm nên chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh theo thế có lợi cho ta. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973 về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, làm tương quan lực lượng thay đổi có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giành thắng lợi cuối cùng.
Giai đoạn từ cuối năm 1973-1975
Sau khi ký Hiệp định Paris, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng chính quyền, quân đội ngụy Sài Gòn làm công cụ chiến tranh. Mỹ tăng cường chi viện tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho quân ngụy lấn đất, giành dân, khống chế Nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Paris của quân đội ngụy Sài Gòn ngày càng tăng.
Tháng 7/1973, BCH Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 21, ra Nghị quyết “Về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới”, trong đó khẳng định “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”(6) và đề ra các nhiệm vụ lớn cho 2 miền Nam - Bắc. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó đưa quân trở lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng miền Nam đã đến, quyết định tiến hành mở cuộc tiến công chiến lược nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng thời tiến hành giành lại chủ quyền trên các vùng biển, đảo và quần đảo phía Nam của Tổ quốc.
Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành từ ngày 4/3/1975 với các chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; 2 chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định với nhiều bước phát triển nhảy vọt.
- Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 - 30/4/1975)
Sau 1 tháng Tổng tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, liên tục, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, toàn diện cả về chính trị và quân sự. Trong khi đó, địch bị mất toàn bộ Quân khu 1, Quân khu 2, một nửa sinh lực của Quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt, rơi vào tình thế đi đến tan rã hầu như không cứu vãn nổi. Chúng ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể làm điều kiện mặc cả đối với ta. Sau khi lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa nhưng đều bị ta đập tan; quân đội ngụy Sài Gòn tập trung xây dựng tuyến phòng thủ cuối cùng là Sài Gòn - Gia Định.

Từ nhận định dù Mỹ có chi viện cũng không cứu vãn được sự sụp đổ của quân ngụy, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, không thể để chậm. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh ra lệnh động viên “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ thời gian từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”(7).
Ngày 14/4/1975, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chiến dịch và Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Các lực lượng chiến lược của ta tham gia chiến dịch lịch sử gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), các đơn vị binh chủng tăng thiết giáp, đặc công, công binh, thông tin, pháo binh, không quân, hải quân với đầy đủ binh khí kỹ thuật cùng các đơn vị biệt động, bộ đội địa phương, dân quân du kích chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

17h ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích; 5 cánh quân đồng loạt tiến công trên 5 hướng: hướng Bắc - Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên), hướng Đông Nam - Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang), hướng Đông - Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8), nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, 11h30’ ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Cùng với giải phóng trên đất liền, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh nghiên cứu thời cơ để giành lại chủ quyền các đảo, quần đảo do quân đội ngụy Sài Gòn chiếm đóng ở Biển Đông, đây là phần lãnh thổ rất quan trọng, có vị trí chiến lược về quân sự và kinh tế không thể tách rời của Tổ quốc. Ngày 14/4/1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29/4/1975.
Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các LLVT tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy)
-------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, HN 2011, tập 6 (1949-1950), tr 311.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, HN 2004, T34, tr 642.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, HN 2001, T15, tr225.
(4) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 14 (1963-1965), tr 577.
(5) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 15 (1966-1969), tr 131.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN 2004, tập 34, tr 661.
(7) Mệnh lệnh ngày 7/4/1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện số 157-H-TK, số lưu 450/ĐB - Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng.