Các hãng xe Trung Quốc đang làm gì tại Việt Nam?

Sôi động kể từ đầu năm, các hãng xe đến từ đất nước tỷ dân đang làm gì tại Việt Nam và khả năng thành công ra sao?

Sau lần đổ bộ bất thành cách đây vài năm, làn sóng ôtô Trung Quốc đang chuẩn bị trở lại thị trường xe Việt với hàng loạt thương hiệu nhăm nhe giành giật thị phần. Những diễn biến bất lợi ở Mỹ và châu Âu khiến Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành một điểm đến mới, hấp dẫn và rất tiềm năng dành cho các thương hiệu ôtô Trung Quốc.

MG bất ngờ tung xe điện

Gia nhập thị trường ôtô Việt đã lâu nhưng vào cuối tuần trước, MG mới giới thiệu xe điện đầu tiên mang tên MG4 đến khách hàng trong nước. Mẫu crossover chạy điện cỡ B sở hữu kích thước tương đồng VinFast VF 6 và có tổng cộng 2 phiên bản, giá niêm yết lần lượt 828 triệu và 948 triệu đồng.

MG4 là mẫu xe mới nhất của thương hiệu MG tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Đan Thanh.

Màn ra mắt của MG4 khiến dải sản phẩm thương hiệu MG tại thị trường Việt trở nên đa dạng hơn. Bên cạnh MG4, khách hàng Việt có thể chọn mua các mẫu xe thương hiệu MG bao gồm MG5, MG HS, MG ZS cùng với MG RX5.

Nói về MG4, mẫu xe này sở hữu thiết kế hợp thời nhưng trang bị không thật sự ấn tượng. Những thành công tại châu Âu giúp MG tự tin đưa ra mức giá cao cho mẫu xe điện của mình.

Chery loay hoay tìm đại lý

Chery, một trong những tập đoàn ôtô sở hữu lượng xuất khẩu hàng đầu Trung Quốc, đang tìm kiếm đối tác đại lý tại Việt Nam sau một thời gian dài nghiên cứu thị trường. Tập đoàn này cũng đã ký kết hợp tác liên doanh cùng Geleximco để xây dựng một nhà máy trị giá 800 triệu USD với công suất 200.000 xe/năm tại tỉnh Thái Bình.

Omoda C5 sẽ là một trong những sản phẩm chào sân của Chery tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Trước khi nhà máy nói trên chính thức vận hành, nhiều khả năng Chery sẽ sớm mang về các mẫu xe Omoda C5, Omoda E5 và Jaecoo 7 theo hình thức nhập khẩu nguyên chiếc. Các mẫu xe của Omoda đã được mang về trưng bày và tổ chức lái thử nhưng chưa thể chốt thời điểm ra mắt. Mẫu xe này sẽ cạnh tranh trong phân khúc SUV cỡ B cùng với Toyota Yaris Cross, Mitsubishi Xforce, Hyundai Creta, Honda HR-V và Kia Seltos.

Chery được cho là khá thận trọng trong lần thứ 2 chinh phục khách hàng Việt Nam. Sau nỗ lực thất bại cách đây 14 năm, tập đoàn ôtô Trung Quốc đã chấp nhận bỏ ra gần 2 năm để nghiên cứu thị trường xe Việt trước khi chính thức ký kết hợp tác cùng Geleximco. Hiện tại Chery đang tìm cách phát triển đại lý trước khi ra mắt những sản phẩm đầu tiên.

BYD lùi thời điểm ra mắt

Trong khi đó, BYD sẽ là một trong những cái tên đình đám nhất của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc chuẩn bị xâm nhập thị trường xe Việt.

Theo nguồn tin riêng, BYD đã lên kế hoạch chạy thử xe vào tháng 6 và nhiều khả năng, loạt xe điện thương hiệu BYD sẽ sớm trình làng thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 7 tới đây.

BYD Dolphin sẽ là một trong 3 mẫu xe đầu tiên của BYD tại thị trường Việt Nam. Ảnh: BYD.

So với kế hoạch ban đầu ra mắt xe vào giữa tháng 6, BYD đang chậm chân một chút và hãng xe Trung Quốc đang tìm mọi cách đẩy nhanh tốc độ.

Khi ra mắt thị trường xe Việt, BYD sẽ sử dụng chiến lược tương tự mà hãng từng áp dụng khá thành công tại các thị trường lân cận trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, BYD sẽ mang đến cho khách hàng Việt tổng cộng 3 mẫu xe thuần điện trong giai đoạn đầu, bao gồm BYD Seal, BYD Atto 3 cùng với BYD Dolphin.

Cùng với việc chưa tìm ra đối tác xây dựng nhà máy và "chia tay" đối tác phân phối lớn nhất là Tasco, BYD cần được đầu tư mạnh mẽ từ phía công ty mẹ để có thể sớm tạo dấu ấn tại thị trường Việt Nam.

Tasco sắp hợp tác cùng ông lớn xe Trung Quốc

Sau khi xác nhận ngừng hợp tác kinh doanh đại lý với thương hiệu BYD tại thị trường Việt Nam, Tasco đang tìm kiếm một đối tác mới để lắp ráp ôtô trong nước, đặt mục tiêu bắt đầu ngay trong năm nay và dự kiến ra mắt sản phẩm từ năm 2025.

Chia sẻ tại một cuộc họp, lãnh đạo Tasco cho biết sẽ chọn đối tác lớn, nằm trong top 10 các OEM toàn cầu, có tốc độ phát triển nhanh, dải sản phẩm rộng và đã thành công trên thị trường quốc tế. Tasco cũng cho biết ưu tiên tìm kiếm đối tác đã có sản phẩm thành công tại thị trường Việt Nam và sở hữu trình độ công nghệ tầm quốc tế.

Những chia sẻ của lãnh đạo Tasco nhiều khả năng đang hướng đến Geely, bởi tập đoàn này hiện sở hữu một số thương hiệu đang kinh doanh tại thị trường xe Việt như Volvo hay Lynk & Co. Tập đoàn ôtô Trung Quốc này cũng có thể phát triển đa dạng dải sản phẩm tại thị trường xe Việt với thương hiệu Geely định vị trong phân khúc tầm trung hay thậm chí giới thiệu cả Polestar ở phân khúc xe điện hạng sang.

Cơ hội của xe Trung Quốc

Với màn chào sân của các mẫu xe thương hiệu Lynk & Co và Haval, ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc cho thấy bản thân đã không còn "đóng đinh" với những sản phẩm giá rẻ như suy nghĩ của nhiều người. Hiện, Lynk & Co 09 có giá bán 2,199 tỷ đồng tại thị trường xe Việt, Lynk & Co 05 được niêm yết ở mức 1,599 tỷ đồng còn Haval H6 sau đợt điều chỉnh gần nhất cũng có giá 986 triệu đồng.

Xe điện MG4 phiên bản LUX có giá niêm yết 948 tỷ đồng, còn loạt xe điện thương hiệu BYD khi vào Việt Nam cũng được cho là sở hữu giá bán không thấp hơn 500 triệu đồng.

Lynk & Co 09 có giá niêm yết hơn 2 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Bối Hạ.

Sở hữu giá bán khá cao so với mặt bằng chung của thị trường xe Việt, không khó hiểu khi các mẫu xe Trung Quốc kể trên bị đặt dấu hỏi về khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ những thương hiệu lâu đời và quen mặt của châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc thậm chí cả VinFast của Việt Nam.

Dù ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc đã cho thấy những bước phát triển đáng kể trong thời gian gần đây khi sở hữu không ít cái tên đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên phạm vi toàn cầu, thị trường Việt Nam nhìn chung vẫn còn khá e dè với nhóm xe này do những ảnh hưởng không mấy tích cực từ chất lượng sản phẩm ôtô Trung Quốc trong quá khứ.

Giá bán cao cũng được cho là sẽ trở thành yếu tố ngăn cản sự thành công của ôtô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Khách hàng có thể chấp nhận chi nhiều tiền hơn để sở hữu ôtô hạng sang với các công nghệ hiện đại từ những thương hiệu lâu đời, nhưng sẽ chần chừ khi quyết định xuống tiền cho một mẫu xe được định vị cao đến từ ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc.

Chiến lược phát triển lâu dài cũng là một dấu hỏi lớn cho sự thành công của ôtô Trung Quốc, nhất là với nhóm xe điện tại thị trường Việt Nam. Điển hình như trường hợp của BYD và MG, sản phẩm xe điện của các thương hiệu này dù sở hữu thành tích kinh doanh khá tốt ở nước ngoài nhưng khả năng thành công khi về Việt Nam vẫn đang là ẩn số.

Khả năng thành công của ôtô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng. Ảnh: BYD.

Bên cạnh giá xe, chất lượng bộ pin hay phạm vi di chuyển, sự phát triển và hoàn thiện của hạ tầng trạm sạc được xem là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của bất kỳ hãng xe điện nào. Thị trường Việt Nam hiện tại chỉ có duy nhất VinFast đã thành công phát triển một mạng lưới trạm sạc rộng khắp dành riêng cho ôtô điện của mình. Trong khi đó, BYD chỉ mới dừng lại ở kế hoạch hợp tác cùng các đối tác để phát triển trạm sạc, còn MG cho biết khách hàng có thể sạc MG4 tại nhà hoặc ở các trụ sạc công cộng do bên thứ ba phát triển.

Nhìn chung, ôtô Trung Quốc vẫn còn một hành trình dài trước khi trở thành một thế lực tại thị trường Việt Nam. Những e dè từ khách hàng Việt khiến sự thận trọng của Chery trước khi xâm nhập thị trường dường như là một chiến lược đúng đắn vào lúc này, không chỉ với tập đoàn Chery mà còn cho toàn bộ các thương hiệu Trung Quốc đã, đang và chuẩn bị chinh phục thị trường ôtô Việt Nam.

lifestyle.znews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói