Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải; đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng đông đảo các nhà khoa học trong nước cùng tham dự hội thảo.
Nghi Xuân đối mặt với 4 thách thức
Những năm gần đây, huyện Nghi Xuân đã đạt được những thành tích khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực KT-XH. Đây chính là nền tảng, tiền đề để quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du vươn lên tầm cao mới và xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 – 2030.
Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: "Hiếm có địa phương nào trong cả nước có nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều di tích văn hóa lịch sử như huyện Nghi Xuân. Trong những năm tới, Nghi Xuân cần hướng tới nền sản xuất nông nghiệp xanh, du lịch xanh".
Đến nay, toàn huyện Nghi Xuân đã xây dựng được 705 mô hình phát triển kinh tế. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (theo giá so sánh) tính đến thời điểm hiện tại đạt 5.785 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40 triệu đồng, gấp 3,07 lần so với năm 2010, tăng 1,42 lần so với năm 2015.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Nghi Xuân phải đối mặt với 4 vấn đề lớn. Cụ thể, quy mô kinh tế còn nhỏ. Năm 2019, tổng thu ngân sách của huyện Nghi Xuân ước đạt 350 tỷ đồng, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 40 triệu đồng, bằng 62% GDP/người của cả nước.
Nền nông nghiệp Nghi Xuân còn nhỏ lẻ, manh mún; công nghiệp quy mô nhỏ, phát triển chưa xứng tầm. Đặc biệt, Nghi Xuân còn chậm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, nhiều tiềm năng lợi thế chưa được đánh thức và thiếu các cơ chế chính sách phù hợp.
Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Tại hội thảo, 12 ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học bên cạnh đánh giá cao những tiềm năng lợi thế huyện Nghi Xuân đang sở hữu như hệ thống giao thông đưòng bộ, đường biển và đặc biệt là các trầm tích văn hóa.
Phó Giáo sư -Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất: "Nghi Xuân phải quy hoạch lại các trung tâm đô thị và đô thị vệ tinh theo nguyên tắc thị trường".
Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những “nút thắt” trong phát triển KT- XH ở Nghi Xuân về các lĩnh vực cụ thể như: Công tác quy hoạch hạ tầng du lịch, quy hoạch sử dụng đất, y tế, giáo dục… Huyện Nghi Xuân cũng chưa tạo lập được môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: "Sau 30 năm đổi mới, Nghi Xuân chưa thoát khỏi nền tảng phát triển cũ, nền nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, thủ công và khép kín"
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm nên hiệu quả kinh tế còn thấp. Mặc dù Nghi Xuân đã trở thành huyện NTM, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, chưa bắt nhịp được tốc độ phát triển trong giai đoạn hiện nay; các tiêu chí đạt được trong NTM chưa thực sự bền vững.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Lê Hải An - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo: "Hạ tầng một số cơ sở giáo dục ở huyện nghi Xuân còn hạn chế dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM".
Định hướng phát triển…
Để huyện Nghi Xuân trở thành đô thị phía Bắc, thành huyện NTM kiểu mẫu về văn hóa của cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, Nghi Xuân còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, thời gian tới huyện cần làm ngay là công tác quy hoạch. Đặc biệt là quy hoạch phát triển đô thị để thu hút các nhà đầu tư có tầm. Huyện cần đổi mới khoa học công nghệ, lựa chọn sáng tạo khoa học kỹ thuật làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Việc tổ chức hội thảo trong dịp kỷ niệm 550 năm thành lập có ý nghĩa đặc biệt, nhất là bàn các giải pháp giúp Nghi Xuân định hướng phát triển trong 10 năm tới"
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cao lựa chọn TP Vinh (Nghệ An) làm chỗ dựa vững chắc để Nghi Xuân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm. Huyện cần đẩy nhanh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái để tăng thêm thu nhập cho người dân.
Đối với phát triển nuôi trồng thủy sản ngoài nuôi nước ngọt, nước lợ, cần đẩy mạnh việc nuôi trồng thủy sản trên biển.
.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu huyện Nghi Xuân tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia trong các ngành để từ đó có hướng phát triển trong những năm tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Đây là hội thảo có ý nghĩa đặc biệt không chỉ riêng huyện Nghi Xuân mà còn là việc chung của tỉnh Hà Tĩnh. Vì vậy, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ là cơ sở để Hà Tĩnh xem xét và định hướng chiến lược ngắn và dài hạn.
Tỉnh cũng đã xác định Nghi Xuân phải trở thành trung tâm kinh tế phía Bắc. Nghi Xuân phải phát triển KT-XH trên nền tảng huyện NTM. Việc phát triển KT-XH phải dựa trên nền tảng văn hóa xã hội. Về cơ chế chính sách vẫn còn một số bất cập từ phía cấp trên nên việc thực hiện gặp không ít khó khăn.
Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh là khu vực kinh tế trọng điểm, vì vậy, chọn hướng như thế nào để phù hợp với Nghi Xuân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với diện tích 222 km2, 100.000 dân, Nghi Xuân có thể trở thành đô thị Bắc Hà Tĩnh. Vì vậy, nên đưa vấn đề này vào quy hoạch phát triển của tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Nghi Xuân phải phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp thành đô thị xanh. Phát triển kinh tế phải có trọng tâm, trọng điểm.