Ảnh minh họa |
Theo đó, ĐHQG Hà Nội sẽ tuyển sinh trong cả nước. Đối tượng là người học hết chương trình trung học phổ thông và tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm đăng ký dự thi; người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; người đã tốt nghiệp trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải học và được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông không trong thời gian bị kỷ luật theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
ĐHQG Hà Nội xét tuyển theo 2 phương thức. Trong đó, đợt 1 là xét tuyển theo kết quả thi trung học phổ thông quốc gia theo tổ hợp các môn/bài thi tương ứng; kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng do ĐHQG Hà Nội tổ chức; chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK). Thời gian xét tuyển dự kiến từ 17/7-31/8.
Đợt bổ sung sẽ xét tuyển như đợt 1, quy định cụ thể xét tuyển của từng ngành học tương ứng sẽ được công bố trên website của ĐHQG Hà Nội và của các đơn vị đào tạo (nếu có). Thời gian xét tuyển dự kiến trước 15/8.
Đối với các chương trình đào tạo như tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi trung học phổ thông quốc gia, kết quả thi đánh giá năng lực hoặc các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng chương trình. Ngay khi thí sinh trúng tuyển nhập học, các đơn vị đào tạo công bố điều kiện đăng ký học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế. Thí sinh trúng tuyển vào các đơn vị đào tạo của trường có nguyện vọng theo học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế phải đạt điểm trúng tuyển vào chương trình đào tạo tương ứng kể trên theo khối thi xét tuyển tương ứng. Điểm đăng ký dự tuyển vào các chương trình chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế do các hội đồng tuyển sinh quy định nhưng tối thiểu bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển vào chương trình đào tạo chuẩn tương ứng kể trên.
Về chế độ tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, ĐHQG Hà Nội sẽ thực hiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hướng dẫn tuyển sinh của trường. Xét tuyển thẳng những thí sinh là học sinh các trường trung học phổ thông chuyên đã tốt nghiệp trung học phổ thông và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc trung học phổ thông cấp ĐH Hà Nội. Thí sinh được xét phải đạt danh hiệu học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt trong cả 3 năm học trung học phổ thông và có tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tối thiểu 32 điểm, trong đó không có điểm môn nào dưới 6 điểm.
Kế hoạch xét tuyển được công bố trên website của ĐHQG Hà Nội và của các đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội: vnu.edu.vn.
ĐH Ngoại thương sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài điều kiện điểm 3 môn thi (theo tổ hợp môn xét tuyển) đạt mức điểm thông báo nhận hồ sơ xét tuyển của nhà trường, trường sẽ vẫn duy trì điều kiện sơ tuyển của thí sinh là điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên.
Theo phương án tuyển sinh của trường, các môn xét tuyển nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật, môn thi chính là ngoại ngữ sẽ nhân hệ số 2.
Năm 2017, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 3.750, trong đó, cơ sở Hà Nội có 2.700 chỉ tiêu, cơ sở TPHCM 900 chỉ tiêu và cơ sở Quảng Ninh 150 chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy. Năm nay, trường bổ sung ngành mới là kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản với 50 chỉ tiêu.
Trường đã quyết định bổ sung tổ hợp xét tuyển mới là D07 gồm 3 môn Toán, Hóa học, Tiếng Anh được áp dụng trong xét tuyển ở hầu khắp các ngành, chuyên ngành (trừ nhóm ngành ngôn ngữ).
ĐHQG TPHCM chưa áp dụng kiểm tra năng lực trong năm 2017. Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của ĐH Quốc gia TPHCM trình độ ĐH là 13.455, cao đẳng (CĐ) 450; chỉ tiêu cho các trường thành viên như sau: ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển 3.040 chỉ tiêu ĐH và 300 chỉ tiêu CĐ; ĐH Bách khoa 3.800 ĐH và 150 CĐ; ĐH Kinh tế-Luật 1.400 ĐH; ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn 2.850 ĐH; ĐH Quốc tế 1.180 ĐH; ĐH Công nghệ Thông tin 1.000 chỉ tiêu; Khoa Y 175 chỉ tiêu.
Điều kiện chung nhận hồ sơ xét tuyển: Tốt nghiệp THPT. Ở bậc ĐH: Thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình 3 năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên; CĐ: Thí sinh có trung bình cộng các điểm trung bình 3 năm học (lớp 10, 11, 12) từ 6 trở lên.
ĐH Kinh tế - Luật ngoài 3 tổ hợp môn thi truyền thống (A, A1 và D1), dự kiến năm nay có thêm một tổ hợp môn thi xét tuyển mới: Toán, Ngoại ngữ và bài thi Khoa học tự nhiên (các môn Lí, Hóa, Sinh).
Năm 2017, Trường dự kiến mở thêm lớp chất lượng cao ngành Thương mại điện tử và 2 lớp chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm ngành Tài chính-Ngân hàng và Kế toán.
ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng công bố phương án tuyển sinh dự kiến. Theo đó, trường tuyển sinh 17 ngành bậc ĐH thuộc 2 tổ hợp môn A00, A01, D01, B00 và A00, A01, D01, TN; lấy 90% chỉ tiêu xét từ điểm thi THPT quốc gia, 10% xét từ kết quả học bạ trung học phổ thông, điều kiện là điểm tổng kết của từng năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 6 trở lên.
Trường tuyển sinh 8 ngành bậc CĐ, mỗi ngành 30-40 chỉ tiêu, trong đó, 50% chỉ tiêu xét từ điểm thi trung học phổ thông quốc gia, 50% xét từ kết quả học bạ trung học phổ thông, điều kiện là điểm tổng kết của các năm lớp 10, 11, 12 đạt từ 5 trở lên.
ĐH Công nghiệp TPHCM dự kiến tuyển sinh 7.780 chỉ tiêu cho 25 ngành bậc ĐH (bao gồm chính quy và chất lượng cao). Trường tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017 với căn cứ xét tuyển như sau: Điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển (được làm tròn đến 0,25 và không nhân hệ số); cộng với điểm ưu tiên đối tượng, điểm ưu tiên khu vực (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Điểm bài thi Khoa học tự nhiên và điểm bài thi Khoa học xã hội là điểm trung bình chung của các môn thi thành phần. Điều kiện phụ: Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo điều kiện phụ là điểm thi môn chính trong tổ hợp xét tuyển (nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn).
Các tổ hợp xét tuyển của trường gồm: Khối A00: Toán, Vật lí, Hóa học; khối A01: Toán, Tiếng Anh, Vật lí; khối B00: Toán, Hóa học, Sinh học; khối D01: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; khối D07: Toán, Tiếng Anh, Hóa học; khối C01: Toán, Ngữ văn, Vật lí; khối C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; khối D14: Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử; khối D15: Ngữ văn, Tiếng Anh, Địa lí; khối D90: Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên; khối D96: Toán, Tiếng Anh, Khoa học xã hội.
ĐH Mở TPHCM dự kiến tuyển 3.900 chỉ tiêu cho 21 ngành, trong đó có 4 ngành mới gồm: Kinh doanh quốc tế; Kiểm toán; Quản trị nhân lực; Công nghệ thông tin. Các ngành có chương trình chất lượng cao gồm Quản trị kinh doanh; Tài chính-Ngân hàng; Kế toán; Luật Kinh tế; Ngôn ngữ Anh.