Cách để yêu nhau hơn khi về chung một nhà

Việc dọn về sống cùng nửa kia là cột mốc hạnh phúc trong cuộc đời, nhưng cũng có thể là nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa các cặp vợ chồng.

Không phải cặp đôi nào cũng dễ dàng hòa hợp khi dọn về sống chung.

TS người Mỹ Pauline Yeghnazar Peck nhận định cho dù cảm thấy sẵn sàng đến đâu, nhiều cặp đôi vẫn sẽ gặp trục trặc trong quá trình về chung một nhà do những thay đổi lớn về tâm lý, tài chính.

Do đó, mỗi người phải tôn trọng những cảm xúc dù là tích cực hay tiêu cực của bản thân và nửa kia trong bước ngoặt này.

Mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách xử lý về tài chính khác nhau. Theo diễn giả, doanh nhân chuyên về tâm lý tài chính Joyce Marter, vấn đề tiền bạc nên được thỏa thuận ngay từ đầu. Điều này có thể là thách thức khi có sự chênh lệch về thu nhập giữa hai người, hoặc một người chi tiêu nhiều, người kia lại tiết kiệm hơn.

Một số cặp vợ chồng gom tất cả tiền về một mối. Số khác tạo quỹ chung để chi tiêu cho việc chung và dùng tài khoản cá nhân để chi tiêu riêng. Cũng có cặp đôi chỉ giống như những người bạn cùng nhà và chia đều các chi phí.

Không có cách đúng hay sai, miễn là hai người đồng thuận. Nếu chọn chia sẻ tài chính, việc có các khoản nợ nần hoặc tài sản bí mật là không thể vì khi đó bạn đang trong tình trạng “ngoại tình tài chính”.

Các cặp đôi mới dọn về chung một nhà có thể cùng nhau đưa ra cách xử lý tài chính hiệu quả nhất.

Về tâm lý khi dọn về sống chung, Marelys Padilla, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ, cho hay thay đổi quan điểm có thể làm nên điều kỳ diệu.

“Chúng ta phải hiểu rằng những chuyển đổi trong cuộc sống có thể mang lại những cảm xúc phức tạp. Cách nhìn nhận thực tế hơn sẽ giúp vững tâm khi mọi chuyện diễn ra không như kỳ vọng”, bà nói.

Nhiều người trẻ có xu hướng lảng tránh những cảm giác không thoải mái đó, nhưng việc đối mặt sẽ giúp họ hiểu được gốc rễ của vấn đề.

Không có cách nào để biết cả hai sẽ thích nghi với hoàn cảnh sống mới này ra sao. Thực tế, cho dù có nhiều điểm chung đến đâu, việc chung sống đòi hỏi rất nhiều sự thỏa hiệp. Người thích nghi tốt nhất có lẽ là các cá nhân linh hoạt, cởi mở, luôn thiết lập và duy trì các ranh giới lành mạnh.

Thay vì nghĩ rằng mọi thứ phải luôn hoàn hảo, hãy thay đổi thái độ bằng cách tập trung vào niềm vui khi cùng nhau xây dựng mái ấm.

“Thông thường trong các mối quan hệ, một người sợ bị bỏ rơi trong khi người kia lại sợ cảm giác ngột ngạt, bị kiểm soát. Vì thế, hãy thể hiện sự phấn khích và thẳng thắn chia sẻ những nỗi sợ của bạn cùng nửa kia sẽ tạo ra cảm giác an toàn khi ở bên nhau và giảm bớt áp lực”, TS Pauline Yeghnazar Peck nói.

Thay đổi cách suy nghĩ, lắng nghe và chia sẻ với nửa kia thường xuyên là cách để đôi bên hòa hợp.

Chủ động khi phân chia việc nhà cũng là yếu tố quan trọng.

Ngoài việc nói về công việc nhà, hãy nói về thời điểm hoàn thành công việc.

Ví dụ, hai người có thể chia sẻ rằng việc dồn tất cả công việc nhà vào cuối tuần sẽ không hiệu quả và đề xuất chia nhỏ công việc và giải quyết từng việc trong suốt cả tuần.

Cuối cùng, mỗi người hãy cứ là chính mình, đừng đánh mất bản thân khi bạn hợp nhất cuộc sống của mình với người khác.

TS Yeghnazar Peck nhấn mạnh: “Ngay cả khi dành từng giây cho người mình yêu, bạn vẫn cần dành thời gian cho những sở thích của bản thân, tập thể dục và gặp gỡ bạn bè. Tôn vinh những khác biệt cá nhân này không phải là mối đe dọa đối với hôn nhân, mà nó cho thấy đây là mối quan hệ có nguồn lực, được nuôi dưỡng và cả hai sẵn sàng vì nhau. Đảm bảo rằng mỗi người cảm thấy cân bằng và tràn đầy năng lượng với những điều họ coi trọng”.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói