Những câu chuyện tình ấm áp...

(Baohatinh.vn) - Dù là thời chiến hay thời bình, tình yêu đôi lứa đã nhân lên sức mạnh để nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh cùng nhau vun đắp hạnh phúc, sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước.

“5 năm em vẫn đợi, 10 năm em vẫn chờ…”

Đi qua cầu Thọ Tường sang phía bên kia dòng sông La trong một ngày đầu xuân nắng nhẹ, chúng tôi gặp cựu binh Phạm Xuân Đảm (SN 1953, ở xã Liên Minh, Đức Thọ) và vợ là bà Trần Thị Lan (SN 1954). Dù cả hai đã đến tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhắc đến câu chuyện tình yêu vượt qua những năm tháng chiến tranh, gian khổ cùng nhau xây dựng hạnh phúc, ánh mắt của vợ chồng người cựu binh lại sáng lên. Câu chuyện của ông bà làm sống dậy cả một bầu trời ký ức về tình yêu tuổi trẻ gắn liền với khát vọng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Những câu chuyện tình ấm áp...

Cựu binh Phạm Xuân Đảm và vợ là bà Trần Thị Lan cùng ôn lại kỷ niệm xưa.

“Chúng tôi quen nhau khi cùng lên học cấp 3 (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Đức Thọ). Về sau, khi tôi lên đường nhập ngũ, dù chưa chính thức nói ra nhưng cả hai gia đình đều biết chuyện, xem như chúng tôi đã đính ước. Ngày chia tay tôi, Lan gửi bức thư với dòng nhắn “5 năm em vẫn đợi, 10 năm hay lâu hơn nữa em vẫn chờ. Khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, mình sẽ đoàn tụ” - cựu binh Phạm Xuân Đảm bồi hồi nhớ lại.

Tháng 12/1972, ông Đảm nhập ngũ, tham gia huấn huyện tại Quân đoàn 22 (ở Hương Sơn). Tháng 3/1973, ông được bổ sung vào Trung đoàn 270, Sư đoàn 341. Tháng 1/1975, Sư đoàn 341 được lệnh tiến thẳng vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Với khẩu hiệu “đi sâu, đi lâu, đi đến ngày toàn thắng”, tất cả cán bộ, chiến sỹ của toàn sư đoàn đều quyết tâm cao độ cùng toàn quân trải qua nhiều chiến dịch, trận đánh lớn góp phần giải phóng Dầu Tiếng, Bến Cát, Bàu Bàng (Bình Dương) và sau đó tiến vào Xuân Lộc (Đồng Nai), giải phóng Sài Gòn. Ông Phạm Xuân Đảm cùng đơn vị của mình đã có mặt tại Dinh Độc Lập vào chiều 30/4/1975.

Những câu chuyện tình ấm áp...

Ông Phạm Xuân Đảm và bà Trần Thị Lan thời trẻ.

Sau khi tiễn ông Đảm lên đường ra trận, bà Lan cũng tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến tại tỉnh Bolikhămxay (Lào). Cuối năm 1973, bà trở về làm thư ký cho HTX sản xuất tại địa phương. Mặc dù bà và ông Đảm chưa chính thức làm lễ ăn hỏi nhưng bà vẫn xem mình như là đứa con của gia đình người yêu. Trong lúc ông Đảm đi chiến đấu, bà thay ông chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau, chăm nom 7 đứa em còn nhỏ...

Sau ngày 30/4/1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong khi nhiều người cùng đơn vị với ông Đảm đã báo tin về thì ông vẫn “bặt vô âm tín” khiến bà Lan không khỏi lo lắng. Cho đến cuối năm 1975, bà mới nhận được tin tức từ người yêu. “Nhận được tin anh ấy còn sống, lành lặn, đang làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn, bao nhiêu dồn nén bấy lâu trong tôi đều vỡ òa. Cầm bức thư, tôi chạy nhanh ra chỗ vắng, khóc như mưa. Tôi giận anh quá vô tư không nghĩ đến mình và gia đình mà báo sớm nhưng sau này, tôi mới biết do điều kiện chiến tranh, thư tín thất lạc, đến chậm…” - bà Lan kể.

Những câu chuyện tình ấm áp...

Cuốn sổ lưu bút chép lại những bức thư bà Trần Thị Lan gửi chồng trong thời gian chiến tranh.

Tháng 12/1976, ông Đảm được về phép, cả hai làm đám cưới. Vợ chồng ở với nhau được 15 ngày thì ông lại phải vào đơn vị. Sau thời gian làm nhiệm vụ quân quản, đơn vị ông Đảm tiếp tục hành quân lên biên giới Tây Nam để chiến đấu. Tháng 8/1978, theo chính sách của Sư đoàn 341, bà Lan được vào thăm chồng. Cả hai gặp nhau ở Tổng kho Long Bình. Giữa năm 1979, đứa con gái đầu lòng của họ đã ra đời, hai vợ chồng thống nhất đặt tên con là Phạm Thị Thùy Vân với ý nghĩa kết quả của tình yêu từ người lính biên thùy và người vợ vượt qua đèo Hải Vân mà thành…

Cuối năm 1980, sau khi Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) giải phóng, Sư đoàn 341 được lệnh rút về nước, đóng quân ở Nghệ An. Gia đình ông Đảm có thêm người con gái thứ 2 sinh năm 1981 và người con trai sinh năm 1985… Năm 1986, ông phục viên.

Những câu chuyện tình ấm áp...

Ông Phạm Xuân Đảm và bà Trần Thị Lan cùng con cháu.

Đến nay, dù trải qua 53 năm từ yêu, chờ đợi, cưới rồi trở thành vợ chồng sống bên nhau, ông Đảm - bà Lan đã có với nhau 3 người con, 6 cháu nội, ngoại nhưng tình cảm vẫn luôn đượm nồng. Tình yêu của ông bà luôn được con cháu và những người xung quanh ngưỡng mộ. “Trong thời chiến, tình yêu, sự hy sinh của cô ấy là động lực để tôi hăng say chiến đấu. Trong thời bình, tình yêu giúp chúng tôi cùng chia sẻ khó khăn, cảm thông để xây dựng cuộc sống hạnh phúc” - cựu binh Phạm Xuân Đảm bày tỏ.

“Hai đầu nỗi nhớ” cho quê hương thanh bình

Vợ là cán bộ y tế, chồng là bộ đội thời bình nhưng với cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Quý (SN 1983, Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà) và Thiếu tá Phan Bá Nam (SN 1983, Đại đội 17 Công binh Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh, đóng ở Hương Khê) luôn “ở hai đầu nỗi nhớ”. Bởi, bên cạnh tình yêu đôi lứa, họ còn mang trên mình nhiệm vụ vì cộng đồng và đất nước.

Những câu chuyện tình ấm áp...

Gia đình nhỏ của Thiếu tá Phan Bá Nam và chị Nguyễn Thị Quý.

Chị Nguyễn Thị Quý cho biết: “Chúng tôi cưới năm 2010, đến nay đã được 13 năm nhưng thời gian vợ chồng sống bên nhau không nhiều. Bởi anh ấy thường xuyên phải trực ở đơn vị. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn yêu thương, tôn trọng nhau, cùng vun đắp, xây dựng hạnh phúc gia đình”.

Chị Quý công tác tại Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà từ năm 2009 đến nay, còn anh Nam thường xuyên được điều động công tác tại nhiều đơn vị quân sự trong tỉnh. Cả hai hiện đã có 2 đứa con trai, một cháu 12 tuổi và một cháu 4 tuổi. Giai đoạn khó khăn nhất là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, 2021. Lúc này, anh Nam là cán bộ ở Ban CHQS huyện Lộc Hà. Cả hai vợ chồng đều thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch nên có thời điểm 3 tháng liền cả hai không gặp nhau. Con cái phải gửi cho ông bà nội chăm sóc.

Những câu chuyện tình ấm áp...

Chị Nguyễn Thị Quý hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà.

Chị Quý kể: “Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là vào tháng 6/2021, khi dịch bệnh bùng phát ở thị trấn Lộc Hà, buộc chính quyền phải thiết lập vùng cách ly y tế. Trước đó cả tháng trời, hai vợ chồng đã không gặp nhau, công việc của anh cũng di chuyển liên tục nên hầu như không biết đang ở chỗ nào. Hôm đó, tôi cùng một số cán bộ y tế khác thực hiện lấy mẫu ở khu vực thị trấn, lúc đi qua chốt ở cầu Gia Mỹ (thị trấn Lộc Hà) thì cả hai vợ chồng nhìn thấy nhau. Tôi đang trong bộ áo bảo hộ, anh thì đang làm nhiệm vụ, không thể đến gần, cũng không nói chuyện, trong hoàn cảnh như thế chỉ biết nhìn nhau vẫy tay giây lát rồi theo công việc. Ngồi sau xe đồng nghiệp, ngoái lại nhìn thấy chồng dõi theo mà nước mắt tôi cứ tuôn trào…”.

Những câu chuyện tình ấm áp...

Chị Nguyễn Thị Quý hội ý cùng đồng nghiệp trong một ca trực tại Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà.

Tháng 5/2022, dịch bệnh được kiểm soát, Thiếu tá Phan Bá Nam lại được điều động làm nhiệm vụ tại đơn vị Đại đội 17, Công binh Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đóng ở Hương Khê. Dịp tết Nguyên đán 2023 vừa qua, hai vợ chồng cùng trực xuyên tết, đến mùng 6, cả gia đình mới đoàn tụ.

Thiếu tá Phan Bá Nam chia sẻ: “Công tác xa nhà, tôi càng thêm hiểu và thương vợ khi một mình vừa gánh vác việc gia đình, vừa phải hoàn thành công tác xã hội. Ai cũng muốn vợ chồng ở gần để cùng quan tâm, lo lắng cho nhau nhưng đặc thù công việc, chúng tôi chỉ biết gọi điện động viên nhau từng ngày. Dù xa nhưng tình yêu là động lực để tôi luôn nỗ lực trong công tác”.

Những câu chuyện tình ấm áp...

Thiếu tá Phan Bá Nam (cán bộ Đại đội 17 Công binh, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh).

Nghĩ về câu chuyện tình yêu của ông Phạm Xuân Đảm và bà Trần Thị Lan cùng anh Phan Bá Nam và chị Nguyễn Thị Quý, lời bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn như vang lên trong tôi “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”… Chợt nghĩ, dù thời đại nào, tình yêu và những cung bậc tha thiết cất lên từ sự chân thành, thủy chung, hy sinh luôn là những giai điệu đẹp đẽ, tạo nên sức mạnh kỳ diệu để mỗi lứa đôi vượt qua những khó khăn, cùng nhau xây đắp hạnh phúc.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.