Đất rừng bị xâm lấn nhiều năm...
Từ năm 2014 đến giữa năm 2017, một số người dân thôn 1, xã Hương Thọ đã tự ý vào khu vực rừng sản xuất ở tiểu khu 159 của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh (gọi tắt là Công ty Cao su Hương Khê) sẻ phát, lấn chiếm với diện tích khoảng 50ha.
Các hộ này bao gồm ông Đoàn Quốc Vĩnh, Phan Văn Tuấn, Trần Quốc Ân, Trần Văn Chiến, Phan Quang Đạt, Phan Văn Ngọc và Cao Xuân Thành.
Đám keo hơn 2 năm tuổi của hộ ông Trần Quốc Ân trồng trên phần đất rừng lấn chiếm của Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê
Khi có mặt tại hiện trường để kiểm chứng sự việc, chúng tôi thấy, trên diện tích đất sản xuất của doanh nghiệp này gần như không còn bóng dáng cây cao su vì đã bị trâu bò phá hại, không được chăm sóc cẩn thận nên bị chết, một số khác đã bị thanh lý...
Thay vào đó, xung quanh là những đám keo tràm xanh tốt, có độ tuổi từ 2-5 năm, một số đã được bao quanh bởi hàng rào thép gai, có những vùng đồi gần khu dân cư thì đã được trồng cam.
Những cây có đường kính lớn trong diện tích thuộc Công ty Cao su Hương Khê cho thấy, người dân đã vào đây lấn chiếm, trồng keo từ nhiều năm
Việc các hộ dân lấn chiếm đất rừng của doanh nghiệp nhiều năm đã gây bức xúc trong dư luận, tạo ra những tiền lệ xấu. Gần đây, vì cho rằng “họ làm được thì mình làm được”, Trần Kim Vũ (thôn 5) và Trần Văn Công (thôn 1), xã Hương Thọ, Vũ Quang lại vào khu vực rừng trên để sẻ phát, lấn chiếm. Nhưng do 2 đối tượng này đã phát nhầm sang rừng phòng hộ nên đã bị cơ quan điều tra khởi tố, chờ ra tòa xét xử.
Các bên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau
Rừng đã bị sẻ phát, lấn chiếm từ nhiều năm nhưng chủ rừng và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn không tập trung giải quyết dứt điểm, ngược lại có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau.
Các hộ lấn chiếm đất rừng ở tiểu khu 159 đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý nghiêm
Ông Phan Châu Sơn - Phó Giám đốc Công ty Cao su Hương Khê khẳng định: “Việc người dân Hương Thọ lấn chiếm đất rừng sản xuất của công ty là có thật và diễn ra từ khoảng năm 2014. Chúng tôi đã làm đúng trách nhiệm quản lý, bảo vệ của mình khi phát hiện và kịp thời báo cáo lên Chi cục Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương để phối hợp xử lý”.
Cũng theo ông Sơn, vào giữa năm 2017, công ty có tiến hành đo đạc, rà soát lại toàn bộ diện tích đất được UBND tỉnh giao và có đề xuất cắt diện tích đất rừng xung quanh đập Bượm (đã bị lấn chiếm) giao về cho UBND xã Hương Thọ quản lý. Tuy nhiên chính quyền địa phương không chịu nhận.
Ngoài quản lý lỏng lẻo thì nguyên nhân dẫn đến người dân lấn chiếm đất rừng ở tiểu khu 159 là do doanh nghiệp được giao nhiều đất nhưng sản xuất không hiệu quả (khu vực trồng cao su nay chỉ là bãi đất trống, chỉ lác đác vài cây bụi).
Thế nhưng, ông Tôn Quang Thanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang thì khẳng định ngược lại: “Không có chuyện Công ty Cao su Hương Khê phát hiện, báo cáo với chúng tôi kịp thời.
Việc xảy ra năm 2014 nhưng đến cuối năm 2017 họ mới báo cáo, và khi đó thì đã quá thời hạn xử lý theo quy định. Hiện chúng tôi đang phải chờ ý kiến chỉ đạo của huyện vì cây trồng của bà con đã lớn, có một số diện tích đã thu hoạch được nên nếu chặt phá thì sẽ lãng phí, có thể làm tình hình phức tạp hơn”.
Những hàng keo của các hộ dân khá lớn, trong khi bên kia đường mòn là rừng cao su của Công ty Cao su Hương Khê Hà Tĩnh chỉ là cây bụi
Còn ông Võ Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thọ thì bức xúc: “Về chức năng, nhiệm vụ, chúng tôi đã nhắc nhở, xử lý công dân vi phạm theo đúng thẩm quyền và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc. Nhưng việc công ty đòi cắt phần đất đã bị lấn chiếm về cho xã quản lý thì chúng tôi kiên quyết không nhận, vì đây là đất tranh chấp và doanh nghiệp muốn chuyền “quả bóng trách nhiệm” về cho xã”.
Trao đổi về sự việc, ông Phạm Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho rằng: “Để xẩy ra tình trạng này, lỗi chính thuộc về doanh nghiệp vì rừng đã được giao cho họ quản lý, sử dụng. Quản lý không tốt, để xẩy ra tranh chấp lại kêu chính quyền. Còn quan điểm xử lý của huyện là rừng của ai thì trả về cho chủ đó, dân lấn chiếm thì chặt cây và trả đất về cho doanh nghiệp”.
Trong vùng đất lấn chiếm trái phép, ngoài keo thì ông Đoàn Quốc Vĩnh cũng đã trồng cam và bắt đầu cho thu hoạch
“Việc Công ty Cao su Hương Khê cắt đất chuyển về cho xã chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh. Nhưng đất này phải “sạch”, tranh chấp, lấn chiếm phải được xử lý mới nhận. Không có chuyện chính quyền nhận diện tích đất lấn chiếm, tranh chấp này rồi về hợp thức hóa cho những người vi phạm, tạo tiền lệ xấu cho những nơi khác” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quốc Thanh khẳng định.
Lời kết
Có thể khẳng định rằng, để tình trạng này xẩy ra, cả chủ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và người dân vi phạm đều có lỗi. Vì vậy, các thành phần có liên quan đều phải có trách nhiệm phối hợp xử lý dứt điểm theo các quy định hiện hành, tránh để kéo dài sẽ phát sinh những phức tạp mới.