'Canh bạc' đầy rủi ro của tỷ phú Elon Musk khi lập đảng Nước Mỹ

Ngày 5/7, tỷ phú công nghệ Elon Musk tuyên bố thành lập đảng chính trị mới - đảng Nước Mỹ, đánh dấu bước đi táo bạo trong sự nghiệp đầy tham vọng của ông.

Động thái này không chỉ là phản ứng trước những bất đồng gay gắt với Tổng thống Donald Trump về “Đạo luật to đẹp” (OBB) mà còn thể hiện khát vọng thay đổi cấu trúc chính trị Mỹ, vốn bị chi phối bởi hệ thống lưỡng đảng suốt gần hai thế kỷ.

Tuy nhiên, dù sở hữu nguồn lực tài chính khổng lồ, tầm ảnh hưởng truyền thông rộng lớn và lượng người theo dõi đông đảo trên nền tảng X, việc lập đảng mới của Elon Musk đối mặt với vô số rủi ro và thách thức. Liệu đảng Nước Mỹ có thể phá vỡ thế độc quyền của hai đảng lớn hay chỉ là nỗ lực tốn kém nhưng khó thành công?

Bối cảnh: Từ đồng minh đến đối thủ của Tổng thống Trump

Elon Musk từng là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump năm 2024, với khoản đóng góp ước tính hơn 250 triệu USD. Ông cũng giữ vai trò lãnh đạo Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE), một cơ quan được thành lập để cắt giảm chi tiêu công và cải cách bộ máy liên bang.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Elon Musk và Tổng thống Trump đã rạn nứt nghiêm trọng khi tỷ phú Musk công khai chỉ trích “Đạo luật to đẹp” (OBB), một luật chi tiêu và thuế với tổng chi phí lên tới 4.500 tỷ USD, được ông Trump ký thành luật vào ngày 4/7 vừa qua.

Dự luật này không chỉ biến các chính sách cắt giảm thuế từ năm 2017 thành quy định lâu dài mà còn chấm dứt các khoản tín dụng thuế cho xe điện mới và đã qua sử dụng từ ngày 30/9 tới, thay vì cuối 2030 như luật hiện hành. Điều này được coi là một đòn giáng mạnh vào Tesla, công ty xe điện hàng đầu của Elon Musk.

Hơn nữa, OBB nâng trần nợ công thêm 5.000 tỷ USD, đẩy thâm hụt ngân sách liên bang trong giai đoạn 2025-2034 lên gần 3.300 tỷ USD, theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO). Ông Musk nói rằng, những yếu tố này đi ngược lại nỗ lực cắt giảm chi tiêu mà ông từng cam kết.

Ngày 4/7, nhân dịp Quốc khánh Mỹ, ông Musk đăng trên X: “Ngày Quốc khánh là thời điểm hoàn hảo để hỏi liệu bạn có muốn thoát khỏi hệ thống hai đảng hay không? Chúng ta có nên thành lập đảng Mỹ không?”. Cuộc khảo sát trên X thu hút hơn 1,2 triệu lượt tham gia, với 65,4% ủng hộ ý tưởng lập đảng mới. Một ngày sau, Musk tuyên bố: “Với tỉ lệ 2:1, bạn muốn một đảng chính trị mới và bạn sẽ có nó! Hôm nay, đảng Nước Mỹ được thành lập để trả lại tự do cho các bạn”.

Tuy nhiên, tham vọng này không chỉ là thử thách chính trị mà còn là "canh bạc" đầy rủi ro đối với Musk.

Rủi ro pháp lý: Hệ thống bầu cử bất lợi và quy định nghiêm ngặt

Một trong những rủi ro lớn nhất mà tỷ phú Musk phải đối mặt là hệ thống pháp lý phức tạp của Mỹ, vốn được thiết kế để ưu ái hai đảng lớn - Dân chủ và Cộng hòa. Theo giáo sư khoa học chính trị Alan Abramowitz từ Đại học Emory, “Hệ thống được thiết lập gần như khiến các đảng thứ ba không thể thành công”. Hệ thống bầu cử “người thắng được tất cả” tại Mỹ khiến các đảng nhỏ khó giành được ghế trong Quốc hội, vì ngay cả khi có tỷ lệ phiếu phổ thông cao, ứng viên đảng thứ ba vẫn khó tích lũy đủ phiếu đại cử tri ở từng bang.

Mỗi bang tại Mỹ có quy định riêng về việc công nhận một đảng chính trị và đưa ứng viên lên lá phiếu bầu. Ví dụ, các bang yêu cầu thu thập một số lượng chữ ký ủng hộ nhất định từ cử tri, một quá trình tốn kém và kéo dài nhiều năm. Luật sư bầu cử kỳ cựu Brett Kappel nhấn mạnh: “Việc thành lập đảng mới là quá trình dài và thách thức, với những trở ngại từ phức tạp đến cực kỳ khó vượt qua”. Để đảng Nước Mỹ xuất hiện trên lá phiếu ở 50 bang, ông Musk sẽ cần xây dựng bộ máy tổ chức quy mô lớn, điều mà ngay cả những phong trào chính trị lớn trong lịch sử cũng hiếm khi đạt được.

Đạo luật Cải cách Chiến dịch Lưỡng đảng McCain-Feingold năm 2022 càng làm tăng thêm khó khăn bằng cách đặt ra giới hạn nghiêm ngặt về tài trợ cho các đảng chính trị. Một cá nhân chỉ được đóng góp tối đa 450.000 USD/năm cho một đảng, bao gồm các tài khoản chính và phụ.

Lee Goodman, cựu chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), giải thích: “Một tỷ phú không thể cấp vốn cho đảng mới theo cách ông khởi nghiệp kinh doanh, vì có những giới hạn đóng góp của liên bang”. Điều này có nghĩa là ông Musk không thể chỉ dựa vào tài sản cá nhân để bơm tiền cho “Đảng Nước Mỹ”, mà phải tìm kiếm hàng nghìn nhà tài trợ khác, một nhiệm vụ không hề đơn giản.

Dù một số án lệ cho phép các khoản đóng góp lớn hơn trong giai đoạn khởi tạo đảng, quá trình này vẫn “rất phức tạp và cực kỳ khó thực hiện”, theo giáo sư luật Bradley Smith từ Trường Luật Đại học Capital. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu pháp lý, đảng Nước Mỹ có nguy cơ không được công nhận ở nhiều bang, làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh trong các cuộc bầu cử.

Tỷ phú Elon Musk tham dự cuộc họp báo tại Nhà Trắng cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tháng 5. Mối quan hệ giữa họ đã xấu đi nghiêm trọng gần đây sau khi công khai chỉ trích nhau trên mạng xã hội (Ảnh: Reuters).

Rủi ro tài chính: Không thể “mua” được một đảng chính trị

Tỷ phú Musk hiện là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng vượt mốc 405,2 tỷ USD, theo Forbes. Tuy nhiên, ngay cả nguồn lực tài chính khổng lồ của ông cũng không đủ để vượt qua các rào cản tài chính trong việc thành lập một đảng mới.

Việc xây dựng một đảng chính trị đòi hỏi không chỉ tiền mà còn mạng lưới tổ chức bền vững, từ việc thuê nhân sự, xây dựng trụ sở tại các bang, đến tổ chức chiến dịch tranh cử. Theo Goodman, để thành công, Elon Musk “sẽ phải mất nhiều năm và có thể phải thay đổi cả luật pháp trên khắp nước Mỹ”.

Trong khi Musk có thể sử dụng siêu PAC “America PAC” (Ủy ban Hành động Chính trị) - nơi ông đã chi hơn 40,5 triệu USD năm 2024 để hỗ trợ Tổng thống Trump - để tài trợ cho các ứng viên độc lập, việc chuyển hướng PAC này để hỗ trợ đảng Nước Mỹ cũng không đơn giản. Siêu PAC cho phép quyên góp không giới hạn, nhưng chúng không thể trực tiếp cấp vốn cho một đảng chính trị theo cách tương tự như tài trợ cho các ứng viên. James Fishback, cựu cố vấn DOGE và người ủng hộ ông Trump, đã thành lập FSD PAC với khoản tài trợ ban đầu 1 triệu USD để đối trọng với Musk, cho thấy sự cạnh tranh tài chính sẽ ngày càng khốc liệt.

Hơn nữa, việc Elon Musk dấn thân vào chính trị có thể gây ra phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư. Cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 5% ngày 1/7 sau khi Musk công bố ý định lập đảng mới, do lo ngại ông sẽ phân tâm khỏi vai trò điều hành tại công ty. Nếu đảng Nước Mỹ thất bại, ông Musk không chỉ mất đi nguồn lực tài chính mà còn có nguy cơ làm tổn hại uy tín, giá trị các doanh nghiệp của mình (Tesla, SpaceX, và X).

Rủi ro chính trị: Đối đầu với hệ thống lưỡng đảng

Hệ thống lưỡng đảng của Mỹ đã thống trị chính trường suốt gần hai thế kỷ; các đảng thứ ba hiếm khi tạo được ảnh hưởng lâu dài. Theo giáo sư Larry Sabato từ Đại học Virginia: “Việc lập một đảng mới là vô cùng khó khăn. Những người như chúng tôi, sau hàng thập kỷ nghiên cứu, đều biết rằng bạn phải sẵn sàng dành lượng lớn thời gian, tiền bạc và lên kế hoạch cực kỳ kỹ lưỡng”. Lịch sử cho thấy các đảng thứ ba như chiến dịch của Ross Perot năm 1992 thường chỉ tạo ra sự phấn khích ngắn hạn mà không thể phá vỡ cấu trúc quyền lực của hai đảng lớn.

Tỷ phú Musk đã đề xuất một chiến lược tập trung vào việc giành 2-3 ghế Thượng viện và 8-10 ghế Hạ viện để trở thành “lá phiếu quyết định” trong các dự luật gây tranh cãi. Ông lập luận rằng với sự chênh lệch sít sao hiện nay tại Quốc hội, một số lượng nhỏ ghế cũng đủ để tạo ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, chiến lược này đối mặt với thách thức lớn từ lòng trung thành của cử tri. Theo CNN, khoảng 90% đảng viên Cộng hòa ủng hộ ông Trump và 96% ứng viên do ông Trump hậu thuẫn đã thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024. Điều này cho thấy Elon Musk khó có thể lôi kéo được cử tri Cộng hòa, đặc biệt khi họ “gắn bó với Trump hơn là Musk”.

Đảng Dân chủ cũng không phải là mục tiêu dễ dàng. Chuyên gia Abramowitz nhận định: “Phe Dân chủ ghét ông Musk”, chủ yếu do các phát ngôn gây tranh cãi của ông và việc ông từng ủng hộ ông Trump. Kết quả là, đảng Nước Mỹ có nguy cơ bị kẹt giữa lằn ranh: không đủ hấp dẫn với cử tri Dân chủ, nhưng lại gây chia rẽ trong nội bộ Cộng hòa, làm giảm cơ hội của đảng này trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026.

Rủi ro xã hội: Thuyết phục cử tri và ứng viên

Một thách thức lớn khác là thuyết phục cử tri và ứng viên tham gia đảng Nước Mỹ. Theo Abramowitz, rất khó thuyết phục mọi người bỏ phiếu cho ứng viên của đảng thứ ba vì lý lẽ luôn là "bạn đang lãng phí phiếu bầu". Tâm lý này xuất phát từ hệ thống bầu cử “người thắng được tất cả”, khiến cử tri lo ngại bỏ phiếu cho một đảng nhỏ sẽ gián tiếp giúp đối thủ mạnh hơn chiến thắng. Cuộc khảo sát của Quantus Insights cho thấy 40% cử tri sẵn sàng cân nhắc ủng hộ đảng mới của Elon Musk, nhưng con số này chưa đủ để đảm bảo thành công trong hệ thống bầu cử khắc nghiệt.

Việc thu hút ứng viên chất lượng cũng là một vấn đề. Các chính trị gia thường ngại tham gia một đảng mới vì thiếu mạng lưới tổ chức cấp cơ sở và sự hỗ trợ từ truyền thông dòng chính, vốn thường xem các đảng thứ ba là “gây nhiễu”. Tỷ phú Musk có thể sử dụng tầm ảnh hưởng cá nhân với hơn 200 triệu người theo dõi trên X để khuấy động dư luận, nhưng điều này không đảm bảo rằng các ứng viên tiềm năng sẽ mạo hiểm rời bỏ hai đảng lớn để gia nhập “Đảng Nước Mỹ”.

Rủi ro cá nhân: Phân tâm và có thể ảnh hưởng uy tín

Dấn thân vào chính trị không chỉ đòi hỏi Elon Musk đầu tư tài chính và thời gian mà còn có nguy cơ làm tổn hại uy tín cá nhân và các doanh nghiệp của ông. Việc chỉ trích ông Trump và lập đảng mới đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phe Cộng hòa. Ông Trump từng đe dọa cắt các khoản trợ cấp liên bang cho Tesla và SpaceX, đồng thời cảnh báo Musk sẽ đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu tiếp tục chống đối. Những lời đe dọa này không chỉ là áp lực chính trị mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của Tesla, vốn đã mất hơn 1,2 tỷ USD từ việc loại bỏ tín dụng thuế xe điện.

Ngoài ra, Elon Musk đang quản lý nhiều công ty lớn như Tesla, SpaceX, X, Neuralink và xAI, khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng ông có thể bị “quá tải” khi dấn thân vào chính trị. Giáo sư Grant Davis Reeher từ Đại học Syracuse đặt câu hỏi: “Liệu ông Musk có theo đuổi lâu dài không?”. Nếu đảng Nước Mỹ thất bại, uy tín của Musk có thể bị ảnh hưởng, làm giảm niềm tin từ cổ đông và khách hàng.

Cơ hội và triển vọng: Liệu Elon Musk có thể thành công?

Dù đối mặt với nhiều rủi ro, tỷ phú Elon Musk vẫn có một số lợi thế nhất định. Thứ nhất, ông sở hữu tầm ảnh hưởng cá nhân vượt trội, với khả năng khuấy động dư luận thông qua X. Thứ hai, sự bất mãn ngày càng tăng với hệ thống lưỡng đảng, như nhận định của tờ Washington Post: “Sự xuất hiện của Đảng Nước Mỹ là dấu hiệu rõ ràng về sự bất mãn ngày càng lớn đối với hệ thống hiện nay”. Thứ ba, Elon Musk có thể tận dụng nguồn lực tài chính và công nghệ để xây dựng một chiến dịch tranh cử hiệu quả, đặc biệt nếu tập trung vào các ghế “dễ bị tổn thương” tại Quốc hội.

Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý rằng cơ hội thành công của đảng Nước Mỹ là rất thấp. Giáo sư Abramowitz nhấn mạnh: “Các nỗ lực thành lập đảng thứ ba thường nảy sinh từ những phong trào lớn có chung quan điểm, lý tưởng, không phải chỉ cần một tỷ phú quyết định là được”. Lịch sử chính trị Mỹ cho thấy chỉ một số ít đảng thứ ba như Đảng Cộng hòa vào thế kỷ 19, có thể thay thế một trong hai đảng lớn, và điều này đòi hỏi một phong trào xã hội rộng lớn, điều mà Musk chưa chứng minh được.

Ông Musk, với tài năng và tầm nhìn đã thay đổi ngành công nghiệp công nghệ, giờ đây đối mặt với thử thách lớn nhất trong sự nghiệp: thành lập một đảng chính trị mới để thách thức hệ thống lưỡng đảng Mỹ. Tuy nhiên, những rủi ro pháp lý, tài chính, chính trị và xã hội mà ông phải đối mặt là cực kỳ lớn. Từ hệ thống bầu cử bất lợi, quy định tài chính nghiêm ngặt, đến lòng trung thành của cử tri và sự thiếu hụt tổ chức cấp cơ sở, đảng Nước Mỹ đứng trước nguy cơ trở thành giấc mơ khó thành hiện thực.

Dù Musk có thể tận dụng siêu PAC để hỗ trợ các ứng viên độc lập và gây ảnh hưởng trong ngắn hạn, việc xây dựng một đảng chính trị bền vững đòi hỏi nhiều hơn chỉ tiền bạc và danh tiếng. Như giáo sư Sabato nhận định: “Về lý thuyết thì điều này hoàn toàn khả thi, nhất là với người giàu nhất thế giới. Nhưng đây là việc vô cùng khó khăn”.

Cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2026 sẽ là bài kiểm tra đầu tiên cho tham vọng của Elon Musk, nhưng với những rủi ro hiện tại, đảng Nước Mỹ có nguy cơ là một "canh bạc" trong sự nghiệp của ông.

dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói