Một buổi thực hành kiến thức QP - AN cho đối tượng 3 tại Trung đoàn 841 - Bộ CHQS Hà Tĩnh.
Mới đầu giờ sáng nhưng trên bãi huấn luyện chuyên ngành giáo dục QP-AN của Trường Đại học Hà Tĩnh, các sinh viên trong bộ quân phục màu xanh đã say sưa, miệt mài thực hành kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK, kỹ thuật chiến đấu tiến công với những động tác khá thuần thục và chuẩn xác.
Sinh viên Hồ Thị Phương Thảo, K12 Khoa Sư phạm chia sẻ: “Tham gia lớp học kiến thức về quân sự, chúng em không chỉ tiếp thu những kiến thức về QP-AN, bảo vệ Tổ quốc, những kỹ năng cơ bản về quân sự mà còn được rèn luyện nếp sống kỷ luật, tác phong quân sự, tinh thần đoàn kết, ý thức tập thể, trách nhiệm cộng đồng”.
Cơ quan quân sự huyện Can Lộc phối hợp với chính quyền và đại diện Ban hành giáo xứ Hòa Mỹ, xã Xuân Lộc tuyên truyện, vận động gia đình giáo dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đại tá Lê Hồng Nhân - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho rằng: “Để công tác giáo dục QP-AN đi vào nền nếp, đạt chất lượng, hiệu quả, cơ quan quân sự các cấp đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó, quân sự và công an đóng vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, chỉ đạo công tác giáo dục QP-AN ở cơ sở”.
Bộ CHQS tỉnh đã chủ động tham mưu triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác giáo dục QP-AN cho các đối tượng theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng, hiệu quả. Theo đó, Hội đồng Giáo dục QP-AN từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, đúng thành phần; các thành viên phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong tham mưu, tổ chức thực hiện.
Mạng lưới giáo viên giáo dục QP-AN các cấp từng bước được chuẩn hóa; trong đó, giáo viên chuyên trách giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên chiếm 28%, giáo viên kiêm nhiệm 72%.
Cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Lộc Hà phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động chủ tàu thuyền, ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Ông Võ Tá Lân - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cùng với việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tăng cường mạng lưới báo cáo viên, chúng tôi đã xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ dân phố liên kết”, “Tổ liên gia đoàn kết”, “Tổ an ninh nhân dân”... Cùng với đó, tăng cường đối thoại, trao đổi, giải đáp những vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở nên mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được chuyển tải đến tận người dân”.
Điểm nhấn trong việc đổi mới nội dung, hình thức giáo dục QP-AN ở các địa phương trong toàn tỉnh đó là phát huy vai trò, hiệu quả của hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là mạng lưới thông tin đại chúng, truyền thanh nhằm chuyển tải thông tin đến với Nhân dân bằng tinh thần: “Mỗi cán bộ, đảng viên ở từng khối phố, thôn, bản là những “báo cáo viên” ngay tại cơ sở”.
Học sinh trường THPT Hồng Lĩnh thực hành kiểm tra bài “5 kỹ thuật băng bó vết thương” tại Hội thao giáo dục QP - AN năm 2020.
Theo số liệu thống kê hằng năm, công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức QP-AN cho các đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ 4,5-30%. Riêng năm 2020, Trung đoàn 841 đã mở 4 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 328 cán bộ đối tượng 3; 13 huyện, thành phố, thị xã mở 51 lớp cho 6.404 cán bộ đối tượng 4; các trường đại học, cao đẳng, THPT trong toàn tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho trên 54.500 học sinh, sinh viên...
Hà Tĩnh là một trong những địa phương được Hội đồng Giáo dục QP - AN Quân khu IV tặng bằng khen về công tác giáo dục QP - AN năm 2020.
Nhờ đổi mới nội dung, hình thức gắn với nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN, các địa phương trong tỉnh đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về 2 nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.