Kyiv Post đưa tin, nhiều quốc gia châu Âu đang xem xét triển khai các chiến đấu cơ của lực lượng không quân quốc gia tới khu vực miền Tây Ukraine nhằm hỗ trợ tăng cường hệ thống phòng không của nước này, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow vẫn chưa có tiến triển.
Theo Al Jazeera, kế hoạch này nhằm thúc đẩy sáng kiến mang tên SkyShield bằng cách cung cấp hơn 100 chiến đấu cơ để tuần tra và bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự cũng như các hành lang xuất khẩu của Ukraine trước nguy cơ bom rơi, đạn lạc.
SkyShield là một chiến lược phòng không được đề xuất vào tháng 2 bởi cựu nghị sĩ Ukraine Lesya Orobets, người sáng lập tổ chức phi chính phủ "Cái giá của Tự do", phối hợp cùng các chuyên gia hàng không đến từ Anh và Ukraine.
Theo nguồn tin, hiện kế hoạch này được Anh và Pháp xem xét, với sự tham khảo ý kiến từ các quốc gia châu Âu khác, và nhiều khả năng chỉ được triển khai sau khi Nga - Ukraine đạt được lệnh ngừng bắn.
Các bên ủng hộ kế hoạch nói trên lập luận trong một báo cáo của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) công bố hồi tháng 3 rằng: "Chỉ cần huy động 120 chiến đấu cơ châu Âu, SkyShield có thể tạo ra hiệu ứng quân sự, chính trị và kinh tế, xã hội lớn hơn nhiều so với việc triển khai 10.000 binh sĩ mặt đất".
Theo kế hoạch đề xuất, các máy bay sẽ được bố trí tại các căn cứ ở Ba Lan và Romania, và chủ yếu hoạt động ở phía tây sông Dnipro, cách tiền tuyến hiện tại ít nhất 200km.
Những người ủng hộ cho rằng nguy cơ va chạm trực tiếp với Nga là thấp, do máy bay Nga trong nhiều tháng qua đã tránh bay vào không phận Ukraine vì lo ngại hệ thống phòng không của Kiev.
SkyShield có thể giúp giải phóng lực lượng không quân Ukraine khỏi nhiệm vụ phòng thủ hiện tại, từ đó cho phép quân đội Ukraine tập trung nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động tấn công nhằm vào Nga.
Tuy nhiên, phe phản đối lại cho rằng hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine vốn đã có hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa và UAV Nga. Việc sử dụng chiến đấu cơ để bảo vệ bầu trời trong môi trường chiến tranh hiện đại, nơi UAV giá rẻ chiếm ưu thế, là một lựa chọn tốn kém và không hiệu quả.
Một mối lo lớn khác là điều gì sẽ xảy ra nếu các phi công châu Âu bị thương hoặc thiệt mạng khi làm nhiệm vụ bảo vệ Ukraine khi mang cờ của một quốc gia NATO.
"Chỉ cần một chiến đấu cơ châu Âu bị bắn hạ và phi công thiệt mạng, sẽ rất khó để chính phủ nước đó giải thích với người dân", Đại tá Konstantinos Zikidis thuộc Không quân Hy Lạp chia sẻ với Al Jazeera.
Việc bắn hạ chiến đấu cơ F-16 hiện đang trở thành mục tiêu ưu tiên của phía Nga. Ukraine gần đây đã mất chiếc máy bay chiến đấu thứ 3 hôm 16/5 nhưng phi công đã kịp thời thoát hiểm sau khi tiêu diệt 3 mục tiêu trong nhiệm vụ chiến đấu.
Các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV của Nga ngày càng trở nên dồn dập hơn kể từ khi chiến sự nổ ra năm 2022. Cuối tuần qua, Nga phóng tới 273 chiếc UAV Shahed vào lãnh thổ Ukraine, số lượng lớn chưa từng có trong một đợt tấn công.