Chiến tranh Mỹ - Triều Tiên không thể lập tức xảy ra?

Bất kể tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang căng như dây đàn, nhiều chuyên gia quốc tế vẫn tin rằng không thể lập tức xảy ra chiến tranh Mỹ - Triều Tiên.

chien tranh my trieu tien khong the lap tuc xay ra

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Reuters

Các nước ở khu vực Đông Bắc Á những ngày qua đều trong trạng thái căng như dây đàn khi cuộc chiến ngôn từ cùng khẩu khí đe dọa giữa Washington và Bình Nhưỡng có nguy cơ đẩy lên thành một cuộc xung đột thực tế.

Nóng nhưng vẫn chưa… quá nóng

Quả thực nếu một cuộc chiến tranh như vậy xảy ra, đó sẽ là một thảm họa vô cùng kinh hoàng. Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế, khả năng chiến tranh Mỹ - Triều là không thể xảy ra.

Hãng tin AP dẫn nhận định của một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, mặc dù không có nhiều nguy cơ xảy ra chiến tranh ngay lập tức giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, tuy nhiên Bắc Kinh cũng sẽ có phản ứng mạnh tay với bất cứ vụ thử hạt nhân tiếp theo nào của quốc gia láng giềng.

Giám đốc của Viện nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Đại học Jilin, ông Gui Rui, cho rằng những vướng mắc trong vấn đề đối nội của tổng thống Trump sẽ ngăn ông ấy không triển khai một hành động tấn công với CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, cũng theo chuyên gia này, CHDCND Triều Tiên tỏ ra không sẵn sàng để khởi động một cuộc chiến tranh với Mỹ.

Cũng theo ông Gui Rui mặc dù căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức “rất nóng”, nhưng cũng chưa tới mức có thể bùng phát một cuộc chiến tranh ngay lúc này.

Ông Gui Rui nêu nhận định, nếu CHDCND Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân tiếp theo, động thái đó sẽ khiến Bắc Kinh triển khai thêm những biện pháp ứng phó mạnh tay hơn với quốc gia đồng minh của họ.

Theo đó, những biện pháp mà ông Gui Rui cho rằng có thể được Trung Quốc áp dụng là áp thêm các quy định hạn chế mới với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào CHDCND Triều Tiên, và giảm bớt lượng khách du lịch Trung Quốc được phép tới Bình Nhưỡng.

Chưa cần “tấn công phủ đầu”

Tạp chí Time dẫn ý kiến của các chuyên gia cũng thể hiện quan điểm đồng tình cho rằng khó có thể xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên lúc này.

Các chuyên gia của Time cho rằng, nếu căn cứ vào nội hàm khái niệm một cuộc “tấn công phủ đầu”, tức là một cuộc tấn công nhằm ngăn chặn một nguy cơ đã biết và tức thời, thì có nghĩa Mỹ sẽ tiến hành cuộc tấn công này căn cứ vào những thông tin tình báo họ thu thập được cho thấy CHDCND Triều Tiên có âm mưu tấn công một quốc gia có chủ quyền khác.

Tuy nhiên tại thời điểm này, theo các chuyên gia, chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ này.

Theo ông Daniel Pinkston, giảng viên tại Đại học Troy ở Seoul (Hàn Quốc): “Một cuộc tấn công vô cớ vào các đồng minh của Mỹ sẽ làm kích hoạt một vấn đề mà CHDCND Triều Tiên luôn muốn né tránh nhất”.

Chuyên gia này lý giải: “CHDCND Triều Tiên hiểu rõ ràng nếu họ dính vào một cuộc chiến tranh toàn diện, họ sẽ thua”.

Ở một góc độ tiếp cận khác, tờ Time cho rằng, nếu khả năng về một cuộc tấn công phủ đầu không xảy ra, thì hai vấn đề khác sẽ nảy sinh trong tình huống hiện tại: Bình Nhưỡng sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân khác vi phạm các hiệp ước quốc tế nhằm cảnh cáo những nước khác và Mỹ sẽ phản ứng như thế nào với việc này.

Phó giáo sư John Delury của đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho rằng, một vụ thử hạt nhân không thể được xem là nguy cơ an ninh tức thời với Mỹ hay các đồng minh của Mỹ.

Do đó theo ông John Delury, một phản ứng mạnh mẽ và nghiêm trọng bằng vũ lực quân sự với một cuộc thử như vậy rõ ràng là không thích đáng, và “một tổng thống Mỹ có trách nhiệm” sẽ không lựa chọn cách hành động đó.

Chưa kể là theo chuyên gia này, động thái phản ứng một cuộc thử nghiệm của một quốc gia bằng một đợt tấn công quân sự, ở đây có thể hiểu là tấn công vào cơ sở hạ tầng tại bãi thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, còn có thể cấu thành một hành vi chiến tranh.

Hậu quả khôn lường

Trong khi đó, không ai có thể biết chính xác CHDCND Triều Tiên sẽ phản ứng như thế nào nếu Mỹ tiến hành một cuộc tấn công với họ.

Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, nếu thực sự chuyện đó xảy ra, nó sẽ gây hậu quả thảm khốc khôn lường. Ông Delury nói: “CHDCND Triều Tiên sẽ trả đũa theo cách có thể gây ra sự tổn thất kinh khủng về người”.

Giáo sư Sean O’Malley chuyên ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Dongseo tại Busan (Hàn Quốc) nêu nhận định: “Họ (CHDCND Triều Tiên) có thể có một số lựa chọn hành động. Một trong số đó sẽ là nã pháo hướng về Seoul”.

Seoul, nơi có hơn 10 triệu người sinh sống, sẽ là mục tiêu thuộc diện có nguy cơ cao nhất nếu CHDCND Triều Tiên quyết định triển khai đợt tấn công trả đũa. Trong đó, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc chắc chắn sẽ là mục tiêu hàng đầu của Bình Nhưỡng.

Ước tính hiện có khoảng 28.000 binh sĩ Mỹ đang đóng tại một số căn cứ quân sự tại Hàn Quốc, nhiều người trong đó đóng tại căn cứ không quân ở phía nam Busan.

Hàn Quốc chỉ cách Bình Nhưỡng 120 dặm về phía nam và có khoảng 150.000 - 200.000 người Mỹ cư trú tại đây. Nếu binh biến xảy ra, đây sẽ là nhóm người đầu tiên sẽ phải di tản.

Chuyên gia O’Mally nói: “Nếu ông Trump tuân thủ chính sách đã được duy trì từ lâu, ông ấy sẽ không tấn công CHDCND Triều Tiên mà không thông báo trước với Hàn Quốc và Bắc Kinh”.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.