Chính phủ và Quốc hội Mỹ nỗ lực cứu vãn việc Chính phủ đóng cửa

Mặc dù liên tục đổ lỗi cho nhau, cả chính phủ và Quốc hội Mỹ đều tiếp tục đàm phán để tránh việc phải đóng cử chính quyền liên bang.

Chính phủ và Quốc hội Mỹ hôm 20/1 đã không ngừng đổ lỗi cho nhau về việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì ngân sách liên bang hết hiệu lực. Tuy nhiên, để tránh thiệt hại nảy sinh như đã từng xảy ra trong năm 2013, các nhà chính trị Mỹ cho biết sẽ tiếp tục đàm phán nhằm đi đến một kết quả tốt đẹp nhất.

chinh phu va quoc hoi my no luc cuu van viec chinh phu dong cua

Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Pinterest.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (20/1) đã chỉ trích phe Dân chủ đặt chính trị lên trên lợi ích của người dân Mỹ, dẫn đến việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì cạn kiệt ngân sách liên bang.

Viết trên mạng xã hội Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng, phe Dân chủ đã có thể “dễ dàng đạt được một thỏa thuận” với phe Cộng hòa nhưng lại lựa chọn để chính phủ đóng cửa.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng cần có thêm các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới để tránh xảy ra những tình huống tương tự.

Trong khi đó, phe Dân chủ thì lại đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ các đề xuất thỏa hiệp của hai đảng.

Trước đó, tối 19/1 (tức trưa 20/1 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã không có đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật chi tiêu tạm thời buộc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì ngân sách liên bang hết hiệu lực.

Mặc dù được Hạ viện thông qua song dự luật này không vượt qua được “cửa ải” tại Thượng viện với tỷ lệ phiếu sít sao 50 phiếu ủng hộ và 49 phiếu chống, tức là còn thiếu 10 phiếu nữa để dự luật được thông qua.

Theo luật Mỹ, với 54 ghế tại Thượng viện, đảng Cộng hòa không đủ số ghế cần thiết để thông qua dự luật mà không có sự ủng hộ của đảng Dân chủ. Bất đồng giữa hai đảng trong cuộc bỏ phiếu hôm qua thể hiện ở chỗ, đảng Cộng hòa muốn tập trung ngân sách cho vấn đề an ninh biên giới, cải cách nhập cư và tăng chi tiêu cho quân sự. Tuy nhiên, đảng Dân chủ lại yêu cầu bảo vệ hơn 700.000 người nhập cư không có giấy tờ song vào Mỹ từ khi còn trẻ.

Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ Mỹ phải dừng hoạt động. Mới đây nhất, năm 2013, Chính phủ Mỹ cũng đã phải dừng hoạt động trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không tìm được tiếng nói chung và không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ phải dừng hoạt động khi mà đảng Cộng hòa giữ quyền chi phối cả hai viện Quốc hội và Nhà Trắng.

Bất chấp những bất đồng, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa cho biết, họ sẽ tiếp tục đàm phán với nhau để giúp Chính phủ có thể hoạt động trở lại.

Phát biểu trước báo giới, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói: “Tổng thống đã gọi điện cho tôi trong sáng nay và yêu cầu tôi tới Nhà Trắng. Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nghiêm túc về nhiều vấn đề nổi bật. Chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận mang tính thăm dò sau khi tôi đưa ra đề nghị ngân sách đầy đủ đối với Bộ Quốc phòng.”

Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay (21/1). Theo kế hoạch, các bên sẽ xúc tiến các cuộc đàm phán riêng rẽ trong từng đảng nhằm tránh cho Chính phủ phải dừng hoạt động ngay trong tuần làm việc mới. Trong một tuyên bố mới nhất, người đứng đầu ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney bày tỏ lạc quan rằng, nhiều khả năng các bên sẽ đạt được một nghị quyết chung trước khi tuần mới bắt đầu.

Việc chính phủ liên bang bị đóng cửa được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh kế Mỹ. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc tạm thời và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương. Các nhân viên làm các nhiệm vụ thiết yếu như đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh công cộng sẽ tiếp tục làm việc.

Theo một nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần./.

Theo Hồng Nhung/VOV

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.