Cây đa già toả bóng xuống non sông

Dáng dấp cao sang với vầng trán rộng và thanh tao, gương mặt thánh thiện, đôi mắt tinh anh và bước đi chậm rãi, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu trông giống như ông tiên già thong thả gậy trúc đang bước đi giữa chốn bồng lai tiên cảnh...

95 mùa xuân giữa lòng dân tộc với bao thăng trầm của lịch sử, của đời người, đến hôm nay, trí tuệ vẫn mẫn tiệp, nhân cách của người trí thức chân chính vẫn ngời sáng, gieo vào lòng thế hệ cháu con một niềm tin bền vững.

Một đời đèn sách, thanh bạch và tuệ minh

Được biết về danh tiếng của cụ đã lâu nhưng mãi đến dịp cụ về thăm Hà Tĩnh năm 2008, tôi mới được ngắm chân dung của vị cao niên đã từng cống hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc, non sông. Tuy đã vào tuổi thượng thọ, cụ vẫn dõi theo từng bước đi của đất nước và đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vun đắp nên hồn cốt Việt Nam.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu.

Điều làm tôi và những người cùng đi ngạc nhiên hơn cả là trí tuệ mẫn tiệp của một bậc văn sĩ đã vượt lên những quy luật của tuổi già. Trong phút giây ngắn ngủi gặp gỡ, Giáo sư đọc hai câu đối do chính tay cụ thảo trên giấy bằng nét chữ thư pháp trước lễ kỷ niệm 20-11: Hà Tĩnh tự ngàn xưa đã hiến hiền tài cho Tổ quốc / Việt Nam thời đổi mới càng vươn trí tuệ hướng tương lai.

Lịch sử con người và vùng đất Hà Tĩnh cụ đã từng nghiên cứu rất nhiều nhưng đây là lần đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng và khoa học, cụ mới đặt chân đến. Và điểm đến đầu tiên là Đồng Lộc, nơi cách đó mấy tháng cụ đã ngồi ở Hà Nội viết những lời minh chuông đầy hào khí: Một tượng đài cao vút hướng thanh thiên/ Mười ngôi mộ sáng trưng bạch ngọc/ Tiếng chuông rung khí phách Trường Sơn/ Tiếng chuông dội tinh thần Đồng Lộc/ Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người/ Muôn dặm bừng soi gương vị nước…

Trên đường đến thăm khu di tích Nguyễn Du, cụ nói: “Nguyễn Du là hiện tượng từ trước chưa có, đến nay chưa có và chắc gì mai sau đã có!”. Ra thăm mộ thi nhân, cụ đặt từng bước chân cẩn trọng, nghiêm trang vuốt mái tóc lưa thưa, sửa lại tà áo, nhẹ nhàng rót rượu và dâng hương rồi thì thầm hồi lâu trước nấm mồ của thi nhân, người đã đau nỗi đau nhân thế, buồn nỗi buồn thân phận con người, yêu tình yêu của những đôi lứa và dồn tất cả cảm xúc lên ngòi bút tài hoa.

Một con người đã sinh ra và lớn lên trong bão táp cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan văn hoá, khoa học của Nhà nước, nay đứng trước đại thi hào của dân tộc và thế giới, suy nghĩ điều gì, tâm sự điều chi? Giáo sư đặt bút viết những dòng lưu niệm: Phải chăng người đời bấy giờ đã biết khóc cụ hay còn đợi đến 300 năm? Người đời khóc cụ như cụ từng khóc Kiều, Kiều khóc Đạm Tiên... Bao giờ thế giới hết chiến tranh, bao giờ con người được tự do phát triển?... Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. Cái tài của cụ phải được nhân lên ba lần mới xứng với cái Tâm của cụ...

Khi Giáo sư khảo lại và đọc cho tất cả chúng tôi nghe, ai nấy đều hết sức ngạc nhiên: 94 tuổi, nét bút chưa hề run tay, có sai vài lỗi chính tả song ý tứ vẫn sâu sắc và mang tầm thời đại. Hai trang giấy lớn kín mặt chữ “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”. Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm về ý về lời của một tầm vóc văn hoá “khóc”một danh nhân văn hoá cách đây gần 250 năm theo cách của mình.

GS Vũ Khiêu thăm Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh).

GS Vũ Khiêu thăm Khu di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh).

Lần gặp Giáo sư vào ngày đầu đông năm ngoái đã thôi thúc tôi tìm gặp cụ tại Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi cụ đã viết 72 cuốn sách và 10 văn bia, câu đối cho các di tích lịch sử trong nước cùng hàng trăm bài phú, bài nói chuyện tại các diễn đàn, nơi mỗi ngày đón bình minh lên là mỗi ngày cụ miệt mài trong lao động cho đến tận 11, 12 h, có khi đến 1,2 h sáng hôm sau vì sự trường tồn của nền văn hoá Việt Nam. Đây cũng là nơi 95 mùa xuân cuộc đời của cụ đi qua trong sự thanh bạch mà cao sang như Nguyễn Trãi từng nói: Án sách cây đèn hai bạn cũ/ Song mai hiên trúc một lòng thanh.

Căn nhà gác 2 trong khu tập thể Viện Khoa học xã hội ở phố Vạn Bảo yên tĩnh và sạch sẽ với những tán cây lưu niên dường như cách biệt với phố xá ồn ào ngoài kia. Qua khỏi bậc tam cấp là hành lang hẹp được bài trí công phu và gọn ghẽ với những câu đối, bức ảnh, bức họa và thư pháp như lời mời nồng nhiệt và ý vị của chủ nhân.

Tôi chú ý đến 2 câu đối viết trên gỗ: Nước 4000 năm, nhân ái còn tuôn dòng sữa Mẹ/ Dân tám chục triệu, anh hùng chẳng thẹn tấm lòng Cha. Đây là hai câu đối do Giáo sư viết bằng chữ Hán tại đền Hùng. Trên tường là bức ảnh chụp Giáo sư ngày trẻ với Bác Hồ cùng những người cộng tác ở chiến khu Việt Bắc, chân dung Bác Hồ, chân dung Đại tướng Võ Nguyễn Giáp…v.v.

Phòng khách ở gian giữa không rộng nhưng sang trọng và đậm đặc màu sắc văn hoá-triết học với tượng Giê-su, Khổng Tử và Đức Phật tổ Như Lai đặt trang trọng trên bệ thờ. Phía dưới bên trái là tượng Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, tượng Lý Thái Tổ và bài thơ trên gỗ viết bằng chữ Hán: “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt. Ngay chính giữa gian, phía trên bộ bàn ghế salon cổ cụ để tiếp khách quý là bài thơ: “Thượng sơn” của Bác Hồ do một người bạn viết tặng cụ, phía dưới là bức thư chúc thọ của GS Trần Văn Giàu, người bạn những ngày đầu đi theo cách mạng của cụ và cũng là một trong hai “cây đại thụ” còn sót lại của nước nhà.

Dẫn tôi vào thăm gian chính xong, cụ thong thả bước ra gian ngoài. Đây là phòng tiếp khách thường ngày và cũng là nơi nghỉ trưa của cụ. Toàn bộ căn phòng toát lên màu trắng của sự thanh bạch và khiêm nhường, từ chiếc khăn trải bàn diềm đăng ten, chiếc ga trải giường, những chiếc rèm cửa hoa trắng điểm dây xanh nhạt.

Ngoài kia những giò phong lan màu trắng, màu tím đung đưa nhè nhẹ trong gió hè Hà Nội. Một không gian thật yên bình và trong trẻo. Và nổi bật trên đó là dáng người trí thức già đang say sưa bên những giá sách, câu đối, thư pháp… vừa mang đậm vẻ hiền triết phương Đông vừa mang vẻ đẹp Việt Nam rất riêng, cao sang mà hiền từ, thâm trầm mà gần gũi, tuệ minh.

Nhìn toàn bộ căn phòng, tôi chợt hiểu vì sao ngày trước có người đã mua căn hộ này với giá 5.000 cây vàng mà cụ không bán, vì: Tôi có 5000 cây vàng không quý bằng 5000 người bạn.

Biết bao người khách là trí thức, văn nghệ sĩ, chính trị gia Hà Nội và cả nước đã được cụ tiếp chuyện, rồi nhận lời mời viết sách, viết văn bia, câu đối, duyệt bài…ở đây. Chiếc giường là để cụ ngả lưng vào ban trưa, chiếc ghế nửa nằm nửa ngồi là để cụ tựa lưng lúc ngồi chuyện trò với khách khi tuổi đã cao.

Khi tôi kể cho Giáo sư nghe về một vài tác phẩm văn học hiện nay có xu hướng “nói ngược”, làm tầm thường hoá lãnh tụ cũng như một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta mà sách báo đã và đang ca ngợi, cụ bình thản đọc cho tôi nghe 2 câu của Đặng Dung thế kỷ XV: "Ở với lửa hương, lửa hương cho vẹn kiếp, thử xem sắt đá có bền gan". Đó là tuyên ngôn sống của cụ, người đã theo Bác Hồ những ngày đầu kháng chiến, đến hôm nay đã 95 tuổi, qua bao lần bạo bệnh, tấm lòng son với Đảng chẳng bao giờ nhạt phai, như cái cây chẳng bao giờ nghiêng ngả trước phong ba, như người đã đi đường mình chọn là đi đến cùng.

Và cũng tại đây, cụ đã kể cho tôi nghe về cuộc đời đi theo Đảng và Bác Hồ, tình yêu và lòng tin của một người trí thức từng trải bao cực nhọc gian truân ở đời, sống và làm việc không ngơi nghỉ cho đến những ngày tháng cuối cùng.

Ở với lửa hương, lửa hương cho vẹn kiếp

Sinh ngày 18-9-1916 trong một gia đình trí thức nghèo ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, từ nhỏ Vũ Khiêu đã phải chia sẻ gánh nặng gia đình với mẹ. Bố là nhà nho yêu nước đã từng đi theo Phan Bội Châu, đang chuẩn bị Đông Du thì bị Pháp bắt. Nhà nghèo, một mình mẹ phải nuôi 4 anh em nên năm 10 tuổi, tuy thông minh sáng dạ, học chữ Hán rất giỏi nhưng Vũ Khiêu phải nghỉ học đi làm thuê kiếm sống.

17 tuổi, Vũ Khiêu xin vào làm hộ lý ở nhà thương của Pháp, làm đủ mọi việc, từ lau sàn, dọn hố xí, phục vụ bệnh nhân để nhận mỗi tháng mười đồng nuôi em. Sau lần bị đuổi việc vì đi làm trưa, chàng thanh niên quê hương văn vật và giàu nghĩa khí quyết định xa gia đình đi làm cách mạng.

Lên chiến khu Việt Bắc, anh được phân công phụ trách công tác thông tin tuyên truyền của Đảng. Theo bước chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh đi khắp miền Bắc chỉ đạo công các thông tin tuyên truyền cho các tổ chức Đảng, Mặt trận, chính quyền, đoàn thể, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Một thời gian sau, anh được giao chức vụ Giám đốc Nha thông tin văn hoá Chiến khu Việt Bắc, sau đó là Phó giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, giảng viên Học viện Nguyễn Ái Quốc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học xã hội kiêm Viện trưởng Viện Xã hội học...

Thời gian làm Giám đốc Nha thông tin, trụ sở đóng gần nơi Bác Hồ ở nên thỉnh thoảng anh lại được Bác gọi lên để làm việc về công tác tuyên truyền. Mỗi lần gặp tuy không lâu song đã để lại trong anh những ấn tượng đẹp đẽ về vị chủ tịch nước một lòng ưu quốc ái dân. Mỗi lời nói, cử chỉ của Bác đã thấm đẫm tâm hồn người trí thức cách mạng đang mong muốn đem hết sức mình phục vụ đất nước.

Điều trước nhất mà GS Vũ Khiêu học ở Bác, đó là tinh thần và ý chí vươn lên tự học, tự rèn luyện. Có lẽ Giáo sư là trí thức duy nhất thời trẻ không được đào tạo trong các nhà trường. Với vốn tiếng Hán từ nhỏ học ở nhà do cha dạy, trong quá trình làm việc và công tác tự học hỏi, mở rộng và tôi luyện thêm cộng với 2 năm được học tập ở Trung Quốc nên Gíáo sư rất giỏi về chữ Hán.

Tôi nhớ khi đến thăm nhà thờ Nguyễn Công Trứ, đọc hàng văn bia trên đá, cụ vừa đọc từng hàng vừa khen chữ viết đẹp. Giáo sư còn tự học tiếng Pháp và là người nói tiếng Pháp giỏi lúc bấy giờ. Thỉnh thoảng, Giáo sư lại được Viện “Viễn Đông bác cổ” của Pháp mời viết bài và phát biểu tại các hội nghị, hội thảo. Trong 72 đầu sách và 10 văn bia của cụ chỉ có 12 cuốn là biên soạn, còn lại đều là sáng tác, nghiên cứu, trong đó có những cuốn rất quý như: “Văn hoá học đại cương và chính sách văn hoá Việt Nam”,”Văn hoá phát triển và bản sắc “ “Đức trị và pháp trị” “ Nho giáo và con người” “Tìm hiểu ngàn năm văn hoá Thăng Long” “Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam”…

Mới đây nhất, ông Lý Quang Diệu-Tổng thống Xanh-ga-po, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới đã mời Giáo sư làm cố vấn. Dù đã cao tuổi nhưng cụ vẫn nhận làm Chủ tịch hội đồng tư vấn Nhà xuất bản Hà Nội.

GS Vũ Khiêu (đứng cao nhất) chụp ảnh với Bác Hồ những ngày ở Chiến khu Việt Bắc - Ảnh tư liệu do GS cung cấp.

GS Vũ Khiêu (đứng cao nhất) chụp ảnh với Bác Hồ những ngày ở Chiến khu Việt Bắc - Ảnh tư liệu do GS cung cấp.

Khi tôi nói về Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay, như khơi trúng nguồn mạch tâm tư, Giáo sư hào hứng: Theo tôi, mỗi người cần đi sâu hơn nữa vào thực tế cuộc sống để thực hiện lời Bác. Phải thực sự day dứt về Tổ quốc, phải trải qua gian khổ, xuống đồng ruộng, lên rừng với nhân dân mới thấm thía lời Bác. Những người không trực tiếp gắn bó với nhân dân thì dù thuộc Bác bao nhiêu cũng không học được Bác. Câu nói của Bác mà tôi thích nhất là : “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khát vọng to lớn đó của Bác, mỗi người chúng ta phải tiếp tục thực hiện.

Cụ nói: “Dù không chịu được những kẻ xuyên tạc về Bác nhưng tôi vẫn tin: Niềm tin về Bác trong lòng dân ta như cây đại thụ đã vững vàng qua bao giông tố, ai xuyên tạc cũng không lung lay được. Tôi thấy ngạc nhiên là nhiều người chưa hề được sống với Bác mà sao có thể viết về Bác trái ngược thế. Viết về một con người như Bác là phải nói về những cống hiến hy sinh cho dân tộc trong cả cuộc đời, điều mà cả thế giới đều biết. Còn một vài nét nhỏ trong sinh hoạt không phải đã phản ánh đúng và cũng không nên bới lông tìm vết làm gì.”

Giáo sư nhớ lại: Hồi ở Việt Bắc, mỗi lần cán bộ chiến sĩ báo tin ta giết được nhiều giặc Pháp, Bác không vui. Bác nói: “Máu Pháp cũng là máu con người, bất đắc dĩ mình phải giết nó để bảo vệ hoà bình của nhân dân. Chúng ta đang buộc phải đánh Pháp”. Con người Bác “ Bốn phương vô sản đều là anh em”. Những người đề cao dân tộc mình mà hạ thấp dân tộc khác, tìm cách lấn chiếm, thôn tính nước khác còn lâu mới được gặp Bác (gặp gỡ về tư tưởng) - Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh - Tình cảm của Bác bao trùm lên toàn nhân loại. Tỉnh yêu thương ấy là thống nhất, không dừng lại ở biên giới nước mình. Chính vì vậy, Bác đã được Liên hiệp quốc tặng danh hiệu vì hoà bình. Bản thân tôi đã lãnh đạo đoàn Việt Nam dự hội nghị quốc tế để bàn việc tặng danh hiệu này cho Bác. Thế hệ cháu con sau này phải tự hào vì dân tộc ta có được một người như Bác.

Tôi còn muốn chuyện trò với Giáo sư thật lâu nhưng chuông điện thoại cầm tay của cụ lại reo và trước khung cửa lại xuất hiện hai, ba người khách. Để tiễn tôi, cụ gọi cô cháu mang ra 3 cuốn sách, đề tặng rất cẩn thận. Cụ nói: “Bác sắp in cuốn văn bia “Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng” để tặng các khu di tích lịch sử dọc tuyến đường Trường Sơn và một cuốn sách về văn hiến Thăng Long. Khi nào sách in xong, bác sẽ gửi tặng tỉnh Hà Tĩnh và gửi cho cháu một quyển. Có dịp ra Hà Nội nhớ ghé lại bác!”

Tôi nhận món quà văn hoá từ tay vị trí thức già, lòng dâng lên tình cảm kính trọng và biết ơn. Hình ảnh cao đẹp và tuệ minh của Giáo sư- Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã in đậm trong trong tâm hồn tôi, khiến tôi phải tự nhìn lại mình và vững niềm tin đi theo bước chân của cụ. Giữa vô tận thời gian và bao la không gian, cây đa già ấy đã và sẽ còn toả bóng mát xuống non sông đất nước.

Hà Tĩnh- Hà Nội, 10- 2009

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast