Hạt kiểm lâm ít người, ít rừng: Nên chăng sáp nhập, tinh giản?!

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, nhiều hạt kiểm lâm ở Hà Tĩnh có số lượng cán bộ, nhân viên chỉ 5-8 người, diện tích rừng được giao bảo vệ không nhiều. Thực tế này đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong việc sắp xếp, tinh giản bộ máy thời gian tới...

Người ít, rừng nhỏ...

Hạt Kiểm lâm huyện Đức Thọ hiện chỉ có 5 cán bộ đang làm việc, trong đó có 1 hạt trưởng, 1 lái xe, 1 kế toán và chỉ có 2 kiểm lâm viên bám địa bàn. Diện tích rừng được giao cho đơn vị quản lý, bảo vệ, phát triển cũng chỉ hơn 3.000 ha (chỉ bằng 1/5 của xã Hương Lâm, huyện Hương Khê), trong đó đa phần là rừng sản xuất đã được giao cho người dân...

Hạt kiểm lâm ít người, ít rừng: Nên chăng sáp nhập, tinh giản?!

Khi 2 kiểm lâm viên đi kiểm tra địa bàn thì Hạt Kiểm lâm Đức Thọ chỉ còn 1 hạt trưởng, 1 lái xe và 1 kế toán!

Tương tự, hạt kiểm lâm các huyện: Lộc Hà (8 người), Hồng Lĩnh (8 người), Nghi Xuân (7 người), Kẻ Gỗ (6 người) và một số nơi khác dưới 10 người. Số lượng biên chế ít, nên ngoài "bộ khung": 1 hạt trưởng, 1 hạt phó, 1 kế toán, 1 lái xe thì chỉ còn lại 2-4 kiểm lâm viên bám địa bàn.

Đây là những con số đáng suy ngẫm nếu đem so sánh lực lượng ở các hạt này với các trạm bảo vệ rừng như: Trạm Ga (Hạt Kiểm lâm Hương Khê) 7 người; Trạm Kỳ Hợp (Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh) 6 người...

Không chỉ ít người, diện tích rừng được giao cho các hạt này quản lý cũng rất ít, dao động từ 2.000-18.000 ha.

Hạt kiểm lâm ít người, ít rừng: Nên chăng sáp nhập, tinh giản?!

Ngoại trừ Hương Sơn, Hương Khê, huyện Kỳ Anh, Vũ Quang... thì những hạt kiểm lâm khác đều ít rừng, ít người (Trong ảnh: Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hương Sơn kiểm tra lâm sản vận chuyển trái phép bị thu giữ)

Rừng ít, người ít, nhiệm vụ khá đơn thuần, nhưng trong dự thảo đề án sáp nhập, tinh giản bộ máy của ngành, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh vẫn chưa xây dựng phương án đối với những đơn này (ngoại trừ Hạt Kiểm lâm Kẻ Gỗ). Theo đó, từ nay đến năm 2021, sẽ chỉ sáp nhập Hạt Kiểm lâm Kẻ Gỗ về Hạt Kiểm lâm Cẩm Xuyên và sáp nhập 2 phòng chuyên môn ở chi cục; còn các hạt ở huyện vẫn giữ nguyên...

Dưới bảo được, trên kêu khó!

Trao đổi với PV, một hạt trưởng nêu quan điểm: “Theo tôi, việc sáp nhập các hạt kiểm lâm nhỏ là không khó. Khi hạt trở thành trạm sẽ giảm được các đầu mối và bớt được những người làm việc gián tiếp như lái xe, kế toán. Sau sáp nhập, chỉ cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phân công, phân nhiệm thì tất cả mọi việc đều sẽ ổn”.

Trong khi nhiều ý kiến ở cơ sở đều cho rằng, sáp nhập là cần thiết và đúng với xu hướng thì ở chi cục, một số ý kiến lại kêu khó và cho rằng sáp nhập sẽ không mang lại hiệu quả vì: Lực lượng kiểm lâm thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ chứ không đơn thuần làm công tác tham mưu, quản lý bảo vệ, PCCC rừng...; sẽ khó khăn khi điều động lực lượng; không bớt được người, chỉ giảm bớt một số chức danh; sinh hoạt Đảng và đoàn thể gặp khó; chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành...

Hạt kiểm lâm ít người, ít rừng: Nên chăng sáp nhập, tinh giản?!

Cán bộ kiểm lâm Hương Khê kiểm tra phương tiện, tang vật vi phạm pháp luật

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Tố - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho rằng: “Ngành vừa sáp nhập xong Chi cục Kiểm lâm với Chi cục Lâm nghiệp nên cần có thời gian ổn định bộ máy và tổ chức thực hiện nhiệm vụ rồi mới tính tiếp. Mặt khác, Luật Lâm nghiệp đến ngày 1/1/2019 có hiệu lực và hiện nay các thông tư, nghị định, hướng dẫn chưa được ban hành, trong đó có vấn đề bộ máy, tổ chức, nên phải chờ...”

Chủ đề Lâm nghiệp - bảo vệ rừng

Chủ đề Sáp nhập xã ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast