Mổ xẻ chuyện thủy điện, giá lúa và chạy chức

Hôm qua, 18-11, những bức xúc về giá lúa gạo, giá xăng dầu, quy hoạch thủy điện và lũ lụt ở miền Trung, bệnh chạy chức chạy quyền còn nặng… được các ĐBQH mổ xẻ tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn. Một vấn đề quan trọng được nêu trong loạt bài viết mới đây trên Báo SGGP về công nghiệp điện tử cũng được ĐBQH đưa ra chất vấn bộ trưởng.

Ngày thứ 2 chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội

Sẽ điều chỉnh quy hoạch thủy điện

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi không có thông tin vì động cơ này, động cơ nọ, để dừng xuất khẩu gạo.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi không có thông tin vì động cơ này, động cơ nọ, để dừng xuất khẩu gạo.

Vấn đề quy hoạch thủy điện gắn với xả lũ ở miền Trung vừa qua được ĐB Võ Minh Thức (Phú Yên) đưa ra với một loạt câu hỏi. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định tất cả các công trình thủy điện lớn hay nhỏ hiện nay đều được thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Không phải sau những cơn bão vừa qua, câu chuyện quy hoạch thủy điện mới được để ý tới.

Trước đó, Chính phủ luôn yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, khảo sát, phát hiện những bất cập trong thực hiện quy hoạch thủy điện để điều chỉnh kịp thời. Do điều kiện nhân lực có hạn nên đến nay mới kiểm tra được ở 1/3 trong số 35 địa phương có thủy điện.

“Qua đó, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần được xem xét, chỉnh sửa, bởi quy hoạch không phải là bất biến. Các số liệu quan trắc về thủy văn thu thập từ nhiều năm nay giờ đã không còn phù hợp với tình hình diễn biến của thời tiết, khí hậu. Chúng ta cần có cách nhìn công bằng và khách quan đối với thủy điện, nhất là thủy điện ở miền Trung” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói. Gần đây lũ lụt sau bão dẫn đến thiệt hại cho một số tỉnh miền Trung, trong đó vai trò của các thủy điện cần được đánh giá, “nhưng đổ lỗi hết cho các thủy điện tôi nghĩ cũng cần xem xét”.

ĐB Võ Minh Thức tiếp tục chất vấn bằng việc dẫn chứng thủy điện sông Ba Hạ - Phú Yên. Trận lũ sau cơn bão số 11, lượng mưa đo được chỉ hơn 330mm nhưng đã xả lũ hết công suất 11.400m³/giây, gây lụt ngang với lũ lịch sử năm 1993 trong khi thời điểm đó lượng mưa tới 1.300mm, gấp khoảng 4 lần vừa qua.

Người đứng đầu Bộ Công thương không đồng tình: “Nhưng 3 huyện phía Bắc tỉnh Phú Yên bị lụt nặng nhất, lại không phải địa bàn hoạt động của nhà máy. Hơn nữa nhà máy đã tham gia cắt được 6% lũ, còn lại lũ về bao nhiêu xả bấy nhiêu”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận quy trình vận hành liên hồ chứa còn làm chưa tốt, và trong đó có trách nhiệm của Bộ Công thương. Hiện Chính phủ đang đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì xây dựng các quy chế vận hành liên hồ chứa. Trong đó có các hồ chứa trên cùng một bậc thang, trên cùng một hệ thống sông.

Xuất khẩu gạo là nghề kinh doanh có điều kiện

Đại biểu Lê Thanh Liêm: Vinafood 2 ký hợp đồng bị “hớ” nên mới ngưng xuất khẩu gạo?

Đại biểu Lê Thanh Liêm: Vinafood 2 ký hợp đồng bị “hớ” nên mới ngưng xuất khẩu gạo?

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết, giá thu mua gạo ở ĐBSCL cao nhất chỉ đạt 83% so với giá sàn của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (3.800 đồng/kg), thấp nhất chỉ bằng 53% so với giá sàn: “Như vậy có hợp lý không, người nông dân lãi được bao nhiêu?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích, theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ phải bảo đảm nông dân lãi 30% trong vụ hè – thu. “Giá thành sản xuất ở từng địa phương chênh nhau khá lớn, nên việc đưa ra một mức giá sàn chung để thu mua có thể chưa phù hợp lắm, cần tính toán thêm” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Trả lời băn khoăn của ĐB Danh Út (Kiên Giang) về lượng gạo xuất tăng nhưng giá trị giảm do có quá nhiều doanh nghiệp xuất gạo, Bộ trưởng cho biết, năm 2009 dự kiến sẽ xuất 6 - 6,2 triệu tấn gạo, tăng 30% về số lượng nhưng do biến động giá lớn nên kim ngạch không bằng năm 2008. Hiện Bộ Công thương đang xây dựng nghị định mới về điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, sẽ thắt chặt quản lý hơn theo hướng đưa xuất khẩu gạo vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Về tình trạng giá xăng dầu “tăng nhanh, giảm chậm”, 2 vị bộ trưởng Công thương – Tài chính đều nói Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ ban hành (bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 12) sẽ là cơ chế tốt để giá xăng dầu đi theo thị trường và tạo điều kiện để người dân giám sát giá xăng dầu của các doanh nghiệp.

Vinafood 2 chỉ bán giá thấp chứ không phá giá!

Nhắc lại quyết định dừng xuất khẩu gạo năm 2008, ĐB Lê Thanh Liêm (Long An) nghi ngờ về việc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) ký hợp đồng bị “hớ” giá nên mới cho ngưng xuất khẩu: “Việc lập công ty “con” của Vinafood 2 ở Singapore khiến cạnh tranh không lành mạnh, nông dân lãnh đủ?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết “Không có thông tin chính gì về việc Hiệp hội Lương thực vì động cơ này, động cơ nọ về giá để can thiệp vào quyết định dừng xuất khẩu gạo”. Về vụ công ty “con”, Bộ trưởng cho biết Vinafood 2 thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT nên “xin chuyển” cho bộ này.

ĐB Lê Thanh Liêm không đồng tình: “Tôi muốn hỏi bộ trưởng ở góc độ thương mại, công ty “con” của Vinafood 2 có bán phá giá lúa gạo hay không?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: “Xin thưa thật, tôi không có thông tin chính thức việc công ty “con” của Vinafood 2 có bán phá giá hay không”.

Được Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát báo cáo thêm: “Tổng Giám đốc Vinafood 2 đã giải trình công ty này có bán gạo giá thấp hơn, nhưng vẫn trong phạm vi cho phép của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Tôi sẽ cho kiểm tra để báo cáo Quốc hội”.

*****Chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về vấn đề người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ĐB Trần Du Lịch dẫn vấn đề từ loạt bài viết trên Báo SGGP: công nghiệp điện tử của Việt Nam sau một thời gian phát triển nay đã trở về “con số… 0 tròn trĩnh”. “Những công ty vang bóng một thời giờ chỉ sống cầm hơi và làm gia công cho sản phẩm Trung Quốc với giá rẻ mạt. Một ngành công nghiệp được xem là mũi nhọn chúng ta để tình trạng như vậy, trong khi lại muốn người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam. Trách nhiệm của Bộ Công thương thế nào?” – ĐB Trần Du Lịch hỏi.Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận đây là một thực tế đáng buồn. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân trước hết là do chính sách và chiến lược phát triển có vấn đề, và ở đây có trách nhiệm của Bộ Công thương.

Về vấn đề khai thác bể than đồng bằng sông Hồng, Bộ trưởng cho biết, theo các tài liệu địa chất hiện có, bể than này có trữ lượng dự báo là 210 tỷ tấn, có thể khai thác 1/3. Tuy nhiên, Chính phủ chưa có quyết định nào liên quan đến việc khai thác than ở đồng bằng sông Hồng, hiện mới chỉ là chủ trương nghiên cứu thăm dò để làm thí điểm.
Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: M.ĐIỀN

Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: M.ĐIỀN

ĐB Trịnh Thị Nga (Phú Yên): Lũ ở Tây Nguyên đổ về làm cho người dân Phú Yên bị chết, cộng với xả lũ của các hồ thủy điện khiến thiệt hại rất lớn. Thủy điện có tác động nhiều không? Nhiều. Vì mất quá nhiều rừng, chưa hoàn trả rừng, khiến nước từ đầu nguồn về rất dữ.

Những giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra chúng tôi mới chỉ tạm chấp nhận. Còn quá nhiều điều phải xử lý. Từ thực tế địa phương, tôi cho rằng, phải tính lại quy hoạch thủy điện miền Trung. Khi phê duyệt dự án đầu tư phải đánh giá tác động môi trường. Tôi không đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công thương khi Bộ trưởng cho rằng, với địa hình ở miền Trung - Tây Nguyên, thủy điện chỉ làm nhiệm vụ tích nước để phát điện. Còn việc xử lý vùng hạ lưu thì chưa tính đến vì các hồ chứa còn nhỏ. Trả lời như thế là không thể chấp nhận được, vì thiệt hại đối với hạ lưu là khủng khiếp. Nếu cứ mạnh ai nấy xả lũ như hiện nay thì người dân chỉ biết “khóc”.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Bộ trưởng trả lời dứt khoát thủy điện không ảnh hưởng đến môi trường, luôn có lợi. Như vậy là quá một chiều. Rõ ràng là cả xã hội đều thấy cả mặt lợi, mặt hại của thủy điện miền Trung, vấn đề là nhìn thấy cái hại để không lặp lại. Tôi đã gửi phiếu thăm dò đến trên 40 ĐBQH, họ đều đồng tình rằng kỳ này phải làm một cuộc điều tra, giám sát về quy hoạch rừng ở thượng nguồn gắn với thủy điện, gắn với chế độ vận hành của thủy điện và ảnh hưởng cuộc sống người dân như thế nào. Việc điều tra này cần tiến hành sớm để trả lời cho cử tri, cho Quốc hội biết vào kỳ họp tới. Vì ai cũng thấy, đây là vấn đề nóng, mới nổi lên gần đây.

Bộ trưởng nói thủy điện miền Trung đều trong quy hoạch. Nhưng dư luận cần biết là quy hoạch này có chính xác không? Chúng tôi cần một kết luận rõ ràng, một điều tra làm rõ để tránh hậu quả về sau.

Cử tri Huỳnh Vạn Thắng (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng): Quy trình vận hành xả lũ của các thủy điện, mà bài học nhãn tiền là Nhà máy thủy điện A Vương (Quảng Nam) và Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên) vừa qua cho thấy đơn vị quản lý chưa đạt, chưa chủ động, chưa cụ thể, chưa chi tiết và còn chung chung dẫn đến mưa lớn thì lo xả cho nhanh nên dẫn đến lũ lớn hơn. Gây nên lũ nhân tạo chồng lên lũ tự nhiên, lũ kép như vậy, không gây thiệt hại mới lạ. Theo ông Thắng, quy trình xả lũ nên đưa công khai rộng rãi cho người dân, các nhà khoa học về thủy lợi để tối ưu hóa quy trình xả lũ.

Bởi vì hiện nay, cứ mỗi khi lũ về quá mức cho phép yếu tố an toàn các hồ chứa là các nhà máy thủy điện lại kêu lên là nếu không xả lũ, vỡ đập còn nguy hiểm hơn nữa, khía cạnh này không ổn và cần phải xem lại. Phải chăng chất lượng công trình kém, chủ đầu tư thiếu kinh phí, trong khi muốn làm cái lớn, lại đầu tư ít, sợ vỡ đập thì thôi đừng làm nữa. vì mỗi lần “hù” vỡ đập là ảnh hưởng tâm lý ghê gớm đối với người dân và những địa phương có thể hứng chịu.


Trước trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, hôm qua, PV SGGP đã liên hệ một số lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu quan điểm trước trả lời trên. Tuy nhiên, từ lãnh đạo Sở NN-PTNT đến Chi cục PCLB tỉnh Quảng Nam đều từ chối thể hiện quan điểm vì cho rằng “muốn thể hiện quan điểm cần phải có luận cứ, luận chứng có cơ sở khoa học. Hiện nay các ngành đang tập trung chuẩn bị tài liệu để tham gia hội nghị chuyên đề về thủy điện do Ban thường vụ tỉnh ủy tổ chức vào cuối tháng 11 này”.

THẢO - MINH - KHÔI


Xử lý nạn chạy chức, chạy quyền
Bị ung thư mà trị bằng thuốc cảm!

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: tình trạng “chạy chức chạy quyền” là một vấn nạn nhưng khó xử lý.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn: tình trạng “chạy chức chạy quyền” là một vấn nạn nhưng khó xử lý.

Mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn với tinh thần đi đến tận cùng vấn đề, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) thẳng thắn đưa ra nhận định, tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, “bệnh chạy chức chạy quyền” mà chính ông đã từng đưa ra chất vấn từ kỳ họp thứ 2 vẫn còn khá phổ biến.

Theo ông, khoảng 30% tiến sĩ không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được ưu tiên bổ nhiệm, dẫn đến nghịch lý là ở các cơ quan quản lý thì đi đâu cũng gặp tiến sĩ, trong khi các viện nghiên cứu, các trường ĐH thì lại rất thiếu cán bộ làm khoa học thực sự.

“Bệnh chạy chức chạy quyền có thể ví như một dạng ung thư di căn, nhưng mới được chữa trị bằng... thuốc cảm! Chính vì thế mà có người nói, đầu tư cho chạy chức là đầu tư siêu lợi nhuận, Bộ trưởng nghĩ sao?”, ĐB Cuông nêu câu hỏi trực diện.

ĐB Lê Văn Cuông: đầu tư cho chạy chức là đầu tư siêu lợi nhuận, Bộ trưởng nghĩ sao?

ĐB Lê Văn Cuông: đầu tư cho chạy chức là đầu tư siêu lợi nhuận, Bộ trưởng nghĩ sao?

Đáp lời ĐB Cuông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ công nhận: mặc dù đại bộ phận cán bộ lãnh đạo được đề bạt đúng người đúng việc, đảm bảo chất lượng, nhưng tình trạng “chạy chức chạy quyền” vẫn là một vấn nạn mà trong việc xử lý có nhiều cái khó. “Người chạy chức dĩ nhiên không tiết lộ điều này, người ủng hộ anh ta cũng rất khéo tìm ra ưu điểm, lý lẽ để đề nghị đề bạt. Chính vì vậy, cần nghiêm túc tuân thủ quy trình làm từ quy hoạch, đào tạo, thử thách, luân chuyển, bỏ phiếu tín nhiệm... phát huy tính trách nhiệm của tập thể”.

Chưa hài lòng với câu trả lời, ĐB Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) “vặn” lại: “Chạy chức quyền khó bắt tận tay day tận cánh vì đi đêm, ai cũng hiểu điều đó, nhưng lẽ nào thể chế pháp luật bất lực”?

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn chia sẻ nỗi bức xúc của ĐB vì “có thể có những cấp, ngành không thực hiện đúng quy định của Nhà nước”, nhưng khẳng định, pháp luật của ta có đầy đủ cơ chế để giải quyết, xử lý nghiêm minh hiện tượng này.

ĐB Lê Văn Cuông: Bộ Nội vụ không thể kêu khó, từ đó bó tay. Tại sao lại nhắc lại chính những giải pháp không có hiệu quả trong thực tế? Căn bệnh này đã “di căn”, cần phải có liều thuốc mạnh. Có trị được không? Theo tôi là không khó. Vấn đề là chúng ta có dũng cảm, có nhận thức đúng, có dám làm không mà thôi. Chẳng hạn như bổ nhiệm cán bộ, phải đưa ra nhiều người để đánh giá, nhận xét, rồi lựa chọn giữa các ứng cử viên. Và hội đồng quyết định phải nhiều người chứ không chỉ 1 - 2 người, chỉ tiện cho việc chạy chức, chạy quyền.

Cải cách hành chính nên bắt đầu từ thủ tục hay từ chính đội ngũ cán bộ công chức? Đâu là cơ sở khoa học để đưa ra chỉ tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính? Việc cắt giảm thủ tục liệu có tạo ra những kẽ hở trong quản lý nhà nước? Cần phải nhìn nhận chính xác về chất lượng của đội ngũ này như thế nào? Đó là những câu hỏi đầy bức xúc được các ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre), Đặng Như Lợi (Cà Mau) đặt ra cho người đứng đầu ngành nội vụ. Thậm chí, trong phần chất vấn lần thứ 2, ĐB Phước cho rằng, chọn khâu đột phá như vậy có thể là “chưa trúng” vì người dân, doanh nghiệp bị “hành” chủ yếu là do đội ngũ công chức.

ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) gay gắt: Có ý kiến cho rằng 1/3 số cán bộ công chức làm việc cật lực, 1/3 chỉ đâu đánh đấy, 1/3 còn lại có cho vui, lắm khi còn làm rối chuyện. Bộ trưởng nghĩ sao?

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đáp: “Đúng là chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức chỗ này chỗ khác còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng chưa có cơ sở chứng minh tỷ lệ như ĐB nêu. Kết quả xếp loại cuối năm đều cho thấy 90% cán bộ công chức hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thủ tục hành chính thực sự cần được coi là khâu đột phá đầu tiên của tiến trình cải cách. Chính phủ sẽ ban hành nghị định về vấn đề này, không để các cấp tự do ban hành thủ tục.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý Bộ trưởng Bộ Nội vụ rà soát lại, đánh giá đúng thực trạng, đồng thời có giải pháp khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong thi tuyển công chức, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

ANH PHƯƠNG

Nguồn: SGGP Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast