Quyết tâm triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược đáp ứng đúng tiến độ

(Baohatinh.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị Trung ương và địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khó khăn, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đấy...

Quyết tâm triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược đáp ứng đúng tiến độ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điều hành hội nghị. Ảnh: VGP

Sáng 10/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương có dự án, công trình trọng điểm đi qua.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Quyết tâm triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược đáp ứng đúng tiến độ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Anh Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, lập chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia trình Quốc hội thông qua làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng.

Đây là các dự án hạ tầng giao thông quy mô rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng, có vai trò động lực, lan toả mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước, tăng năng lực cạnh canh quốc gia.

Do vậy, ngày 23/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 884/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Quyết tâm triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược đáp ứng đúng tiến độ

Các đại biểu tham dự ở điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo quyết định thành lập BCĐ, các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần.

Trong đó, Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.

Quyết tâm triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược đáp ứng đúng tiến độ

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 33 tỉnh, thành phố có liên quan

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, dù một số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhưng với sự nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công và các địa phương, các dự án đã triển khai như cao tốc Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành... cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Bộ GTVT cùng với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng đang hoàn thiện các công việc để triển khai một số dự án trọng điểm khác như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng...

Để thực hiện các dự án bảo đảm tiến độ, trong thời gian tới, BCĐ yêu cầu Bộ GTVT cơ bản hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) trong năm 2022; hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu và các thủ tục liên quan để khởi công các dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào cuối năm 2022...

Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chính Minh và các địa phương liên quan tập trung triển khai công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần; phấn đấu khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 năm 2023; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị theo các mốc tiến độ đã xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hoàn thành GPMB xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (diện tích 1.810 ha) trong tháng 8/2022...

Trên địa bàn Hà Tĩnh có 4 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thực hiện qua 2 giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025.

Tại giai đoạn 2017 – 2020, dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km, trong đó đoạn qua huyện Đức Thọ là 4,84 km, đã hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện đến nay là hơn 100 tỷ đồng, đạt 8,16%.

Giai đoạn 2021 – 2025 dài 102,38 km, gồm 3 đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng, với tổng mức đầu tư được duyệt 29.230 tỷ đồng.

Tới nay, chủ đầu tư đã hoàn thành bàn giao mốc GPMB tuyến chính cao tốc và 3 tuyến kết nối. Toàn tỉnh kiểm đếm GPMB đạt 85,78% trên tuyến chính (huyện Đức Thọ và TX Kỳ Anh đã hoàn thành 100%), còn tuyến kết nối đang thực hiện.

Hà Tĩnh đã và đang phối hợp hợp với các ban, ngành Trung ương và đốc thúc các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh việc triển khai các nội dung để đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, đơn vị Trung ương và địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến để triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề xuất một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay: Nước ta đang triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng.

Đột phá chiến lược về hạ tầng, có hạ tầng về giao thông, tập trung vào các công trình giao thông liên vùng, liên tỉnh.

Quyết tâm triển khai các dự án hạ tầng giao thông chiến lược đáp ứng đúng tiến độ

Ảnh: VGP

Mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra là đến năm 2030 cả nước hoàn thành ít nhất 5.000km đường cao tốc. Do đó, nhiệm vụ từ nay đến năm 2030 là rất nặng nề. Trong khi tiến độ thực hiện các dự án còn chậm do nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, cần phải có nhiều biện pháp tổng hợp nhằm phát huy thành tựu, kinh nghiệm; khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế; xử lý kịp thời phát sinh mới để thúc đẩy đầu tư, xây dựng các công trình.

Hiện nay, trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đều triển khai các dự án lớn của ngành GTVT. Khối lượng vốn giải ngân rất lớn so với các năm trước, đòi hỏi phải có những thay đổi về cách làm, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong những năm vừa qua, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm việc là suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy; làm việc thực chất, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm các thành viên BCĐ, các địa phương, bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Chủ đề Cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast