Hà Tĩnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, huy động sức mạnh tổng hợp phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(Baohatinh.vn) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác định rõ: Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, phải tiến hành không ngừng, không nghỉ nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành Chương trình số 09-CTr/TU, ngày 10/9/2021 về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực giai đoạn 2021-2025”.

Hà Tĩnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, huy động sức mạnh tổng hợp phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Nội chính và các cơ quan trong khối (ngày 13/9).

Gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chương trình số 09-CTr/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực giai đoạn 2021-2025” xác định rõ: phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phương châm đặt ra là: Phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng, cấp bách. Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Quá trình xử lý phải có quan điểm biện chứng, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, bứt phá, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Hà Tĩnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, huy động sức mạnh tổng hợp phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Dự thảo báo cáo kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh.

Những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cần tập trung thực hiện

Chương trình đã đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực giai đoạn 2021-2025, gồm:

Cấp ủy, chính quyền các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các nội dung Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh hằng năm; tăng cường đưa nội dung công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra để tổ chức thực hiện.

Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công của địa phương. Các dự án có phát hiện vi phạm trong các giai đoạn dự án đầu tư phải tiến hành xử lý hành chính; có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí được phát hiện trong các giai đoạn thực hiện, quyết toán dự án phải được chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đúng quy định.

Các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp phải được kiểm tra, rà soát để có hướng xử lý; có biện pháp hoàn trả tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, kéo dài nhiều năm, đơn vị quản lý đã giải thể. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, tập trung xử lý dứt điểm các tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành.

Các công trình, dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản phải thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Xử lý, thu hồi diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, quản lý, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch, gây lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định.

Các kết luận thanh tra, kiểm tra về kinh tế - xã hội, thanh tra chuyên ngành khi phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lãng phí phải được chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hà Tĩnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương, huy động sức mạnh tổng hợp phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Ngày 6/8/2021, TAND tỉnh xét xử Nguyễn Văn Bửu (SN 1972, trú thôn 10, xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên) tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác.

Nâng số cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra hằng năm thuộc các lĩnh vực cần tập trung cao, như: Công tác cán bộ, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, thuế, hải quan, tư pháp, y tế, giáo dục, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản…

Tập trung giải quyết các tố giác, tố cáo về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo đúng quy định; các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng phải được giải quyết trong hạn luật định.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải được quản lý, đánh giá bằng sản phẩm cụ thể. Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về khoán, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định.

Phấn đấu các chức danh tư pháp: điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên được đào tạo, bố trí công việc đúng chuyên ngành, năng lực, trình độ, chuyên môn sâu, phẩm chất đạo đức tốt, liêm chính; quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ quản lý các ngành tư pháp được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trung cấp, cao cấp lý luận chính trị.

Tăng cường thanh tra, giám sát và siết chặt kỷ luật, kỷ cương

Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, Chương trình yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các quy định theo thẩm quyền về quản lý kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; tăng cường kiểm soát quyền lực và tài sản thu nhập; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong thực hiện và tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, với nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng, lãng phí là ai; đã có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố điều tra và kết luận, có tội phải truy tố, xét xử”.

Nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan nội chính, các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra, rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách, định mức kinh tế - kỹ thuật; đơn giá, dự toán phù hợp với điều kiện thực tế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Với các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Chương trình số 09 - CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, từ đó bịt kín những “khoảng trống, kẽ hở” để không muốn, không thể, không dám và không cần tham nhũng. Đồng thời, tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast